Tư liệu quý về Hà Nội tại triển lãm 'Thành xưa, phố cũ'

Kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), ngày 6/10, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Triển lãm 'Thành xưa, phố cũ'.

Thành Hà Nội là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính cao nhất của triều đình nhà Nguyễn ở Bắc kỳ. Sau khi xâm chiếm nước ta, năm 1894, chính quyền Pháp đã phá bỏ các tường thành Hà Nội bị hỏng, bảo tồn một số đoạn tường thành bao quanh, nay là các phố Phan Đình Phùng (phía bắc), Lý Nam Đề (phía đông), Trần Phú (phía nam), Hoàng Diệu (phía tây). Năm 1897, thành Hà Nội chỉ còn lại một phần bao gồm Cửa Bắc, Hậu Lâu, đôi rồng phía trước nền Điện Kính Thiên, Đoan Môn và Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội).

Các đại biểu xem Triển lãm Thành xưa, phố cũ. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Cửa Đông thành Hà Nội xưa

Kỳ Đài (Cột Cờ Hà Nội) được chuyển thành Tháp canh năm 1888-1891. Thời điểm này, hồ nước phía trước Kỳ Đài vẫn còn

Đến năm 1942, trong số 5 cửa thành Hà Nội chỉ duy nhất Cửa Bắc được bảo toàn. Trong số những di tích còn lại, chỉ Cột Cờ được xây dựng vào năm 1812 là còn nguyên vẹn. Điện Kính Thiên nằm ở chính giữa khu vực Hoàng thành không còn lại gì ngoài những chiếc dầm cầu thang ở mặt chính và mặt sau.

Cửa Ô Quan Chưởng cuối thế kỷ XIX.

Những bè chở đầy gỗ trên sông Hồng và cầu Long Biên đầu thế kỷ XX.

Phố Hàng Bông cuối thế kỷ XIX.

Cùng với kế hoạch thay đổi thành Hà Nội, người Pháp cũng từng bước xây dựng hàng loạt tuyến đường lớn nhỏ tại khu vực này như phố Victor Hugo (nay là đường Hoàng Diệu), Đại lộ Carnot (nay là đường Phan Đình Phùng), đại lộ Nationale (nay là phố Chu Văn An), Đại lộ République (nay là phố Hoàng Văn Thụ), phố Brìere de l’Isle (nay là phố Hùng Vường), đại lộ Puginier (nay là phố Điện Biên Phủ), đại lộ Giovaninelli (nay là phố Lê Hồng Phong)… Tại khu vực này, người Pháp đã cho xây dựng Phủ Toàn quyền Đông Dương, Sở Tài chính Đông Dương, Trường Albert Sarraut.

Dinh Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội đầu thế kỷ XX, nay là Phủ Chủ tịch.

Quang cảnh Nhà hát Lớn Hà Nội đầu thế kỷ XX.

Đặc biệt, cùng với những thay đổi trên, người Pháp đã đề ra kế hoạch xây dựng những khu phố mới ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm để trở thành trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hà Nội. Nhiều công trình được xây dựng như Dinh Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội, Kho bạc, Bưu điện, Ngân hàng Đông Dương, Sở Công chính... Mạng lưới đường phố hình ô cờ được xây dựng hoàn chỉnh, từ bờ sông Hồng tới đường Mandarine (phố Lê Duẩn) theo hướng đông – tây và từ hồ Hoàn Kiếm tới đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo) theo hướng bắc - nam.

Quang cảnh phố Tràng Tiền đầu thế kỷ XX.

Tháp nước Hàng Đậu đầu thế kỷ XX.

Song song với việc hoàn thiện khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã tiến hành chỉnh trang khu vực 36 phố phường của Hà Nội. Họ cho lấp đoạn sông Tô Lịch từ phố chợ Gạo (nơi sông Hồng tiếp nước cho sông Tô Lịch) để đi vào khu phố cổ.

Khu vực 36 phố phường được phá bỏ cổng ngăn giữa các phường trong phố, mở rộng, nắn thẳng, trải đá mặt đường, lát gạch vỉa hè, làm hệ thống cống rãnh thoát nước, xây dựng một số chợ có mái và một số dinh thự nhỏ.

Thủ đô Hà Nội được mở rộng với nhiều khu phố, đã thay đổi diện mạo mới mang phong cách Á – Âu, trở nên giao hòa trong không gian kiến trúc kiểu phương tây nhưng vẫn mang dấu tích của “thành xưa - phố cũ”, với hồ Hoàn Kiếm là cầu nối giữa hai khu vực kiến trúc trên được tồn tại đến ngày nay.

Kiến Nghĩa

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-lieu-quy-ve-ha-noi-tai-trien-lam-thanh-xua-pho-cu-post1575668.tpo