Từ lái xe Uber đến Gen Z đầu tiên tranh cử vào Quốc hội Mỹ

Dù không có bằng đại học hay kinh nghiệm chính trị, Maxwell Alejandro Frost đang đĩnh đạc bước trên 'con đường độc đáo' trở thành Gen Z đầu tiên tranh cử vào Quốc hội Mỹ.

Một tuần sau khi giành chiến thắng trong chiến dịch chính trị đầu tiên, Maxwell Alejandro Frost đang vật lộn với một quyết định mới: Anh nên đi nghỉ ở đâu?

Kế hoạch đi tàu lượn siêu tốc ở Tampa với bạn gái đã bị hủy bỏ do thời tiết mưa bão không thể đoán trước. Và giờ đây, Frost đang phân vân giữa việc đến Miami hoặc Charleston ở Nam Carolina. Song anh không nghĩ đó là ý kiến hay.

“Còn rất nhiều việc phải làm vì tôi muốn bắt đầu vận động vào tháng một”, anh nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng chiến dịch ở trung tâm thành phố Orlando. “Nhưng tôi nhận được nhiều lời khuyên rằng tôi có thể tiếp tục tất cả cuộc vui đó và không cần căng thẳng như trước đây”.

Frost, 25 tuổi, đã vượt qua rào cản lớn nhất trong hành trình vào Quốc hội - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ đầy cam go ở một khu vực của đảng Dân chủ, nơi anh có tiềm năng chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8/11.

Con đường độc đáo đến Đồi Capitol

Trước tháng 8, Frost là một cái tên tương đối ít được biết đến bên ngoài quê hương Orlando. Nhưng danh tiếng của anh ngày càng gia tăng sau chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, trước một số đối thủ nắm quyền ngay từ trước khi anh được sinh ra.

Frost không có kinh nghiệm chính trị và không có bằng đại học, nhưng khả năng tranh cử và câu chuyện cá nhân của anh ngày càng thu hút sự chú ý.

Các chuyên gia tự hỏi liệu quan điểm của anh có phải là nguồn năng lượng cần thiết cho chính đảng hầu như vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của những người đã ngoài 80.

Frost coi trọng việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng cũng đang cố gắng tìm kiếm chỗ đứng trong một “căn phòng” mà anh mô tả là có “rất nhiều vấn đề về cấu trúc”.

Điều đó thể hiện anh luôn trung thực với bản sắc chính trị của mình với tư cách một nhà hoạt động tự do trẻ tuổi, nhưng cũng dần đẩy lùi định kiến cho rằng anh sẽ liên tục thách thức hoặc hoàn toàn nổi loạn chống lại sự lãnh đạo.

“Tôi nhận được một cuộc gọi từ chủ tịch Hạ viện. Bà ấy chúc mừng tôi và nói rằng sự hiện diện của tôi ở Đồi Capitol sẽ mang lại một làn gió mới. Chúng ta hãy cùng chờ xem”, anh nói, đề cập đến Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Maxwell Alejandro Frost là lái xe Uber vào ban đêm. Ảnh: Washington Post.

Nếu thắng cuộc trong cuộc chạy đua ngày 8/11, Frost sẽ trở thành thành viên đầu tiên của Quốc hội là Gen Z - thuật ngữ dành cho những người sinh sau năm 1996.

Chào đời trong một gia đình đông con, Frost từng phải nhập viện nhiều tuần khi còn là một đứa trẻ sơ sinh. Anh được nhận nuôi trong một gia đình người Mỹ gốc Cuba, chủ yếu nói tiếng Tây Ban Nha. Mẹ nuôi và bà ngoại anh rời Cuba đến Mỹ vào đầu những năm 1960.

Frost đã phải chịu sự phân biệt đối xử với tư cách một người Mỹ Latinh gốc Phi. Anh cũng chịu "sự căm ghét" khi phản đối cái chết của George Floyd vào năm 2020. Nhưng đó cũng là một động lực khiến anh từ bỏ công việc để tranh cử vào Quốc hội - quyết định “rất khó khăn cả về tài chính và tình cảm”.

Vào ban đêm, Frost lái xe cho Uber để kiếm nguồn thu nhập chính. “Tôi nghĩ những trải nghiệm này cho tôi một cái nhìn sâu sắc mà một số người khác chưa có, đặc biệt là người da trắng trong Quốc hội”, anh nói với Washington Post.

Trước đó, vụ xả súng trường học tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown đã khơi dậy tinh thần hoạt động của anh ở tuổi 15. Nó thúc đẩy anh biểu tình chống lại bạo lực súng đạn.

Frost đã hỏi ý kiến rất nhiều nhà lãnh đạo nghiệp đoàn, cộng đồng, tín ngưỡng về khả năng ứng cử. Nhưng điều khiến anh đi đến quyết định cuối cùng là việc tìm lại mẹ ruột vào tháng 6/2021.

Anh hiểu được những khó khăn cùng cực bà đã trải qua, và không có con đường nào có thể phá bỏ vòng xoáy bạo lực, nghèo đói và ma túy đã trói chân bà.

Điều đó khiến anh nhận ra rằng tại Quốc hội, anh có thể giúp đỡ những có hoàn cảnh như mẹ mình.

Đến tháng 8/2021, Frost chính thức khởi động chiến dịch tranh cử. Ngoài việc chạy đua chấm dứt bạo lực súng đạn, anh hy vọng sẽ giúp đảm bảo dịch vụ y tế cho mọi người, thúc đẩy nhiều cải cách khí hậu và cung cấp nhiều nhà ở hơn.

Ứng viên "khác thường"

Câu chuyện cuộc đời và mong muốn của Frost đã lọt vào mắt xanh của một số nhân vật cánh tả nổi tiếng bao gồm các Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Elizabeth Warren và Edward J. Markey.

Hạ nghị sĩ Mondaire Jones cũng theo dõi Frost trên Twitter, trước khi gặp anh trên MSNBC một tháng sau khi chiến dịch tranh cử bắt đầu. Ông Jones bị ấn tượng bởi thông điệp và cách truyền tải đĩnh đạc của Frost - điều mà ông coi là “thực sự khác thường với một thanh niên 25 tuổi”.

Frost đang dần xây dựng danh tiếng để tiến vào Quốc hội. Ảnh: Washington Post.

“Sự tinh tế về chính trị, sự trưởng thành và cam kết của Frost đối với các giá trị làm lu mờ nhiều đồng nghiệp tương lai của cậu ấy, cả già lẫn trẻ”, ông nhận xét.

“Tôi rất ấn tượng với cách cậu ấy vượt qua nhiều cạm bẫy mà một số đồng nghiệp của tôi không thể chống lại. Và tham vọng của Frost không chỉ là một thành viên mà còn là một nhà lãnh đạo trong số chúng tôi”, ông nói.

Frost cho biết Hạ nghị sĩ Jones là thành viên Quốc hội đầu tiên liên lạc và đưa ra lời khuyên cho anh. Ông cũng thường nói chuyện với các chính trị gia để thúc đẩy chiến dịch của Frost.

Trong quá trình này, anh cũng đang tìm hiểu hình mẫu chính trị gia mà anh muốn trở thành, song anh không hứa hẹn điều gì.

“Tôi nghĩ một trong những lý do khiến cử tri thờ ơ là vì trong nhiều thế hệ, chúng ta đã có những chính trị gia hứa hẹn rằng: ‘Nếu bỏ phiếu cho tôi, mọi thứ sẽ ổn thôi’”, anh nói.

“Tôi cảm thấy điều duy nhất mà những người đại diện thực sự có thể hứa với người dân của họ là những gì họ tin tưởng và chiến đấu, cũng như cách họ lãnh đạo cộng đồng. Việc hứa hẹn kết quả là điều không cần thiết”, anh chia sẻ.

Trong khi đó, Frost đang bận tâm với những câu hỏi mà nhiều người phải đối mặt khi sắp bắt đầu một công việc mới, chẳng hạn cách gây ấn tượng với đồng nghiệp trong ngày đầu tiên.

Trong một cuộc họp gần đây với Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries và một nhân viên của ông, Frost nhận thấy cả hai đều đi giày công sở có đế giày thể thao - phong cách phổ biến trên Đồi Capitol giúp giảm bớt sự nhức mỏi khi phải đứng nhiều giờ trên sàn đá cẩm thạch cứng mà vẫn trông chuyên nghiệp.

“Tôi phải mua một vài chiếc”, anh nói. “Tôi trẻ. Tôi cảm thấy như thể nếu tôi xuất hiện ở đó với đôi giày thể thao, một số người sẽ nói rằng: ‘Ôi! Thế hệ Gen Z không tôn trọng sự trang nghiêm Quốc hội", Frost cười nói.

“Chỉ có thời gian mới biết sự hiện diện của tôi trên Đồi Capitol và việc tôi thuộc Gen Z khác nhau như thế nào”, anh nói.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-lai-xe-uber-den-gen-z-dau-tien-tranh-cu-vao-quoc-hoi-my-post1352798.html