Từ chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra!

Tôi và doanh nhân Trần Thanh Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cùng về thăm huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sinh hoạt đồng hương tỉnh Quảng Trị, nhân dịp đón Tết cổ truyền Giáp Thìn năm 2024. Cùng đi có thêm cậu con trai Cún Con - tên gọi thân mật ở nhà, tên khai sinh là Trần Nguyên Chương. Cún Con hiện đang là học sinh lớp 9, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh. Câu chuyện sau đây đã hơn 6 năm về trước, lúc đó là mùa hè 2016, Cún Con vừa học xong lớp 2.

Trần Nguyên Chương, học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Đại Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: Q.T

Ngày ấy, trên chuyến xe đường dài về quê nội xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, tôi thân mật hỏi Cún Con:

-Ở Việt Nam con yêu thích ai nhất?

Cậu trò nhỏ, lúc đó mới 8 tuổi nhanh nhẹn trả lời:

-Con thích nhiều người, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp

-Vì sao?

-Vì Đại tướng rất hiền hậu như ông tiên, ông bụt trong chuyện cổ tích, mà khi đánh giặc thì ông là siêu nhân, đánh đâu thắng đó, quân giặc khiếp sợ, kiểu Thánh Gióng nhổ cây tre la ngà làm vũ khí đánh đuổi giặc Ân phương Bắc

Tôi lại hỏi Cún Con:

-Con kể cho bác nghe một chuyện cụ thể về Đại tướng đánh giặc mà con vẫn còn nhớ.

-Dạ, ví như chuyện Đại tướng ra lệnh kéo pháo vào trận địa chuẩn bị nã quân giặc trên đồi A1 và thung lũng Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Nhưng sau đó, sau rất nhiều trăn trở, Đại tướng lại ra lệnh cho bộ đội kéo pháo ra. Đại tướng nói, đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp chỉ huy bộ đội đánh giặc của ông.

Tôi bất ngờ về Cún Con, sự am hiểu chi tiết, bài bản diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ. Cún Con tiếp tục:

-Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh kéo pháo ra vì thấy chưa chắc thắng, dễ gây tổn thất cho bộ đội. Do vậy, Đại tướng cho bộ đội kéo pháo ra chuẩn bị thật chắc ăn mới cho nã pháo xuống đầu giặc. Bác Hồ đã dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những tình huống khẩn cấp ở mặt trận, Đại tướng toàn quyền quyết định, sao cho phát lệnh nã súng diệt thù là phải chắc thắng, bộ đội ít phải đổ xương máu.

-Con có biết cách đánh của bộ đội ta ở Điện Biên Phủ?

-Dạ, Đại tướng cho đào đường hào xuyên núi vây lấn ạ. Hàng trăm cây số đường hào bộ đội đào từ ngoài vào vây lấn xiết chặt gọng kìm, không cho chúng nó thoát.

Nghe đến đây ông bố Trần Thanh Lâm cứ tủm tỉm cười, còn tôi thì thật sự thán phục, không chỉ về trí nhớ của em mà cả tư duy học sử, không phải học thuộc lòng như kiểu học vẹt mà là học để hiểu sâu, biết chắc, kiến thức vững vàng.

Tết Giáp Thìn - 2024, Trần Nguyên Chương cùng ba mẹ đến Bà Rịa - Vũng Tàu chúc Tết gia đình tôi. Nay Cún Con đã là chàng trai cao lớn, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, vận động viên bơi lội cấp thành phố. Nhớ lại câu chuyện hơn 6 năm về trước, Cún Con kể chuyện bộ đội ta kéo pháo vào lại kéo pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bất chợt tôi hỏi Cún Con:

-Nay con đã lớn hơn trước nhiều, chơi thể thao giỏi, bác hỏi thêm, con có nhớ Đinh Tiên Hoàng là ai, Đinh Tiên Hoàng quan hệ với Đinh Bộ Lĩnh như thế nào?

-Dạ thưa, vua Đinh Tiên Hoàng chính là Đinh Bộ Lĩnh. Sau khi Ngô Vương Quyền mất, nước ta rơi vào cảnh cát cứ, loạn 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh phất ngọn cờ dẹp loạn, thu giang sơn về một mối, dẹp xong loạn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế.

-Cún có nhớ vua Đinh lập triều đình ở đâu?

-Dạ thưa, vua Đinh lập triều đình tại Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, lên ngôi vua và đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt. Năm 2024, Việt Nam kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh của vua Đinh Tiên Hoàng.

-Triều đại vua Đinh tồn tại bao nhiêu năm?

-Dạ thưa, vua Đinh đặt nền móng thống nhất quốc gia, xây dựng Nhà nước tập quyền, chỉ tồn tại 12 năm, từ năm 968 đến năm 979, nhà vua thọ 56 tuổi.

Thêm một lần tôi thán phục trí nhớ và sự tinh tường sử học nước nhà của Trần Nguyên Chương. Tôi quay sang hỏi ba cháu là doanh nhân Trần Thanh Lâm về cách cháu học môn sử. Trần Thanh Lâm mỉm cười:

-Cún Con không học thuộc lòng, thay vào đó là học để hiểu, để liên hệ thực tiễn. Khi có điều kiện mẹ cho cháu tới các đình làng, miếu mạo, các di tích lịch sử, đi đến những con đường đặt tên các danh nhân lịch sử, để cháu tự liên hệ, tại sao lại đặt tên đường như thế, các danh nhân lịch sử này có vai trò gì trong từng thời đại lịch sử của Việt Nam và trong sự phát triển của nước nhà ngày nay? Học cách này, kiến thức về sử, về địa lý, về văn học... rất chắc, nhớ lâu, vận dụng tốt.

Ngày 1/2/1942, Bác Hồ viết bài “Nên học sử ta” đăng báo Việt Nam Độc lập như là một lời chỉ dạy sâu sắc: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho mọi người, mọi nhà, các nhà trường, các bậc phụ huynh quan tâm đến việc học lịch sử của thế hệ trẻ, vận dụng kiến thức lịch sử vào đời sống đương đại.

Năm nay, cả nước tưng bừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “Chấn động địa cầu”, theo đó, Việt Nam góp phần đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một thời đại mới. Thời điểm rất đáng tự hào này, Trần Nguyên Chương đang có mặt tại TP. Đà Nẵng dự tập huấn bơi lội, chuẩn bị cho Giải bơi lội Đông Nam Á, tháng 6/2024.

Thật tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc đánh bại các đế quốc to, tự hào về tinh thần “Dân ta phải biết sử ta” mà học sinh Trần Nguyên Chương là một trong những ví dụ tiêu biểu.

Quốc Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tu-chuyen-keo-phao-vao-keo-phao-ra-185259.htm