Từ hiện tượng lạ của phim đặt hàng

Cho đến thời điểm này, chuyện bộ phim điện ảnh Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn bỗng dưng sốt vé, trở thành đề tài bàn tán rôm rả trên các phương tiện truyền thông lẫn mạng xã hội vẫn chưa hết nóng.

Vì sao một bộ phim của Nhà nước được đầu tư với số vốn 20 tỷ đồng, không hề có kinh phí quảng bá, phát hành, ban đầu chiếu nhỏ giọt, kiểu cho có lại có thể bước vào cuộc cạnh tranh khá gay gắt giữa các phim chiếu rạp dịp Tết đến vậy? Ngay cả ê-kíp thực hiện bộ phim khi trả lời báo chí cũng rất bất ngờ khi chỉ sau một đêm, qua đoạn review ngắn của một tiktoker trên mạng, tự nhiên phim nổi tiếng. Trên trang cá nhân của mình, nghệ sĩ Trần Lực, Doãn Quốc Đam và một số diễn viên khác tham gia bộ phim bày tỏ sự ngạc nhiên vì tưởng đâu cũng như nhiều bộ phim nhà nước đặt hàng khác, sau khi chiếu ra mắt, tham dự các liên hoan phim sẽ bị… cất kho. Việc bộ phim được đón nhận khiến các nghệ sĩ hết sức phấn khởi và bắt đầu hé lộ những hình ảnh, đoạn clip ghi lại cảnh hậu trường làm phim.

Đào, phở và piano nổi tiếng, sốt vé là tín hiệu mừng cho dòng phim nhà nước đầu tư nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác phát hành, quảng bá, đưa tác phẩm đến với khán giả. Không ít ý kiến cho rằng, hàng năm số tiền Nhà nước bỏ ra làm phim đặt hàng không ít nhưng có bao nhiêu phim được chiếu ở rạp, được khán giả biết đến và lùng sục vé để đi xem như Đào, phở và piano? Hay hầu hết các phim đều làm cho có rồi… biến mất, thậm chí không được chiếu cả trên sóng truyền hình. Như thế, dù phim có nội dung tốt nhưng vì không có cơ hội tiếp cận khán giả nên đành ngậm ngùi… cất kho.

Tất nhiên, để phim nhà nước cũng có thể ra rạp và cạnh tranh công bằng với các nhà sản xuất, nhà đầu tư tư nhân sẽ là rất khó khăn. Bởi nhà đầu tư phim ảnh khi làm phim đều phải có chiến lược và sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị phát hành để hạn chế thấp nhất rủi ro. Thế nhưng, vẫn có phim hút khách, đại thắng với doanh thu cao ngất ngưởng, cũng có phim chỉ ra rạp được một thời gian ngắn, doanh thu èo uột vì vắng khán giả. Phim ảnh còn phụ thuộc vào thị hiếu khán giả và quan trọng nhất vẫn là có kịch bản, nội dung chạm được cảm xúc người xem mới có thể kéo khán giả đến rạp.

Đào, phở và piano có nội dung rất khác so với những bộ phim Việt chiếu rạp gần đây nhưng đã kéo được các bạn trẻ đến rạp. Từ chỗ có 1 điểm chiếu, trước yêu cầu của khán giả, phim đã và đang được chiếu ở nhiều cụm rạp, khiến bộ phim nổi đình nổi đám trước đó là Mai của đạo diễn Trấn Thành bị cạnh tranh không nhỏ. Một hiện tượng lạ của điện ảnh Việt ngay dịp đầu Xuân mới mở ra nhiều hy vọng cho dòng phim đặt hàng nhà nước, nhưng cũng cho thấy còn nhiều bất cập cần khơi thông để những tác phẩm điện ảnh có chất lượng tốt được khán giả đón nhận, trân trọng bình đẳng!

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202402/tu-hien-tuong-la-cua-phim-dat-hang-e785097/