Tự hào về những người lính 30/4

Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, nhưng những ký ức về chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của những người lính trên địa bàn huyện Mường La, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ vẫn còn vẹn nguyên. Những câu chuyện, hồi ức của họ là minh chứng sống động, chân thực nhất về năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tri ân.

Ông Vì Văn Tuấn (Mặc quân phục) kể lại những năm tháng tham gia chiến trường miền Nam.

Dưới cái nắng oi ả cuối tháng tư, chúng tôi cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện về thăm gia đình ông Vì Văn Tuấn, hội viên Chi hội CCB bản Pi, xã Pi Toong, là một trong những người lính từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ông Tuấn bồi hồi nhớ lại những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1967, ông Tuấn tròn 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị C1, Tiểu đoàn 27, Quân khu Tây Bắc và hành quân sang chi viện cho chiến trường Bắc Lào một thời gian, sau đó quay về nước tiếp tục huấn luyện. Tháng 2/1968, ông theo đơn vị hành quân vào Nam bằng xe tải kéo pháo; qua Kon Tum, về Quảng Nam rồi nhập Tiểu đoàn 17 (thuộc Quân khu 5).

Ông Tuấn kể: Năm 1968, tôi tham gia đánh trận đầu tiên tại cứ điểm Đắc Bét, tỉnh Kon Tum, là pháo thủ chuyên nạp đạn, chiến dịch kéo dài khoảng 3 tháng. Đến năm 1970, đơn vị chúng tôi quay lại đánh cứ điểm Đắc Bét. Tháng 11/1971, tôi nhập Quân khu 5, Sư đoàn 3 Bộ binh, sau đó đánh vào tỉnh Bình Định giải phóng huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn. Tháng 2/1972, tôi vinh dự được kết nạp Đảng tại trận địa. Một năm sau, tôi được phân công đảm nhiệm chức danh khẩu đội trưởng pháo, có nhiệm vụ đánh chặn đường rút chạy của quân địch qua cầu Bồng Sơn, Bình Định. Năm 1974, tham gia chiến dịch huyện Phủ Mỹ, Bình Định, trong chiến dịch này tôi bị thương do đạn pháo địch, mất sức 44%. Sau 3 tháng điều trị vết thương, do sức khỏe yếu, tôi và một số thương binh ở tuyến sau tiếp viện cho đồng đội, đó là quân ta giải phóng đến đâu, chúng tôi cắm cờ đến đó. Vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, chúng tôi đang ở Vũng Tàu, biết được tin quân ta chiếm được Dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam, đồng đội ôm nhau, vui mừng khôn xiết. Tháng 4/1976, tôi xuất ngũ về huyện Mường La và công tác ở Phòng Nông nghiệp, 4 năm sau được bổ nhiệm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện, năm 1990 về nghỉ chế độ hưu trí.

Chia tay CCB Vì Văn Tuấn, chúng tôi đến thăm ông Tòng Văn Hội, Tiểu khu 1, thị trấn Ít Ong, cũng là người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1973, ông Hội nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn D27, Nà Sản, huấn luyện 2 tháng, sau đó chuyển về Nghệ An tiếp tục huấn luyện và cùng đơn vị hành quân qua đường Trường Sơn nhập Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 để đến Quảng Bình.

Ông Hội nhớ lại: Ngày 10/3/1975, quân ta mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột. Là lính trinh sát “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, lấy đêm làm ngày, tuyệt đối bí mật, chúng tôi có nhiệm vụ do thám địa hình, địa vật, quân số địch, các loại vũ khí trang bị của địch, báo cáo chỉ huy để bàn chiến thuật tác chiến, góp phần giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau đó, chúng tôi tiếp tục hành quân đến Tây Ninh, Củ Chi chặn tàn quân chạy sang Campuchia. Ngày 30/4/1975, chúng tôi đang ở Tây Ninh thì nhận tin chiến thắng của quân ta, niềm vui thật khó diễn tả.

CCB Tòng Văn Hội ôn lại những ngày tham gia chiến trường.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường La có 528 CCB từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, họ trở về địa phương tiếp tục tham gia công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác. Nay tuổi đã cao, nhưng những người lính năm xưa vẫn tích cực tham gia công tác tác xã hội, gương mẫu trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Những ngày tháng tư lịch sử này, các CCB luôn thêm tự hào bởi đã hiến dâng tuổi thanh xuân và xương máu để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, non sông thu về một mối.

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tu-hao-ve-nhung-nguoi-linh-304-49782