Tự hào khi viết về nông dân, nông thôn

Đó là tâm sự và cảm nhận của không chỉ của các tác giả đoạt giải mà của rất, rất nhiều người tham dự lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Tự hào NDVN, tổ chức sáng 14.9, tại trụ sở Báo NTNN/Dân Việt.

Cơ hội trải lòng của người đi ra từ nông thôn

Những đại biểu có mặt tại lễ trao giải đều bày tỏ sự ngưỡng mộ xen lẫn... ghen tỵ đối với tác giả Lê Thọ Bình – người đã đoạt giải Nhất với giá trị giải thưởng lên tới 40 triệu đồng. Còn với nhà báo Lê Thọ Bình, để có thành công này, với ông là những  tháng năm quan tâm, trăn trở, gắn bó với người nông dân, với nông thôn.

Ông Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (phải) và ông Nguyễn Hồng Sơn  (thứ 2 từ trái sang) – Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư Hội NDVN  trao giải cho một số tác giả đoạt giải. Ảnh:  Đ.D

Lên nhận giải, nhà báo Lê Thọ Bình chia sẻ: Tôi làm báo nhiều năm, viết hàng nghìn bài báo về các nhưng đề tài luôn được tôi ưu tiên, chăm chút, tìm tòi là về nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Bởi lẽ, bố mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn và được bố mẹ nuôi cho ăn học từ những giọt mồ hôi đổ ra trên ruộng đồng. Sau này, khi đi học và trưởng thành, tôi vẫn canh cánh trong lòng cảm giác mắc nợ bố mẹ, nợ người nông dân trên quê hương mình quá nhiều.

Những tâm huyết của nhà báo Lê Thọ Bình với nông dân, nông nghiệp được thể hiện rõ nhất khi tác giả của bài viết đoạt giải Nhất không một chút do dự, tặng giải thưởng 40 triệu đồng của mình cho nhân vật trong tác phẩm “Đường làm giàu truân chuyên của vua lợn organic” là ông Tô Hiến Thành để ông mua thêm vài con lợn nái.

Những tiếng vỗ tay, tiếng trầm trồ của các đại biểu, sự xúc động của anh Tô Hiến Thành khi nhận món quà từ tay nhà báo Lê Thọ Bình đã chứng tỏ hiệu ứng lan rộng của tác phẩm, cho thấy giải báo chí này đã vượt qua giới hạn của một cuộc thi viết, nó còn là nơi để những người gắn bó với nông nghiệp, nông thôn có thể chia sẻ và trải lòng mình.

“Người làm nên giải Nhất hôm nay là anh Tô Hiến Thành, tôi chỉ là người chắp bút viết nên câu chuyện đời thật của anh Thành” – những lời nói giản dị, chân thành của nhà báo Lê Thọ Bình đã làm cho cả hội trường xúc động.

Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc Tự hào NDVN 2016 – 2017 trao giải Nhất trị giá 40 triệu đồng cùng hoa và kỷ niệm chương cho nhà báo Lê Thọ Bình với tác phẩm “Đường làm giàu truân chuyên của vua lợn Organic”. Ảnh: Đàm Duy

Những người năng động và tài giỏi

Năm nay là năm thứ 4, cuộc thi viết - nay là Giải Báo chí toàn quốc Tự hào NDVN được tổ chức. Theo  nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, lâu nay các bài viết về gương điển hình thường gây nhàm chán bởi người viết chỉ tập trung kể về tiểu sử nhân vật, liệt kê thành tích... Nhưng với những tác phẩm gửi về tham gia Giải Báo chí Tự hào NDVN 2016 - 2017 có chất lượng rất tốt, thể loại đa dạng như ghi chép, bút ký, bài phản ánh…

Nhiều tác phẩm được xây dựng thành loạt 3-4 bài nên có tính phân tích, tổng hợp cao. Có những bút ký dài 2 trang báo, thể hiện bằng văn phong độc đáo, ngôn từ sắc sảo nên chân dung nhân vật được hiện lên rất sinh động và hấp dẫn.

“Có lẽ đây là giải báo chí đặc biệt nhất về chủ đề nông dân giỏi mà tôi tham gia chấm, trong đó có nhiều tác phẩm do các nhà văn, nhà báo lớn thể hiện. Riêng tác phẩm “Đường làm giàu truân chuyên của vua lợn organic”, tôi đã chấm với điểm cao gần như tuyệt đối, bởi ở đó hình ảnh người nông dân thời nay đã được thể hiện hấp dẫn qua từng con chữ, mang đầy đủ những đặc điểm điển hình của nông dân thời @: Chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với thất bại và luôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo” - ông Lợi đánh giá.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giám khảo cuộc thi viết Tự hào nông dân Việt 2016- 2017 chia sẻ những tâm tư xúc động về giải báo chí. Ảnh: Đàm Duy

Cũng theo nhà báo Hồ Quang Lợi, qua đánh giá các tác phẩm lọt vào chung khảo, cho thấy các tác giả đã rất chịu khó “đào bới” các đề tài mới và nhận thấy, nông dân thời nay quá năng động và tài giỏi. Không chỉ mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, mà những tỷ phú nông dân đó còn đưa công nghệ, máy móc hiện đại vào nuôi trồng, bắt tay liên kết với nhau để giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất...

Qua hơn 1.500 bài viết dự thi, người đọc có thể nhìn thấy một thế hệ những nông dân “cũ mà mới”. Vẫn có sự cần cù chịu khó, nhưng bây giờ ở họ đều toát lên tinh thần khởi nghiệp như thông điệp về cuộc vận động Khởi nghiệp do Chính phủ phát động”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đáng chú ý là có không ít hình ảnh người nông dân đô thị đã được các tác giả phản ánh, ghi nhận sắc nét. Họ tuy sinh sống ở vùng đất chật người đông, nhưng  vẫn say mê làm nông nghiệp, vẫn làm giàu dù đất đai nhỏ hẹp nhờ sự sáng tạo độc đáo, mạnh dạn thử nghiệm...

Giải Báo chí toàn quốc Tự hào NDVN 2016 – 2017 đã kết thúc, nhưng sức lan tỏa của cuộc thi sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài cho tới sau này. Như nhà sáng chế chân đất Tạ Đình Huy - nhân vật trong tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi viết năm 2016 (tác giả Trần Dũng) cho hay: “Cảm ơn lắm các nhà báo, đơn vị tổ chức cuộc thi đã giúp cho sản phẩm và tiếng nói của người nông dân chúng tôi được vươn xa, vươn rộng...”

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tu-hao-khi-viet-ve-nong-dan-nong-thon-805049.html