Từ Sơn (Bắc Ninh): Đẩy mạnh quy hoạch phát triển làng nghề

Xác định phát triển làng nghề, Cụm công nghiệp là yếu tố then chốt để tạo 'đòn bẩy' nhằm phát huy lợi thế, sự năng động của thành phần kinh tế này, thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) đã và đang tập trung tháo gỡ vướng mắc để quy hoạch phát triển một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Khu vực Phù Khê - Hương Mạc là những làng nghề gốc, truyền thống về đồ gỗ tại thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh.

Thành phố Từ Sơn vốn là huyện nông nghiệp nằm cận Thủ đô Hà Nội. Nhiều đời nay các làng xã của Từ Sơn rất năng động trong mở mang nghề để phát triển kinh tế. Ở Ðồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc có nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Xã Châu Khê, Ðình Bảng có nghề gia công sắt thép. Nghề dệt ở Tân Hồng, nghề xây dựng ở Ðồng Nguyên, Tương Giang... Trước đây, do nếp sống và lao động sản xuất theo thói quen cũ, các làng nghề ở Từ Sơn phần lớn chỉ ở quy mô hộ gia đình. Một số doanh nghiệp, HTX đã được thành lập nhưng hoạt động với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên thiếu sự liên kết sản xuất kinh doanh, hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường không cao.

Năm 2013, theo Quyết định số 396/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành về việc điều chỉnh quy hoạch các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thị xã Từ Sơn giữ nguyên 08 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 87,06 ha, bao gồm: Cụm công nghiệp làng nghề Tương Giang, Cụm công nghiệp Dốc Sặt, Cụm công nghiệp Đình Bảng I (Lỗ Sung), Cụm công nghiệp Mả Ông (Đình Bảng), Cụm công nghiệp làng nghề Hương Mạc, Cụm công nghiệp Công nghệ cao Tam Sơn, Cụm công nghiệp Châu Khê (giai đoạn I), Cụm công nghiệp Châu Khê mở rộng (giai đoạn II). Thị xã Từ Sơn tập trung quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp làng nghề, trong đó 3 cụm công nghiệp, đô thị gắn với dịch vụ làng nghề hình thành đầu tiên tại các xã Phù Khê, Tam Sơn và Hương Mạc. Đây là khâu đột phá, là "đòn bẩy" nhằm phát huy lợi thế, sự năng động của thành phần kinh tế làng nghề trong phát triển sản xuất.

Ðến nay, trên địa bàn thành phố Từ Sơn có 25 làng nghề truyền thống/80 khu phố của thành phố đủ tiêu chí làng nghề, là nhóm sản xuất đồ gỗ, may, đan lát, cơ khí nhỏ. Sự hình thành và phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề ở Từ Sơn góp phần thúc đẩy, mở rộng quy mô sản xuất cả chiều rộng và chiều sâu.

Thực tế quy hoạch và phát triển sản xuất công nghiệp, TTCN ở Từ Sơn cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quản lý Nhà nước về ngành nghề nông thôn, làng nghề còn nhiều bất cập. Cán bộ công chức phụ trách theo dõi lĩnh vực kinh tế làng nghề còn phải kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nên việc tham mưu công tác quản lý nhà nước nói chung còn gặp khó khăn. Các cơ sở sản xuất ngành nghề có quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ thiết bị mới. Đồng thời, môi trường làng nghề thường bị ô nhiễm do những hạn chế về công nghệ, thiết bị, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý, vốn đầu tư và các cơ sở ngành nghề thường nằm đan xen trong các khu, tuyến dân cư nên việc phát triển sản xuất và xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Các chính sách và giải pháp để hỗ trợ cho các ngành tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Hồi – Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Từ Sơn cho biết: “Những khó khăn, vướng mắc của công tác quản lý quy hoạch xây dựng làng nghề chủ yếu do thị trường hoạt động có dấu hiệu đi xuống, nền kinh tế trên thế giới đang bất ổn từ nhiều năm về trước. Hoạt động tại các làng nghề gỗ, sắt thép và một số ngành nghề khác có biểu hiệu suy thoái đi. Các hộ kinh doanh cá thể truyền thống từ thời xưa hoạt động rất tốt nhưng đến nay họ cũng dần dịch chuyển sang các hoạt động kinh doanh thương mại khác, nhỏ lẻ khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những hộ kinh doanh khác họ vẫn bám trụ với nghề, đặc biệt các khu làng nghề Phù Khê - Hương Mạc là những làng nghề gốc, truyền thống về đồ gỗ. Thành phố Từ Sơn đã quy hoạch các Khu dân cư dịch vụ làng nghề ở phường Đồng Kỵ, phường Phù Khê, phường Hương Mạc. Vì thế, người dân được hoạt động kinh doanh thương mại làng nghề tập trung, họ được thuê đất, giao đất để xây dựng xưởng sản xuất. Về công tác quy hoạch, hiện nay các khu, cụm công nghiệp theo quy định phải nằm ngoài khu vực đô thị. Do đó, công tác quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề về phía UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND thành phố Từ Sơn đang xem xét, báo cáo quy hoạch các khu, cụm công nghiệp ra khỏi đô thị, chuyển đổi các khu làng nghề đó thành các dự án đầu tư đất ở đô thị hoặc các công trình khác”.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng cũng đã từng ghi nhận ý kiến của một số người dân không đồng thuận với chủ trương quy hoạch làng nghề tập trung, vì họ sản xuất nhỏ lẻ ở nhà có thể không mang lại hiệu quả cao nhưng lại tiện lợi về mặt sinh hoạt và không phát sinh các chi phí khác. Ông Nguyễn Hữu Khánh - một hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh tại làng nghề gỗ Hương Mạc chia sẻ: “Đây cũng là một ý kiến trong số nhỏ các hộ kinh doanh cá thể. Có thể họ có mặt bằng tại nhà, đất trong làng thì thường rất rộng thì mới có ý kiến như vậy. Trên thực tế, quy hoạch các khu, cụm dịch vụ làng nghề rất tốt, nhiều tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, được giao thương, di chuyển thuận tiện hơn, các khu hạ tầng được đầu tư gồm đường xá, điện, chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Quan trọng nhất là tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư”.

Việc thúc đẩy làng nghề phát triển là điều cần thiết, là động lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, để các làng nghề thực sự phát triển bền vững, trong thời gian tới, thành phố Từ Sơn cùng các cơ quan chức năng sẽ triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho làng nghề phát triển như quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, tạo điều kiện mặt bằng sản xuất cho các hộ và doanh nghiệp; quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Mạnh Đức, chủ đầu tư Dự án hạ tầng kĩ thuật Khu dịch vụ làng nghề Phù Khê - Hương Mạc tại thành phố Từ Sơn đề xuất: “Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, chính quyền và các ngành chức năng cần xây dựng, quy hoạch, bố trí vị trí của các làng nghề truyền thống phù hợp để hình thành các cụm công nghiệp làng nghề tập trung, bố trí ở địa điểm tách biệt với khu dân cư. Đồng thời xây dựng đầu tư hạ tầng đồng bộ và có các chính sách về hỗ trợ vốn, hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và hiệu quả hoạt động của các làng nghề”.

Song song với đó, các làng nghề cần thay đổi nhận thức trong sản xuất, mục tiêu bảo vệ môi trường phải đặt song song cùng phát triển kinh tế. Khuyến khích các làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển phù hợp với nhu cầu của thị trường, không gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các cơ sở sản xuất làng nghề.

Thành phố Từ Sơn định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề gắn với phát triển du lịch, Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP), đô thị văn minh, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện Kế hoạch “Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm” trong các làng nghề nhằm hoàn thiện các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của thành phố.

Mai Thu - Vũ Mạnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tu-son-bac-ninh-day-manh-quy-hoach-phat-trien-lang-nghe-360698.html