Từ Nhật Bản nhớ mẹ

Bây giờ đã là tháng Ba, nhưng thành phố Kanazawa (Nhật Bản) nơi tôi ở dường như cái lạnh vẫn còn chưa chịu rời xa. Mấy ngày nay tuyết phủ dày đặc, trắng xóa lối đi. Suốt cả mùa đông tôi đã cất kỹ chiếc xe đạp của mình vào trong góc nhà vì không thể đạp xe dưới cái lạnh âm mấy độ C.

Phương tiện duy nhất tôi có thể đi tới trường hay làm thêm là xe buýt. Đêm nay sau ca làm thêm muộn, đồng hồ đã điểm đúng mười hai giờ, trên tuyến xe buýt quen thuộc, tôi thấy nhớ Việt Nam đến da diết. Nỗi nhớ cứ bời bời đầy ắp, không theo một trật tự nào...

Bây giờ mà ở Việt Nam, chắc hẳn nắng ấm đã ngập tràn lắm rồi. Nỗi nhớ “dắt” tôi đến căn nhà ngói ba gian, có chiếc sân gạch thật to, nắng lên mẹ thường đổ các loại đậu ra để phơi. Vuông sân ngày xưa lát gạch đỏ au nhưng qua năm tháng chúng ngả màu, xung quanh rêu bám xanh rì nhưng sáng nào cũng được mẹ quét dọn sạch sẽ.

Từ nỗi nhớ, tôi hình dung ra dáng mẹ khom lưng nhặt từng hạt đậu, phân loại rồi cho vào hũ sành. Hạt chắc mẩy thì dành để trồng; hạt lép, xấu hơn mẹ để riêng đặng ngày nhàn rỗi, mưa gió còn nấu chè. Trong khi mẹ đang phơi phóng hạt đậu, thì trước nhà ba cũng đang cặm cụi với mấy chậu bonsai với nhiều hình thù lạ mắt. Ba tôi không phải là nghệ nhân bonsai nhưng lại có niềm đam mê cây cảnh mãnh liệt, luôn tìm tòi những mẫu mới, cách thức chăm chúng thật cẩn thận và quy củ. Và niềm vui của ông là mỗi sáng thức giấc được thấy cây lớn lên, tạo dáng theo ý muốn của mình.

Tôi nhớ hai hàng cau chạy theo dọc con ngõ nhỏ. Mỗi khi mùa xuân đến, chẳng hiểu sao lũ sẻ đồng từ đâu về tụ tập rất đông. Từ sáng sớm, tôi đã thấy chúng ríu rít gọi nhau ồn ã. Hồi nhỏ tôi bị “dị ứng” với tiếng ríu rít ấy. Tôi thấy thật inh tai mỗi khi chúng tụ tập, vậy nên tôi thường vác sào ra làm bộ rượt đuổi cho lũ sẻ bay đi. Cứ tưởng những hăm dọa của tôi lũ sẻ đồng sẽ sợ, nhưng không, chúng vẫn cứ đến đều đặn mỗi sáng mai và ríu rít không ngừng. Khi thấy tôi đuổi chim, bà tôi móm mém cười: “Đất có lành thì chim mới đậu. Dễ gì chúng rời bỏ được hả cháu?”. Hồi đấy tôi cũng chẳng hiểu sâu xa lời bà nói, chỉ nghĩ rằng có lẽ chúng yêu thích hàng cau cao vút nên tụ tập mỗi sáng.

Mới đó vậy mà đã hơn hai mươi năm trôi qua. Bây giờ ở phương trời xa, không dưng tôi lại nhớ tiếng của lũ sẻ đồng quá thể. Trong vô thức, tôi thốt lên khe khẽ: “Trời ơi! Giá như bây giờ có thể gặp được lũ sẻ quê nhà và nghe chúng ríu rít nhỉ? Ôi, mình nhớ lũ sẻ đồng quá đi mất!”.

Rồi tôi lại nhớ những buổi chiều mưa xuân phơ phất, mẹ tất tả ra vườn rau nâng niu từng mớ rau cải, rau mùi. Phiên chợ đầu xuân, mẹ gánh gồng màu xanh ra ngồi bên mé sông với lời chào đon đả. Rau mùa xuân thì khỏi phải nói. Không cần chăm tự chúng cũng xanh non, mỡ màng, nhìn thích mắt vô cùng.

Ba phụ mẹ chẻ lạt bằng ống giang trong năm tết gói bánh chưng còn thừa. Vừa chẻ lạt ba vừa lầm bầm lo lắng: Liệu rau ra chợ có ai mua không? Nỗi lo lắng của ba không phải là không có căn cứ. Bởi ở quê dường như nhà nào cũng trồng rau rất nhiều. Nhưng mẹ thì lại phớt lờ và vẫn vui vẻ, mong chờ phiên chợ ngày mai đắt hàng.

Hai chị em tôi lon ton phụ mẹ cho rau vào rổ, phủi những hạt bụi, đất bám dính giúp rau trông được đẹp mắt hơn; rồi sáng mai lại lon ton theo mẹ ra chợ. Phiên chợ đầu năm nhộn nhịp không kém phiên chợ tết. Góc chợ quê nho nhỏ thân thương có tiếng nói cười, lời hỏi han thân tình… Quay về hiện thực, tại Nhật Bản, nơi tôi ở, việc “chợ búa” đều gói gọn trong những siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hình ảnh xưa - nay cứ đối lập khiến lòng tôi chộn rộn, thèm được sà vào phiên chợ quê đầu xuân năm nào. Chàng trai chạm tuổi ba mươi là tôi, mắt cứ thế cay xè. Trong ký ức, đó đây vẫn thấy bóng mẹ hiền lành bên góc chợ xuân xưa…

Nỗi nhớ ngắt quãng khi xe buýt dừng ở điểm gần nhà, tôi phải xuống xe. Trời vẫn đổ những cơn mưa tuyết lất phất, rét buốt. Không dưng lời bài hát “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn lại xuất hiện trong đầu tôi lúc này: “Cuộc đời thật đẹp khi được đi/ Muôn nơi xa xôi rộng lớn/ Nhưng ta vẫn có nơi để trở về sau mỗi chuyến đi/ Điều kỳ diệu là con người ta/ Đi xa hơn để trưởng thành hơn/ Không quên mang hành trang nỗi nhớ gia đình…”. Lúc này, lòng tôi cũng vơi đi chút nào, một thoáng bình yên trải dài vô tận. Nhớ mẹ!…

Tăng Hoàng Phi
(Du học sinh trường Đại học Hokuriku, Kanazawa, Ishikawa, Nhật Bản)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142323/tu-nhat-ban-nho-me