Tự hào truyền thống quê hương cách mạng

80 năm trôi qua, sự kiện thành lập Chi bộ Chí Kiên (22/9/1943 - 22/9/2023)- chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn vẫn luôn là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ.

“Quê hương ngày càng giàu đẹp”

Ông Đồng Văn Chè, nguyên Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn (1988 - 1995), nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn (1997 - 2001).

“Bản thân tôi rất tự hào khi được sinh ra tại mảnh đất Thượng Ân giàu truyền thống cách mạng, được các thế hệ cha anh nhắc nhiều đến sự kiện thành lập Chi bộ Chí Kiên. Trong quá trình công tác, tôi may mắn tham gia sưu tầm, biên soạn 03 cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Ân, Lịch sử Đảng bộ huyện Ngân Sơn và cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn. Mỗi dịp trở lại thăm quê, tôi rất phấn khởi khi thấy nơi đây ngày càng đổi mới, tuyến đường vào trung tâm xã Thượng Ân, Cốc Đán đã được mở rộng, đời sống của Nhân dân ngày một nâng cao... Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên tôi mong muốn quê hương mình ngày càng giàu, đẹp xứng đáng với truyền thống cách mạng”.

“Sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân...”

Ông Doanh Thăng Xuân, em ruột đồng chí Doanh Thăng Hỷ (tức Doanh Hằng, một trong ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên).

Ông Doanh Thăng Xuân hiện sinh sống tại thôn Nà Bưa, xã Thượng Ân. Năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng trí nhớ của ông còn rất tốt. Bản thân ông từng là giáo viên dạy môn Lịch sử. Ông đã cung cấp nhiều tài liệu quý về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Doanh Hằng cũng như những kỷ vật đang được lưu giữ tại gia đình. Trong đó có cuốn Hồi ký “Sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân” của đồng chí Doanh Hằng được viết trong giai đoạn 1942-1945 gửi cho em trai là ông Doanh Thăng Hạ (bí danh Thanh Quang) với những sự kiện chính trị quan trọng cùng quá trình hoạt động của đồng chí.

Tự hào với truyền thống cách mạng của gia đình, ông Doanh Thăng Xuân chia sẻ: “Tôi còn nhớ năm 17 tuổi anh Hằng đi hoạt động cách mạng. Hồi đó tôi mới gần 10 tuổi nhưng đã biết các anh hoạt động cách mạng và thường xuyên sinh hoạt tại nhà mình. Sau này thì biết rõ hơn đó là Hội Việt Minh vì có anh Dương Mạc Hiếu (bí danh Nghĩa) được anh Hằng đưa về ở trên gác nhà mình. Buổi tối các anh tổ chức họp và trao đổi, kết nạp thêm thành viên tại nhà tôi. Tuy nhiên, tình hình hoạt động luôn phải thay đổi để tránh bị lộ và truy lùng gắt gao của giặc Pháp và tay sai. Mẹ và tôi được đưa cơm và gạo cho các anh ở nơi hoạt động bí mật...”. Hơn 30 năm công tác, nay nghỉ hưu về vui tuổi già với con cháu nhưng ông Xuân luôn tâm niệm một điều rằng mình luôn phải gương mẫu cho con cháu học tập, noi theo, tham gia tích cực các hoạt động của thôn bản.

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên, ông lại nhớ về người anh trai ưu tú một lòng kiên trung theo cách mạng và lấy tấm gương của cha ông những thế hệ đi trước để giáo dục cho thế hệ trẻ ở quê hương. Với truyền thống cách mạng vẻ vang, gia đình ông được Đảng, Nhà nước tặng 05 Bằng khen “Người có công giúp đỡ cách mạng” đây là niềm tự hào to lớn của gia đình và Nhân dân xã Thượng Ân.

“Quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc”

Nhà văn Nông Viết Toại, lão thành cách mạng (tổ 12, phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn).

Nhà văn Nông Viết Toại, tên khai sinh là Nông Đình Hân (sinh năm 1926) tại thôn Nà Coọt, xã Cốc Đán (Ngân Sơn). Trong suốt chặng đường của cuộc đời ông đã từng làm Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn (1950), quản lý văn hóa (Đội Văn công của tỉnh 1952); Trưởng đoàn Văn công Việt Bắc (1953), Giám đốc Bảo tàng Việt Bắc, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái... Hơn 75 năm tuổi Đảng, được tham gia ở nhiều lĩnh vực công tác khác nhau nhưng ông vẫn mang trong mình lòng tự hào của người con quê hương cách mạng.

Nhà văn Nông Viết Toại cho biết: “Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên tôi được tham dự Lễ mít tinh trọng thể, được gặp lại các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lúc đó tôi còn khỏe và vẫn luôn tâm niệm nếu còn sức khỏe, dịp Kỷ niệm 80 năm thành lập Chi bộ Chí Kiên 22/9/1943-22/9/2023) tôi sẽ trở lại Ngân Sơn để tham dự buổi lễ. Ở góc độ văn hóa tôi nhận thấy nét văn hóa của đồng bào dân tộc mình là rất đáng quý, bản tính thật thà, thủy chung, cần cù, chịu khó đặc biệt là việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhất là thực hiện tốt các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để cuộc sống của ngày càng tốt đẹp hơn”.

Đồng chí Doanh Hằng (mặc áo trắng) chụp cùng các anh chị em trong gia đình.

Cuốn hồi ký “Sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân ” của đồng chí Doanh Hằng, cố lão thành cách mạng, một trong ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên.

“Thế hệ trẻ tự hào với truyền thống của cha ông”

Anh Doanh Đức Hiệu, Bí thư Đoàn xã Thượng Ân (Ngân Sơn).

Anh Doanh Đức Hiệu, Bí thư Đoàn xã Thượng Ân ( Ngân Sơn) phấn khởi cho biết: “Chúng tôi rất tự hào là thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Đoàn xã Thượng Ân thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống nhằm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ ĐVTN. Mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên, cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử nơi thành lập Chi bộ; tổ chức nhiều hoạt động như ôn lại truyền thống cho học sinh, ra quân vệ sinh, tu sửa, chăm sóc Khu di tích. Chúng tôi mong muốn được góp sức trẻ của mình đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn, góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương”./.

Nguyễn Nghĩa

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/tu-hao-truyen-thong-que-huong-cach-mang-post55772.html