Tự tin về tầm vóc lúa gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chất lượng và vị thế gạo Việt Nam đã được khẳng định trên trường quốc tế sau khi được vinh danh tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2023.

Trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu được tổ chức tại Cebu, Philippines do The Rice Trader tổ chức. Vượt qua hơn 30 đối thủ, gạo Việt Nam đã giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2023.

Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm nay có sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo đã được gửi dự thi. Ngoài giải Nhất thuộc về gạo Việt Nam, gạo Campuchia đạt giải Nhì, Ấn Độ đạt giải Ba.

Năm nay, 3 doanh nghiệp gửi gạo tới tham dự cuộc thi gồm: doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (gạo ST24, ST25); Lộc Trời (Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9) và ThaiBinh Seed (Nếp A Sào và TBR39-1).

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời (Ảnh: Thu Hương).

Nhân sự kiện này, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, xúc động chia sẻ ngay khi nhận được tin chiến thắng: “Lộc Trời và đội ngũ người Lộc Trời vô cùng vui mừng với chiến thắng của lúa gạo Việt Nam! Chúng tôi rất vinh dự và tự hào đã được đóng góp vào chiến thắng này bằng hai giống lúa đặc biệt - Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9”.

Theo ông Thòn, với chiến thắng này, Việt Nam có thêm tự hào và tự tin về tầm vóc của lúa gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Đồng thời, ông chủ Tập đoàn Lộc Trời khẳng định sẽ ngày càng gắn bó cùng bà con nông dân, mở rộng liên kết sản xuất, tham gia tích cực vào đề án 1 triệu ha vừa được Chính phủ chấp thuận để cung ứng nguồn giống xác nhận, đặc biệt cho 2 giống lúa vừa đoạt giải, Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9.

Đồng thời, khuyến khích bà con nông dân thực hiện quy trình canh tác khoa học cùng sử dụng bộ giải pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng hài hòa hữu cơ – sinh học - hóa học để bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên đất và nước, giảm lượng hóa chất rải xuống đồng ruộng thông qua việc cơ giới hóa.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Tính đến hết 11 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu 7,75 triệu tấn gạo với giá trị 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm trước. Chúng ta đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, đây chính là ưu thế của gạo Việt Nam”.

Đây là kết quả tốt nhất, kể từ khi ngành gạo tham gia vào thị trường thế giới. Bộ NN&PTNT nhận định năm 2024, thị trường lúa gạo tiếp tục sôi động khi một số quốc gia tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.

Với chiến thắng lớn của gạo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, các sản phẩm được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, trong đó đặc biệt có thương hiệu gạo ST25 lần nữa đạt được danh hiệu này, đã khẳng định giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ những năm bao cấp phải nhập khẩu lương thực thì năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng các giống lúa đạt giải đồng thời nghiên cứu thêm nhiều giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và nâng cao được vị thế hạt gạo Việt Nam.

Năm 2024, thị trường lúa gạo tiếp tục sôi động khi một số quốc gia tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.

Trong sáng 1/12, tại họp báo Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết: “Hiện nay, ngành lúa gạo đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tự hào. Chúng ta có một bộ giống lúa cực kỳ tốt, năng suất cao, chất lượng tốt, ngắn ngày, có điều kiện bố trí thời vụ, né tránh điều kiện thời tiết khí hậu, sâu bệnh; có quy trình canh tác giảm vật tư đầu vào thích ứng biến đổi khí hậu”.

Theo ông Cường, hàng năm, trên dưới 100 nghìn ha bị chuyển dịch từ mục đích trồng lúa sang mục đích dịch vụ kinh tế xã hội. Tuy nhiên, năm 2023, vẫn đảm bảo trên 43 triệu tấn thóc.

Ngành lúa gạo bắt đầu chuyển đổi thực hiện sản xuất xanh, tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa, sử dụng một cách hài hòa, hiệu quả các khâu đầu vào đầu ra của sản xuất trồng lúa để đem lại hiệu quả cao nhất, chứ không phải sản xuất sinh thái giảm năng suất, sản lượng.

“Chúng ta vẫn đảm bảo năng suất sản lượng, nhưng giảm chi phí, tăng thu nhập của người dân”, ông Cường nói.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-tin-ve-tam-voc-lua-gao-viet-nam-tren-thuong-truong-quoc-te-a638725.html