Từ Thái Bình đến Bà Rịa - Long Khánh (Bài 3)

Tháng 3-1972, Bộ tư lệnh Phân khu Bà Rịa đưa Trung đoàn 33 về hoạt động ở địa bàn Xuân Lộc, phối hợp cùng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 ở Long Thành. Nhiệm vụ của các đơn vị này là hỗ trợ lực lượng vũ trang (LLVT) huyện đánh địch tại các vùng trọng điểm của phân khu từ Cẩm Mỹ trên Quốc lộ 2 tới Túc Trung-Định Quán Quốc lộ 20, đối tượng chiến đấu là Chiến đoàn 48, Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18

(Tiếp theo và hết)

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

QĐND - Tháng 3-1972, Bộ tư lệnh Phân khu Bà Rịa đưa Trung đoàn 33 về hoạt động ở địa bàn Xuân Lộc, phối hợp cùng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 ở Long Thành. Nhiệm vụ của các đơn vị này là hỗ trợ lực lượng vũ trang (LLVT) huyện đánh địch tại các vùng trọng điểm của phân khu từ Cẩm Mỹ trên Quốc lộ 2 tới Túc Trung-Định Quán Quốc lộ 20, đối tượng chiến đấu là Chiến đoàn 48, Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 ngụy ở Long Khánh. Nhiều trận đánh quân ngụy ác liệt, liên tục, dài ngày, nổi bật nhất là các đại đội thuộc Tiểu đoàn 440 nòng cốt chiến đấu, bám trụ địa bàn Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán gây cho Sư đoàn 18 thiệt hại nặng nề.

Ngày 10-8-1972, Trung ương Cục quyết định thành lập lại Khu ủy miền Đông Nam Bộ, thành lập lại tỉnh Bà Rịa-Long Khánh. Như vậy, địa bàn tỉnh gồm: Xuyên Mộc, thị xã Cấp (Vũng Tàu) và thị xã Bà Rịa. Bí thư Tỉnh ủy là Phạm Văn Hy, Phó bí thư là Lê Minh Nguyệt, Tỉnh đội trưởng là Phạm Văn Lạc. LLVT của tỉnh đội gồm: Tiểu đoàn 445, Tiểu đoàn 500, Tiểu đoàn 240 công binh; bộ đội huyện Cao Su có các Đại đội 5, 6, 7, Đại đội 8 thuộc huyện Xuân Lộc; Đại đội 9 thuộc huyện Định Quán. Hầu hết các đại đội này đều thuộc Tiểu đoàn 440.

Đánh chiếm sân bay Xuân Lộc (năm 1975). Ảnh tư liệu.

Trong những tháng cuối năm 1972, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền, Bộ tư lệnh quân khu Miền Đông, Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh đã chỉ đạo LLVT vừa tác chiến vừa kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và binh vận, giành thắng lợi trong đợt “Chồm lên chiếm lĩnh” mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực cho phong trào cách mạng ở địa phương. Cho đến cuối năm 1972, toàn tỉnh đã giải phóng 80 ấp, 6 xã... Ta làm chủ nhiều vùng nông thôn, nhiều đoạn Quốc lộ 15, liên tỉnh lộ 2 và 23.

Những thắng lợi dồn dập trong thượng tuần tháng 1-1973 của LLVT tỉnh, trong đó có sự ghi nhận hoạt động tích cực của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440 trong đội hình chiến đấu của huyện đội Xuân Lộc, huyện đội Cao Su, góp phần trong đợt “mở mảng, mở vùng” rồi “Chồm lên chiếm lĩnh”. Điều đó không chỉ có ý nghĩa với phong trào cách mạng địa phương, mà còn góp phần cùng cả nước hình thành nên thế trận mới áp đảo và có lợi cho cách mạng, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973.

Thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Pa-ri tác động rất lớn đến tâm tư tình cảm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhân dân và các LLVT phấn khởi, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 440 đón nhận tin vui đó với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là sự lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Từ trung tuần tháng 12-1974, ưu thế trên chiến trường miền Nam chuyển biến rất nhanh, mở ra thời cơ kết thúc chiến tranh. Sau những hoạt động có hiệu quả của Đại đội 8 Xuân Lộc phối hợp với các đơn vị chủ lực của quân khu trên địa bàn Long Khánh, cô lập địch trong thị xã Long Khánh, tạo bàn đạp cho các binh đoàn cơ động bước vào cuộc quyết chiến chiến lược.

Bằng đòn tấn công mãnh liệt của Quân đoàn 4 và Sư đoàn 6 chủ lực Quân khu 7 vào Xuân Lộc-Long Khánh. Sau 10 ngày tiến công, quân ta đã giải phóng thị xã Long Khánh. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc-Long Khánh bị đập tan vào ngày 21-4-1975. Trong chiến công chung đó có phần góp sức máu xương của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440, trong đội hình chiến đấu của huyện Cao Su và huyện Xuân Lộc.

Để kiểm soát vùng mới giải phóng rộng lớn, theo đề nghị của tỉnh đội, Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh quyết định thành lập lại Tiểu đoàn 440. Tiểu đoàn trưởng là Nguyễn Văn Khéo, Chính trị viên Tiểu đoàn là Phan Thanh Bình. Tiểu đoàn biên chế thành 4 đại đội. Cả tiểu đoàn đứng chân tại thị xã Bà Rịa, làm nhiệm vụ cơ động trấn áp bọn phản động nổi dậy chống phá, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ.

Ngày 20-5-1975, sau lễ diễu binh, biểu dương lực lượng mừng chiến thắng 30-4-1975, Tiểu đoàn 440 được tỉnh đội điều đi truy quét bọn tàn binh ở khu Long Khánh, cạnh sông La Ngà-Định Quán và Bàu Hàm-Trảng Bom. Ít lâu sau, Tiểu đoàn 440 làm nhiệm vụ bảo vệ việc bỏ phiếu của nhân dân bầu cử Quốc hội, bảo vệ Đại hội Đảng rồi tham gia cải tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, huấn luyện chiến sĩ mới. Với bất cứ nhiệm vụ gì, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440 đều tận tâm, tận lực thực hiện nhanh chóng chính xác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trận tuyến mới

Sau những ngày tháng hoạt động miệt mài với các nhiệm vụ khác nhau, Tiểu đoàn 440 được lệnh tập trung củng cố biên chế tổ chức, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn cán, rèn quân, tham gia truy quét tàn quân ngụy và lực lượng FULRO. Thời gian này, tình hình biên giới Tây Nam rất căng thẳng. Đêm 20 rạng ngày 25-9-1977, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri đã sử dụng 2 sư đoàn Khơ-me Đỏ tiến công huyện Bến Cầu, Tân Biên tỉnh Tây Ninh. Khơ-me Đỏ đã đốt hơn 400 căn nhà ở xã Tam Lập, giết hại hơn 1000 dân thường. Bộ đội Quân khu 7, Quân đoàn 4 đã tổ chức phản công, buộc quân Khơ-me Đỏ rút khỏi biên giới. Tình hình biên giới trở nên khó lường hơn. Chính vì vậy, để tăng cường sức mạnh, Tiểu đoàn 440 được biên chế vào Trung đoàn 746. Dù phân tán hay tập trung, chiến đấu độc lập hay trong đội hình cấp trung đoàn, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 440 đều thể hiện tinh thần chấp hành nhiệm vụ nghiêm túc, kể cả sẵn sàng vào trận chiến đấu với quân Khơ-me Đỏ, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trải qua 12 năm (1967-1979) chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, dưới sự chỉ đạo thường xuyên sâu sát của Đảng mà trực tiếp là tỉnh ủy, tỉnh đội, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440 luôn đoàn kết một lòng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kết tinh truyền thống “Đoàn kết nhất trí; trung thành vô hạn; kiên trì bám trụ; chiến đấu ngoan cường”.

Trong suốt những năm chiến đấu ác liệt ở địa bàn chiến lược Bà Rịa-Long Khánh, tiểu đoàn có 635 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. 28 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có con chiến đấu, hy sinh trong Tiểu đoàn 440, trong đó riêng Thái Bình có 26 mẹ.

Sau những tháng năm trong quân ngũ, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440 đã trở về cuộc sống đời thường. Dù ở cương vị nào, sống trên quê hương Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai hay Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, cả ở nước ngoài, nhưng những chiến sĩ bình dị của Tiểu đoàn 440 vẫn luôn tự hào về truyền thống vẻ vang mà chính họ đã góp phần làm nên. Họ luôn nhớ về một thời trai trẻ oai hùng với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Vì Tổ quốc Việt Nam, họ đã cống hiến trọn đời mình và chắc chắn sẽ không ai lãng quên những người con trung hiếu ấy.

Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG

Từ Thái Bình đến Bà Rịa – Long Khánh (Bài 1)

Từ Thái Bình đến Bà Rịa – Long Khánh (Bài 2)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tu-thai-binh-den-ba-ria-long-khanh-bai-3-258423