Từ chuyện 'Mai - Đào': Điện ảnh Việt cần một thay đổi từ chính sách

Kỷ lục doanh thu của phim 'Mai' và cơn sốt bất ngờ của 'Đào, Phở và Piano' khi bộ phim Nhà nước đặt hàng này chỉ được chiếu duy nhất ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia đã lột tả rõ hơn diện mạo của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hôm nay và cho thấy rất cần những thay đổi triệt để từ chính sách…

1. Khi “Mai” đang trên đỉnh doanh thu phim Việt mùa Tết và áp đảo các suất chiếu, những điệp khúc phàn nàn về chuyện ưu ái suất chiếu cho phim của Trấn Thành đã lại bắt đầu được cất lên. Đúng lúc ấy, sau những đánh giá tích cực của vài KOLs, “Đào, phở và piano” (sau đây xin gọi tắt là “Đào”) của đạo diễn Phi Tiến Sơn lại trở nên sốt vé khi nó chỉ được chiếu ở duy nhất Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Sự kiện này làm bật ra nhiều thuyết âm mưu không được tích cực cho lắm.

Cảnh trong phim “Đào, phở và piano”.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng phim của Trấn Thành đã và vẫn luôn là một thương hiệu giải trí. Số lượng người hâm mộ đông đảo của diễn viên này đủ để đảm bảo doanh thu khủng cho những sản phẩm giải trí của anh ta. Và bản thân Trấn Thành cũng là một “quyền lực” thực sự trong làng giải trí Việt đương đại. Tuy nhiên, nếu quy chụp rằng anh ta tạo áp lực để giành suất chiếu của những phim khác là điều phi lý. Hãy giải thích câu chuyện “hẻo” suất chiếu của các phim khác qua hiện tượng “Đào”.

Thực tế, ở cương vị một phim nhà nước đặt hàng, “Đào” có lợi thế rất lớn là các rạp chiếu không thể dám gạt bỏ nó khỏi các suất chiếu. Song, trong một thị trường sòng phẳng, dù là phim nhà nước đặt hàng đi nữa, các quy tắc thị trường cũng đều phải được tôn trọng. Chính vì không đạt được các thỏa thuận đúng theo quy tắc thị trường này mà “Đào” đã không thể xuất hiện ở các cụm rạp của CGV, Galaxy…

Mỗi phim trước khi ra rạp đều phải qua một quá trình đàm phán chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà rạp trên nhiều điểm quan trọng khác nhau. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là hai điểm: phân chia doanh thu và chiến dịch quảng bá. Phim là sản phẩm của nhà sản xuất nhưng khi ra rạp, nó là một thương phẩm được khai thác bởi cả nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ (rạp chiếu). Muốn một mặt hàng có thể tiếp cận được khán giả, chắc chắn khâu quảng bá phải được thực hiện, thậm chí phải được thực hiện kỹ lưỡng nếu không nói là hoành tráng. Giả sử, nếu không có các chiến dịch truyền thông rỉ rả từ cách đây cả nửa năm và cứ thế lặng lẽ ra rạp, chưa chắc đến thời điểm này “Mai” có thể cán đích 100 tỷ. Và ngân sách, chi phí cho chiến dịch quảng bá ấy thường được chia sẻ giữa hai bên đầu tư: nhà sản xuất phim và cụm rạp.

Ở trường hợp của “Đào”, ban đầu đã có những thỏa thuận với các cụm rạp nhưng trở ngại lớn nhất chính là phía nhà sản xuất không có kinh phí cho phần hùn (được đồn đoán là lên tới 1 tỷ đồng) dành cho truyền thông, quảng bá. Nhà nước không thiếu số tiền 1 tỷ đồng ấy, song muốn chi 1 đồng ngân sách nhà nước cũng cần phải có kế hoạch đề xuất từ trước và được duyệt. Trong khi đó, “Đào” chỉ được cấp một phần ngân sách vừa xoẳn để thực hiện bộ phim và do đó, ê-kíp sản xuất đã bị trói chân trong cuộc chơi rất thị trường. Đó là còn chưa nói đến ê-kíp sản xuất của nhà nước chắc chắn luôn thiếu độ nhanh nhạy, xông xáo như các nhà làm phim tư nhân. Do đó, “Đào” đã phải đành thúc thủ trước các hệ thống rạp phủ khắp cả nước.

Các chủ rạp luôn chạy theo lợi nhuận với thước đo phim nào ăn khách nhất để tối đa hóa doanh thu.

Thêm một lý do khác là phim nhà nước đặt hàng luôn phải tuân theo quy định 100% doanh thu phải nộp về ngân sách nhà nước. Vấn đề thứ hai nảy sinh ở đây. Mỗi phim ra rạp, tổng doanh thu bán vé phải được phân chia theo tỷ lệ phần trăm (thường dao động quanh tỷ lệ 40-60 và 50-50) giữa nhà rạp và nhà sản xuất. Vậy thì cái gọi là 100% doanh thu nộp về ngân sách nhà nước được xác định là doanh thu trước khi chia với nhà rạp hay sau khi chia với nhà rạp đây? Chính vì chưa có một quy định rõ rệt như vậy nên Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã phải phát biểu rằng: “Phim “Đào” chưa phát hành ngoài rạp vì còn vướng cơ chế”.

Như vậy, chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề là vẫn chưa có các cơ chế, chính sách cụ thể để điều tiết thị trường điện ảnh. Đối với các phim nhà nước đặt hàng, với nhiệm vụ chính trị hàng đầu, và bản thân đơn vị đặt hàng không hoạt động theo tính chất của một doanh nghiệp, cần phải có quy định bằng văn bản pháp luật để chính các hệ thống rạp một phần gánh vác nhiệm vụ chính trị ấy, bằng cách bố trí số lượng suất chiếu, thời gian đứng rạp và thậm chí là cả tỷ lệ phân chia doanh thu hợp lý. Không thể nào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đang được gánh vác bởi tất cả nhưng những nhà kinh doanh điện ảnh lại đứng ngoài cuộc trong khi họ vẫn được hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách quản lý điện ảnh của nhà nước. Song song đó, cũng cần phải suy nghĩ tới việc tổ chức một đơn vị điều phối các sản phẩm văn hóa đặt hàng của nhà nước như một doanh nghiệp, vận hành tuân thủ các nguyên tắc của thị trường.

Vấn đề không chỉ tồn tại ở các phim nhà nước đặt hàng mà nó còn tạo sức ép lên cả những phim tư nhân. Tình trạng nhiều phim lép vế so với một phim nổi trội đã luôn là tình trạng chung kéo dài nhiều năm, tạo ra những thuyết âm mưu về việc ép suất chiếu bấy lâu nay. Thực tế, các chủ rạp luôn chạy theo lợi nhuận với thước đo phim nào ăn khách nhất, có tỷ lệ phủ kín cao nhất sẽ được xếp nhiều suất chiếu nhất để triệt để tối đa hóa doanh thu. Chính điều đó đã tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng về cơ hội. Để giải quyết vấn đề này, rất cần một văn bản pháp luật quy định rõ thời lượng, số suất chiếu tối đa hàng ngày cho các phim để tránh tình trạng một phim chiếm 90% suất chiếu mỗi ngày như vừa qua.

2. Nhưng, vấn đề lớn hơn cả, nhức nhối hơn cả với điện ảnh Việt hiện nay là tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của một số đơn vị có sự tham gia đầu tư ngấm ngầm của nước ngoài. Rất nhiều nhà sản xuất phim đăng đàn than thở đại ý rằng “cần phải thương điện ảnh non trẻ của nước nhà” hay “điện ảnh Việt chưa được người Việt ưu ái đúng mức” và họ đã khiến cho số đông thương cảm. Nhưng ít ai biết rằng, chính họ lại là những người “vừa bắn vào chân mình vừa kêu cấp cứu”.

Thực tế, khoảng chục năm nay, trong giới điện ảnh không lạ gì câu chuyện bằng cách này hay cách khác, các hãng phim tư nhân lớn nhất đã bán cổ phần cho nước ngoài. Trớ trêu thay, chính nhà đầu tư nước ngoài ấy cũng lại đang sở hữu các cụm rạp. Khi họ nắm đằng chuôi, tức cả khâu sản xuất lẫn khâu phát hành, họ ưu ái cho phim mình có tham gia “dây máu ăn phần” là chuyện hiển nhiên. Từ đó, cả ngành công nghiệp điện ảnh Việt đã bị lũng đoạn.

Để giải quyết tình trạng này không khó. Luật Điện ảnh có quy định rất rõ về sự tham gia của yếu tố nước ngoài. Chỉ cần một cuộc thanh tra triệt để, nghiêm khắc và minh bạch, sẽ nhiều bàn tay nhúng chàm lộ ra và không ít trong những bàn tay ấy lại vừa mới lau nước mắt khóc cho khó khăn mà điện ảnh Việt đối diện.

Một điểm nữa cũng cần bàn tới chính là chính sách của chính những nhà sản xuất, những nhà rạp. Tình trạng chung hiện nay là giá vé được ấn định theo chất lượng rạp chiếu, giờ suất chiếu, địa điểm đặt tổ hợp rạp chiếu. Chỗ nào càng hiện đại, càng sang trọng, giá vé càng cao. Trong khi đó, cùng một chỗ chiếu, cùng một giờ chiếu, cùng một rạp chiếu, giá vé cho các phim lại giống nhau. Định giá vé bán cũng nên là một chính sách mà các nhà sản xuất phát hành cần nghiên cứu bởi không phim nào giống phim nào về đầu tư, khán giả mục tiêu và thể loại. Còn chính sách mà nhà nước cần có cho trường hợp giá vé này chính là áp đặt giá vé sàn để tránh hoàn toàn tình trạng cạnh tranh bằng phá giá thị trường.

Chúng ta muốn hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa hiện đại và trong đó, ngành công nghiệp điện ảnh thuộc diện mũi nhọn. Nhưng hiện nay, điện ảnh đang là một thị trường bị thả lỏng quá lâu trong tình trạng thiếu các chính sách dẫn đường. Và ở bối cảnh mấy năm nay, phim Việt luôn có doanh thu thắng thế so với phim nước ngoài trên các hệ thống rạp Việt Nam, cần lắm những thay đổi về chính sách để làm lành mạnh hóa thị trường ấy, đồng thời giúp các nhà làm phim chân chính có thêm cơ hội làm nghề và từ đó tạo ra một ngành công nghiệp điện ảnh có diện mạo đa dạng, chất lượng và hấp dẫn.

Văn Đoàn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/tu-chuyen-mai-dao-dien-anh-viet-can-mot-thay-doi-tu-chinh-sach-i723696/