Tự hào 93 năm Công đoàn Việt Nam

93 năm xây dựng và phát triển, trải qua 12 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau: Công hội Đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội Công nhân phản đế, Hội Công nhân cứu quốc, Tổng Công đoàn Việt Nam và nay là Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, với hơn 10 triệu đoàn viên, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang thăm, tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang thăm, tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Cách đây 93 năm, ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu.

Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.

Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (năm 1927), khi đề cập đến sự cần thiết của tổ chức Công đoàn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Trước hết là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ quyền lợi cho công nhân, năm là giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam, tích cực vận động đoàn viên, người lao động tham gia đấu tranh chính trị và vũ trang trong các cuộc diễn tập cách mạng. Với hơn 20 vạn người trong năm 1945, đoàn viên Công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, những năm đầu, đất nước giành được độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, tổ chức Công đoàn đã vận động công nhân, viên chức, lao động vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Công đoàn Việt Nam đã tuyên truyền, giáo dục, vận động được đông đảo công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, “lao động sản xuất giỏi”, “mỗi người làm việc bằng hai”, “ba sẵn sàng”, “năm xung phong”, “giết giặc lập công”, phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 4/1975.

Giai đoạn cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội (1975-1986), Công đoàn Việt Nam được thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước, đi đầu trong thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Từ đây, nhiều phong trào thi đua đã được phát động, các hoạt động của tổ chức Công đoàn dần hướng vào nhiệm vụ chủ yếu là chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (từ 1986 đến nay), Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo công nhân viên chức lao động để đề ra và tổ chức các hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Để triển khai các chủ trương, nghị quyết đổi mới của Đảng, thì lực lượng công nhân viên chức lao động là những người đi tiên phong. Đoàn viên, người lao động là những người đầu tiên đưa chủ trương đổi mới của Đảng vào cuộc sống, thẩm thấu đến mọi người dân, tác động đến toàn xã hội, góp phần làm nên những thành tựu to lớn của Đảng và nhân dân ta trong hơn 30 năm qua. Thành tựu đất nước ta giành được trong công cuộc đổi mới là to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, các cấp Công đoàn, trực tiếp là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn. Trước hết là đổi mới tư duy về Công đoàn và hoạt động Công đoàn trong bối cảnh mới. Các hoạt động dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Trải qua 93 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, luôn đồng hành với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ; đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, tiếp tục thể hiện quyết tâm phấn đấu xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tu-hao-93-nam-cong-doan-viet-nam-143695.html