Tụ điểm giải trí tại TPHCM ngày càng teo tóp

(ĐTTCO) - Thông tin sân khấu nhạc 126 đóng cửa sau 30 năm hoạt động khiến những người trong giới lẫn khán giả thành phố không khỏi tiếc nuối. Trước đó, một trong những phòng trà có thâm niên của TPHCM là MTV cũng đóng cửa, cho thấy các tụ điểm giải trí tại TPHCM đang ngày càng teo tóp dần.

Đóng cửa

Theo thông tin từ đại diện Sân khấu 126, Live show Lời tình mùa đông của Đàm Vĩnh Hưng diễn ra tối 17-12 vừa qua chính là show diễn lớn cuối cùng của sân khấu này sau 30 năm hoạt động.

Cùng với Trống Đồng, 126 là một trong những sân khấu ngoài trời lớn nhất tại TPHCM với sức chứa khoảng 2.500 chỗ ngồi. Đây là địa điểm biểu diễn quen thuộc, gắn liền với nhiều nghệ sĩ Việt suốt 30 năm qua. Có thể nói, hầu hết các ca sĩ thành danh của TPHCM trải dài qua nhiều thế hệ đều từng lăn lộn cùng những sân khấu này. Suốt một thời gian dài, trong giới biểu diễn gần như mặc định, nếu chưa từng hát ở Trống Đồng và 126, ca sĩ đó chưa gọi là nổi tiếng! Bởi không hào nhoáng, sang trọng nhưng với đặc thù của mình, hai nơi này giúp đưa nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả bình dân, góp phần làm bệ phóng trong sự nghiệp của họ. Những chương trình ca nhạc mang tính tạp kỹ tại Trống Đồng hay 126 là món ăn tinh thần quen thuộc và yêu thích của khán giả bình dân vào mỗi dịp cuối tuần.

Trước đó, thông tin phòng trà ca nhạc MTV đóng cửa cũng khiến không ít người trong giới ngỡ ngàng. Thuộc hàng có thâm niên trong giới kinh doanh phòng trà TPHCM, nhất là sau một thời gian được đầu tư nâng cấp với sự bắt tay của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng đạo diễn Trần Vi Mỹ, những tưởng MTV sẽ trở thành tụ điểm giải trí hút khán giả nhưng thực tế lại khác. Sau chưa tới nửa năm đổi chủ, MTV đột ngột tuyên bố đóng cửa vì không thỏa thuận được hợp đồng thuê mặt bằng. Trước đó một chút, một trong những phòng trà cũng thuộc hàng thâm niên và tiếng tăm khác là Điểm hẹn Sài Gòn cũng bất ngờ tháo bảng, thay bằng bảng hiệu của một trung tâm điện thoại di động.

Ở phía sân khấu kịch, tình hình cũng không khả quan hơn là mấy. Điển hình là sân khấu nhỏ 5B đã tắt đèn khá lâu và đến nay vẫn chưa biết khi nào sáng đèn trở lại. Bà bầu Hồng Vân cũng từng lên tiếng về khả năng đóng cửa của sân khấu kịch Phú Nhuận, một trong những sân khấu kịch theo mô hình xã hội lâu đời nhất tại TPHCM cùng với IDECAF của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn.

Lay lắt

Nếu sân khấu 126 đóng cửa thì bức tranh của một sân khấu ngoài trời khác là sân khấu ca nhạc Trống Đồng, một nơi từng sáng đèn hàng đêm của TPHCM, giờ cũng đầy những gam màu tối. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, giá vé lại khá mềm nên những chương trình tại đây từng thu hút đông đảo khán giả, nhất là khán giả bình dân. Tuy nhiên, hiện tại nơi đây chỉ thỉnh thoảng mới có những chương trình được dàn dựng, có nhiều sao ăn khách tham gia được công chúng quan tâm. Từ một tụ điểm ca nhạc sáng đèn hàng đêm, đến nay Trống Đồng gần như chỉ co cụm hoạt động những ngày cuối tuần, thậm chí, nhiều khi hàng tuần liền không có chương trình nào diễn ra.

Tương tự, từ nhiều năm nay, Sân khấu Ca nhạc Lan Anh gần như chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu là cho thuê sân khấu nhưng cũng hiếm hoi mới có đối tác chọn thuê. Nhiều chương trình được tổ chức gần đây, dù rất nhiều sao tham gia vẫn ế vé. Không ít bầu sô phải ngậm đắng nuốt cay trả vé cho khán giả vì không diễn được.

Một minh chứng khác là sân khấu V show (rạp Nam Quang cũ) do nghệ sĩ Vân Sơn đầu tư cũng ngày càng ế ẩm. Lúc đầu, mỗi tháng phòng trà ca nhạc này còn cố gắng sáng đèn dăm bữa, còn hiện nay gần như tắt ngấm. Sân khấu này được nghệ sĩ Vân Sơn tốn khá nhiều tiền đầu tư cho việc chỉnh trang lại diện mạo. Thực tế, ngay từ thời còn là phòng trà Nam Quang, địa điểm giải trí này đã không có sức hút dù nhiều đời chủ đầu tư đều cố kéo khán giả bằng việc mời ca sĩ ăn khách nhất đến biểu diễn.

Sân khấu 126 đã đóng cửa.

Thực tế cho thấy, phòng trà MTV dưới thời Đàm Vĩnh Hưng và đạo diễn Trần Vi Mỹ thực sự khoác một chiếc áo mới, sang trọng và đẳng cấp hơn hẳn cùng dàn nghệ sĩ hùng hậu với những tên tuổi hàng đầu làng nhạc nhưng doanh thu cũng trồi sụt thất thường. Nó phản ánh bức tranh ảm đạm của làng giải trí TPHCM hiện nay.

Quả thật, phòng trà ca nhạc hiện nay ngày càng vắng khách, tình trạng mỗi đêm vài chục khách đến xem là bình thường, dù đó là những phòng trà đã tạo được thương hiệu lâu năm. Tình trạng doanh thu không đủ bù chi là thực tế mà các phòng trà hiện nay đang phải đối mặt. Một người từng có kinh nghiệm quản lý phòng trà chia sẻ, các tên tuổi ngôi sao để bảo chứng doanh thu cho phòng trà hiện nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những đêm diễn nào có những ngôi sao này may ra có lời chút ít, còn dư đủ tiền để cầm cự hoạt động đã là may mắn.

Có lẽ, ổn định nhất trong số các phòng trà đang còn hoạt động là Không Tên. Sự thành công của Không Tên gắn với tên tuổi của ca sĩ Lệ Quyên, giọng ca chính cũng là chủ nhân của phòng trà. Từ khi sở hữu Không Tên, Lệ Quyên gần như hạn chế tối đa xuất hiện ở những phòng trà hay sân khấu khác tại TPHCM. Và với lợi thế sân nhà, có tuần cô hát vài đêm là bình thường và đó là lý do giúp doanh thu phòng trà ổn định. Những phòng trà khác như Đồng Dao, We, Tiếng Xưa… hiện nay đều gần như hoạt động cầm chừng và chưa biết tương lai sẽ đi đâu về đâu.

Tình trạng của các sân khấu kịch cũng chẳng sáng sủa hơn là mấy. Từng là món ăn tinh thần rất được ưa chuộng của người dân, đến nay sân khấu kịch của thành phố gần như rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, nhiều sân khấu phải chọn giải pháp tắt đèn. Các sàn kịch trụ cột của làng kịch nói như IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, 5B, Kịch Sài Gòn, Nụ Cười Mới... đều rơi vào tình trạng thường xuyên không đủ khán giả. Mỗi suất, khán giả được nửa rạp hoặc chỉ vài hàng ghế vẫn phải mở màn biểu diễn. Gánh chi phí không nổi nên những sàn diễn trụ cột cũng đành phải tắt đèn. Nhiều sân khấu kịch không dám đầu tư thêm vở diễn mới, đành “sống dựa” vào thương hiệu một vài vở diễn ăn khách. Theo nhận định chung, lượng khán giả kịch thành phố đã mất từ 40% đến 60%.

Cùng với sự bùng nổ của chương trình truyền hình thực tế cũng như sự phát triển của các kênh giải trí trực tuyến đã đẩy các hoạt động giải trí truyền thống khác rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Thói quen được “cung phụng” thực đơn giải trí phong phú và miễn phí từ các loại hình trên đã góp phần “bóp chết” các tụ điểm, sân khấu giải trí có yếu tố bán vé. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ rõ sự cần thiết của việc xây dựng môi trường văn hóa để con người phát triển toàn diện, cũng như phải đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu, phát triển thiết chế văn hóa cơ sở. Đến nay, có thể nói, trừ các hệ thống rạp chiếu phim ra, bức tranh chung của hầu hết các loại hình giải trí khác đều rơi vào tình cảnh khó khăn và chưa có lối ra.

Sân khấu 126 được thành lập vào năm 1986. Theo kế hoạch, sân khấu 126 sẽ giải tỏa để làm nhà ga của tuyến Metro. Sân khấu 126 sẽ được di dời đến rạp Đại Đồng, đường Cao Thắng, quận 3. Dự kiến, sân khấu mới sẽ được xây dựng hiện đại với 8 tầng lầu trên diện tích hơn 2.000 m². Sân khấu mới sẽ có nhiều công năng hơn và không còn mô hình ngoài trời, kiểu bình dân như trước đây. Tuy nhiên, chưa rõ bao giờ, công trình này sẽ khởi công và không rõ đến lúc nào, 126 mới thật sự hồi sinh.

KHẮC THI

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161226/tu-diem-giai-tri-tai-tphcm-ngay-cang-teo-top.aspx