Từ thạc sĩ trời Âu đến Hot TikToker với mong muốn làm giàu cho quê hương

Vượt qua định kiến thạc sĩ livestream bán hàng, Chảo Yến quyết tâm về quê khởi nghiệp, đồng thời quảng bá và bảo tồn tri thức bản địa người Dao thông qua nền tảng mạng xã hội TikTok.

Chảo Thị Yến (Chảo Yến) sinh năm 1990, là người dân tộc Dao Tuyển, quê ở xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Bỏ ngoài tai định kiến “con gái không cần học nhiều” từ bản làng, năm 2016, Chảo Yến đạt hai học bổng thạc sĩ liên tiếp tại Đức và Ý. Cô gái người Dao Tuyển nhanh chóng trở nên nổi tiếng với hành trình ngược chiều tìm con chữ đáng khâm phục.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và có công việc ổn định, Chảo Yến bất ngờ quay về bản, bắt đầu một hành trình mới. Đó là sáng tạo nội dung trên TikTok và khởi nghiệp từ các sản phẩm đặc sản địa phương. Qua đó, góp phần quảng bá và bảo tồn văn hóa người Dao, tạo sinh kế cho cộng đồng.

Cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ danh giá, có được công việc ổn định nhưng sau đó lại quyết định về quê làm TikTok. Tại sao Chảo Yến lại chọn “đường ngược chiều” như vậy?

Trước đây, tôi muốn đi du học để thoát nghèo. Nhưng khi du học về, tôi đã thay đổi tư duy, không chỉ muốn thoát nghèo mà tham vọng bản thân có thể làm được nhiều hơn thế.

Tôi quyết định về quê để phát triển, thử sức mình với một vai trò mới. Hơn nữa, tôi muốn trên hành trình đó có cả bản làng cùng đồng hành. Tôi hi vọng những việc tôi làm có thể góp một phần công sức nhỏ, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng ở quê mình.

Chảo Yến - người dân tộc Dao Tuyển.

Chắc hẳn trong những ngày đầu xây kênh, Chảo Yến đã gặp phải rất nhiều áp lực?

Khó khăn lớn nhất của tôi là việc mình đi du học thạc sĩ về nước nhưng không làm đúng chuyên ngành đã học. Nhiều người nói với tôi rằng: “Em phải đi vào làm nhà nước, phải xin vào các sở, ban, ngành mới là cống hiến. Chứ bây giờ đi học rồi về quê như thế là lãng phí”.

Quá nhiều người phản đối, khiến tôi bị áp lực, nảy sinh nỗi sợ thất bại. Nếu tôi không thành công sẽ gây thất vọng, đặc biệt là cho các bạn trẻ. Ngoài ra, những bình luận tiêu cực từ phía một bộ phận người xem cũng khiến tôi cảm thấy mặc cảm.

Phải chăng vì được mọi người biết đến qua thành tích học tập ấn tượng trước đó mà việc làm TikTok của Chảo Yến mới thuận lợi như hiện nay?

Bên cạnh sự nổi tiếng đó giúp tôi có một cộng đồng luôn ủng hộ thì tôi còn có nhiều lợi thế khác khi xây kênh TikTok. Tôi là một người bản địa nên có sự hiểu biết và lượng kiến thức về văn hóa của tộc người mình. Những điều không biết, tôi có thể đào sâu, tìm hiểu từ chính người bản địa. Tôi nghĩ đó là lợi thế lớn nhất.

Chảo Yến với phong cách và cá tính riêng.

Ngoài ra, tôi còn có năng khiếu và kỹ năng mềm, tự tin nói trước đám đông hay đứng trước máy quay. Điều này được rèn luyện khi tôi tham gia các dự án cộng đồng thời sinh viên và lúc còn đi làm. Đây là kỹ năng rất quan trọng khi xây kênh để giới thiệu văn hóa vùng miền.

Kênh TikTok Chảo Yến hiện tại đã có hơn 300.000 lượt theo dõi. Ngoài ra kênh ‘Bản làng Chảo Yến’ dù mới mở nhưng cũng đã có hơn 16.000 lượt đăng ký. Bí quyết nào để chị xây kênh thành công như vậy?

Có nhiều yếu tố để sáng tạo nội dung thành công trên TikTok nhưng theo tôi là phải đặt yếu tố trao giá trị lên đầu tiên. Nếu không trao giá trị về mặt giáo dục thì phải trao giá trị giải trí. Tức là mang lại cho người xem nội dung ý nghĩa, có thể học tập hoặc giúp họ giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc. Còn về hình thức thể hiện thì có rất nhiều và nó sẽ tùy thuộc vào sự sáng tạo của từng người.

Hiện nay, rất nhiều kênh có định hướng sáng tạo nội dung bẩn nhằm đạt tương tác cao. Có bao giờ Chảo Yến cảm thấy khó khăn để cạnh tranh và nghĩ đến việc phải thay đổi phong cách hiện tại?

Văn hóa vùng miền như cốc nước tinh khiết. Khi quảng bá sai lệch, nó sẽ trở thành nước cống rãnh, quảng bá đúng sẽ trở thành nước hoa thơm ngát và có giá trị rất cao. Vì vậy, việc người này xây dựng nội dung bẩn không phải là cạnh tranh hay khó khăn mà còn đem đến cơ hội cho người khác.

Tôi luôn nhất quán quan điểm là không được làm nội dung bẩn, phải đưa những đặc sắc văn hóa của mình đi lên từ chính giá trị vốn có. Khi đó, giữa một “rừng” nội dung TikTok, kênh của tôi là dạng chuẩn, có nét riêng, không bị đánh đồng câu view rẻ tiền. Đây là cơ hội để phát triển lâu bền!

Chảo Yến khi đi du học trời Âu.

Quan điểm của Chảo Yến như thế nào trong những ngày đầu sáng tạo nội dung trên mạng xã hội? Và sau khi khởi nghiệp, liệu nó còn được giữ vững?

Khi mới bắt đầu xây kênh, mục đích của tôi là quảng bá phi lợi nhuận, làm vì đam mê để động viên các bạn trẻ trên bản. Trong thời gian đó, tôi thậm chí không nhận booking bên ngoài.

Còn đến hiện tại, quan điểm của tôi thay đổi, làm TikTok là phải có thu nhập để nuôi sống bản thân. Nếu cứ làm nhưng không có động lực, việc duy trì sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, cũng có những người làm TikTok vì đam mê thật và họ có nền tảng kinh tế vững chắc hơn. Còn tôi, đang khởi nghiệp nên phải gắn với việc tạo ra giá trị kinh tế, giúp đỡ được bà con thì mới có động lực.

Người Dao có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Nhưng tại sao Chảo Yến lại lựa chọn thảo dược là mặt hàng chính để khởi nghiệp?

Từ ngày xưa, nhiều bài thuốc quý của người Dao đã rất nổi tiếng nhưng chưa được thương mại hóa, đặc biệt là các sản phẩm như nước tắm, nước ngâm chân… Vì vậy, tôi muốn kết nối cũng như tăng độ nhận diện các sản phẩm tốt của người Dao để quảng bá ra bên ngoài một cách chuyên nghiệp, thay vì kinh doanh hộ gia đình nhỏ lẻ như trước đây.

Những kiến thức khi đi học thạc sĩ đã được chị áp dụng vào khởi nghiệp ra sao?

Về việc sáng tạo nội dung, quả thực tôi phải học lại từ đầu vì hai lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau và trước đây chỉ làm vì sở thích nên không chú trọng nhiều.

Còn trong quá trình sản xuất cùng bà con, tôi vẫn có thể áp dụng những kiến thức về quản lý, khai thác để giữ gìn, bảo tồn các loại cây dược liệu quý. Tôi hướng dẫn người dân về các cách khai thác khoa học hơn. Ví dụ các loại lá thuốc chỉ hái phần lá, để phần gốc; khai thác mật ong chỉ lấy mật và vẫn để lại tổ...

Chảo Yến hướng dẫn bà con cách sản xuất, khai thác nông sản khoa học hơn.

Nhiều người cho rằng, bán hàng online thì bắt buộc phải livestream. Trên cương vị một người trẻ đang kinh doanh, quan điểm của Chảo Yến về vấn đề này như thế nào?

Livestream bán hàng đang là một xu thế, là một nghề và nó đòi hỏi rất nhiều kĩ năng. Đối với kinh doanh online, livestream là hoạt động rất cần thiết và sẽ khó thành công nếu không có nó. Bản thân tôi đã áp dụng việc livestream bán hàng và đã đạt được thành quả nhất định. Sắp tới, tôi sẽ hướng dẫn bà con ở bản về hoạt động này để bán những mặt hàng nông sản sạch, chất lượng.

Chảo Yến tích cực tham gia các hoạt động xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trên nền tảng số để hướng dẫn người nông dân kinh doanh online.

Thời gian gần đây, nhiều người kinh doanh cũng cho rằng TikTok đang bão hòa. Chảo Yến dự định sẽ làm gì tiếp theo?

Nền tảng nào cũng có giai đoạn phát triển và có giai đoạn thoái trào. Nhưng nền tảng này đi xuống là cơ hội để nền tảng khác đi lên. Tôi đang xây dựng thương hiệu Goong - một thương hiệu chuyên về những sản phẩm thảo dược người Dao và đặc sản bản địa. Tôi là người hướng tới sáng tạo nội dung nên khi nền tảng khác đi lên, tôi sẽ bắt kịp và quảng bá sản phẩm trên nền tảng đấy. Vì vậy, Tiktok đi xuống hay đi lên vẫn là cơ hội và thách thức. Tôi sẽ luôn luôn đi song hành, sẽ cố gắng đa dạng và linh hoạt về các nền tảng.

Cảm ơn những chia sẻ của Chảo Yến!

Việt Hoàng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tu-thac-si-troi-au-den-hot-tiktoker-voi-mong-muon-lam-giau-cho-que-huong-post1611634.tpo