Từ 'Mai' nhìn về bình đẳng giới

Phim 'Mai' của Đạo diễn Trấn Thành là một bộ phim hài lãng mạn chính kịch. Bộ phim được công chiếu vào dịp Tết nguyên đán 2024. Tuy là một bộ phim hài lãng mạn nhưng lại đan xen cả chính kịch, đạo diễn đã khéo léo lồng ghép những chi tiết một cách chân thực, sâu sắc và đa chiều về những mặt trái trong xã hội. Trong đó, Trấn Thành có nói lên phần nào những nhức nhối về sự bất công với phụ nữ Việt Nam hiện nay.

Poster phim “Mai” - Nguồn: Nhà sản xuất phim

Bình đẳng giới, thông điệp mà “Mai” đem đến

Phải nói, nhân vật “Mai” do diễn viên Phương Anh Đào thủ vai đã xuất sắc trong việc thể hiện những diễn biến tâm lý, diễn đạt được những cảm xúc phức tạp và đa dạng của nhân vật, khiến người xem cũng cảm thấy thương cảm, tiếc nuối và day dứt cho số phận của Mai.

Nhân vật Mai trong phim là một cô gái làm nghề massage. Từ chính cái nghề của cô khiến cô phải chịu những lời chỉ trích, đối mặt với biết bao sự soi mói và miệt thị, xem thường từ những người xung quanh. Cô cũng phải đối mặt với những cám dỗ và nguy hiểm khi làm việc trong một môi trường không an toàn.

Cô “bán nghệ chứ không bán thân”, nhưng tại sao cô vẫn bị coi như một người phụ nữ dễ dãi và không có giá trị?

Bởi một số người cho rằng, nghề massage là một nghề không có chi thức, chỉ những người học ít, học không nổi mới theo nghề massage. Một số người còn gán ghép nghề massage với những tai tiếng và những định kiến nhạy cảm như “nghề bán thân”, “gái massage”, “phục vụ đàn ông”,... Một số khác còn coi những người theo nghề massage là những “đầy tớ” cho xã hội, thế nên không có cơ hội thăng tiến, không có giá trị,..

Poster phim “Mai” - Nguồn: Nhà sản xuất phim

Mai trong phim cũng không có sự yêu thương, hạnh phúc từ gia đình. Cô bị chính cha ruột của mình là ông Hoàng (do Trấn Thành thủ vai), bán cho một người đàn ông giàu có để trả nợ. Xem đến cảnh này, khán giả không khỏi đau xót cho Mai, cay đắng cho số phận của cô khi bị chính cha ruột của mình đối xử như thế. Mai bị xem như là một món hàng, một công cụ để đổi lấy tiền bạc. Cô không có quyền lựa chọn, không được lên tiếng, không được tôn trọng.

Tưởng chừng khi gặp Dương - Một chàng nhạc sĩ trẻ (do Tuấn Trần thủ vai), cuộc sống của Mai sẽ bước sang một trang mới. Nhưng giữa hai người lại có khoảng cách chênh lệch nhau quá lớn. Mai bị gia đình Dương phản đối vì cô nghèo và có một quá khứ đen tối.

Không thể phủ nhận việc đạo diễn Trấn Thành đã rất khéo léo trong việc lồng ghép các tình tiết về các tệ nạn, khiến khán giả cũng phải đau xót cho Mai, một cô gái đã gần 40 tuổi nhưng phải một mình gồng gánh, chịu đựng những áp lực bên ngoài do chính người thân và gia đình mang đến.

Mai là một trong những người phụ nữ yếu thế, chịu rất nhiều thiệt thòi trong xã hội. Thế nhưng, cô vẫn luôn cố gắng từng ngày để tìm kiếm những cơ hội và hạnh phúc mới. Qua hình ảnh nhân vật Mai trong phim, đã tác động rất lớn đến xã hội. Giúp nâng cao nhận thức và sự đồng cảm với những người phụ nữ bị bất công, khơi dậy những suy nghĩ và hành động từ người xem.

Phá bỏ rào cản giữa nam và nữ

Theo “Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021”, bình đẳng giời là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, nhằm đảm bảo mọi người, bất kể giới tính, có quyền và cơ hội bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức và rào cản.

Bất bình đẳng giới - Nguồn: Internet

Có rất nhiều trường hợp, những người phụ nữ bị xâm hại, thế nhưng họ đã không lên tiếng mà chọn cách im lặng cho qua, chỉ vì: Họ lo ngại về sự phán xét và kì thị của xã hội, nghĩ rằng họ sẽ bị mất hết danh dự, khó có thể kết hôn và có được hạnh phúc. Thậm chí, họ còn cảm thấy xấu hổ và tự trách chính bản thân mình, nghĩ rằng mình đã làm gì sai hoặc đã không cẩn thận để dẫn đến bị xâm hại. Họ sợ khi lên tiếng sẽ không nhận được sự động viên, đồng cảm từ gia đình, bạn bè và xã hội. Đây chỉ là một trong những vấn đề đang nhức nhối trong xã hội về vấn đề bình đẳng giới.

Để không có rào cản giữa nam và nữ, cần phải xây dựng một xã hội bình đẳng giới, nơi mọi người được tôn trọng, công bằng và cơ hội như nhau, bất kể giới tính nào. Bình đẳng giới là xóa bỏ rào cản để phụ nữ có thể tham gia đầy đủ và bình đẳng trong lực lượng lao động; là không phân loại bỏ phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, nhất là trong các vấn đề liên quan đến gia đình và trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Để xây dựng một xã hội bình đẳng giới, cần có sự hợp tác và đồng thuận của các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội và của cả cộng đồng. Nhằm thúc đẩy các chính sách, chương trình và hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi, cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào mọi lĩnh vực của xã hội. Cần phải xóa bỏ những định kiến giới, bất bình đẳng giới, những rào cản về kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế, văn hóa và xã hội mà phụ nữ phải đối mặt.

Quay trở lại với phim “Mai” của đạo diễn Trấn Thành, phim không chỉ là một câu chuyện tình yêu của hai người đến từ hai thế giới khác nhau, mà còn phản ánh những định kiến, kì thị và sự bất công mà phụ nữ phải đối mặt trong cuộc sống hiện nay. Đạo diễn đã gửi gắm thông điệp vào trong phim để nhắn với người đọc, không ai có quyền được phán xét, đánh giá người khác chỉ dựa vào bề ngoài, nghề nghiệp hay gia cảnh. Trong “Mai”, những người phụ nữ được nêu bật hơn cả, họ có vai trò không kém cạnh gì đàn ông nhưng những định kiến về nữ giới cũng chẳng thể dễ dàng xóa nhòa.

Có thể thấy, phim “Mai” đã có một bước tiến mới trong nền điện ảnh Việt Nam khi đã đề cập đến những vấn đề nhạy cảm và nhức nhối của xã hội hiện nay. Thế nhưng, phim cũng có nhiều điểm yếu, không thể hiện được sâu sắc và toàn diện về vấn đề bình đẳng giới. Phim còn có nhiều tình tiết phi lý, không thuyết phục, làm cho nhân vật Mai phải chấp nhận sống trong sự khinh bỉ và đau khổ. Còn có những cảnh quay phản cảm, những cảnh quay này có thể sẽ gây cảm giác khó chịu khi xem.

Thanh Hoa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-mai-nhin-ve-binh-dang-gioi-a23494.html