Từ nay đến cuối năm, sẽ có 2 đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế

Theo BHXH Việt Nam, từ nay đến cuối năm sẽ có 2 đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Sang năm 2017, sẽ xem xét điều chỉnh giá dịch vụ ngoài bảo hiểm để đạt được mặt bằng với dịch vụ có trong bảo hiểm...

Mới đây, trong cuộc họp về triển khai Nghị định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, ngành y tế hiện là một trong 4 lĩnh vực sớm triển khai cơ chế tự chủ tài chính theo hướng cơ cấu tiền lương.

Trước câu hỏi của PV về việc liệu sang năm, giá dịch vụ y tế có thể tăng, ông Trường chia sẻ: “Cho đến nay, việc tăng giá dịch vụ vẫn đang điều chỉnh theo lộ trình của năm 2016, chi phí trực tiếp vào tiền lương. Trong năm 2017, chủ trương là giữ nguyên giá, sau đó sẽ có những xem xét điều chỉnh giá dịch vụ y tế không nằm trong bảo hiểm để cùng một mặt bằng. Bộ Y tế sẽ có những phương án điều chỉnh phù hợp”.

Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có 2 đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các tỉnh thành (ảnh Đ.H.)

Cũng trong một trao đổi mới đây với báo chí, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, theo lịch trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 2 đợt điều chỉnh giá.

Ông Sơn cho biết, dự toán ban đầu của BHYT Việt Nam dành ra khoảng 16.000 tỷ cho việc chi thêm do việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, trong hai đợt điều chỉnh đầu, số tiền chi ra thêm đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Trong hai đợt điều chỉnh này, đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 32 tỉnh thành.

Đợt điều chỉnh thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 11 với 16 tỉnh và đợt điều chỉnh thứ tư sẽ diễn ra vào tháng 12 với 15 tỉnh còn lại. Đến cuối tháng 12 mới có thể tổng tất được số tiền mà BHYT phải chi thêm cho việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Ông Phạm Lương Sơn phân tích, lý giải về vấn đề này: Theo nguyên tắc của Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC, nhằm mục đích điều chỉnh chỉ số CPI cả nước tăng, giảm theo mục tiêu kinh tế vỹ mô của chúng ta, sau khi có ý kiến thỏa thuận với Tổng cục thống kê, bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế có ban hành những đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng thêm cơ cấu tiền lương.

Tuy nhiên quá trình áp dụng sẽ thấy chỉ số tiêu dùng CPI tăng lên do gói dịch vụ y tế nên chúng ta mới phải dãn các đợt điều chỉnh giá làm 4 đợt để không ảnh hưởng đột ngột đến kinh tế. “Quan điểm của chúng tôi ủng hộ điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo đúng lộ trình từ nay đến 2018 để đảm bảo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi của nhà cung cấp dịch vụ lẫn người tham gia BHYT”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông này, với 32 tỉnh, thành phố áp dụng giá dịch vụ y tế theo cơ cấu tiền lương thì đều là những tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế rát cao, từ 85% trở lên. Đó cũng là điều kiện đảm bảo nguồn lực tài chính trong năm cộng với việc chúng ta quản lý tốt hơn để có tích lũy từ 2010. Chúng ta chủ động nguồn tài chính để chi trả cho chi phí khám chữa bệnh BHYT cho việc điều chỉnh giá dịch vụ.

Cũng theo thông tin từ BHXH Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, quỹ khám chữa bệnh BHYT được sử dụng là 45.768 tỷ đồng, tuy nhiên tính đến hết tháng 9 đã chi ra 49.3000 tỷ đồng cho dịch vụ này, cân đối quỹ hiện đang âm (-) 3532 tỷ đồng. Lũy kế chi khám chữa bệnh BHYT trong 9 tháng đầu năm tăng 45% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn nằm trong phạm vi dự toán được giao.

Ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết thêm, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ diễn ra rất thận trọng. Vì những lý do khách quan, đợt điều chỉnh thứ 4 có thể sẽ chuyển sang năm 2017 để ưu tiên cho việc điều chỉnh giá dịch vụ khác.

Với những lo ngại về việc mất cân đối quỹ, ông Sơn cho hay, trong năm 2018 có thể sẽ tiến hành điều chỉnh mức đóng BHYT.

Đ.H

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tu-nay-den-cuoi-nam-se-co-2-dot-dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-a304428.html