Từ chuyện bản quyền truyền hình

Cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào tại Việt Nam công bố bản quyền truyền hình Asiad 19. Chi phí đắt đỏ, được cho là từ 7-15 triệu USD, có thể là nguyên nhân chính. Kể cả khi đàm phán đủ cách thì con số này cũng có thể ngoài tầm với của các nhà đài Việt Nam do mức độ thu hút của Asiad không bằng SEA Games dù về đẳng cấp có khác biệt lớn.

Tại Asiad 2018, Việt Nam cũng không có bản quyền cho đến khi cơn sốt U23 Việt Nam lên đến đỉnh điểm. Khi môn bóng đá đã thi đấu thì đài VOV mới mua được bản quyền thông qua sự hỗ trợ của một doanh nghiệp lớn. Về cơ bản, mua bản quyền Asiad khi đó cũng chỉ vì nhu cầu xem đội bóng trẻ của HLV Park Hang-seo.

Lần này, bóng đá Việt Nam dự Asiad với nòng cốt là U20 do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt, triển vọng đi sâu không nhiều và thế là bài toán bản quyền Asiad đi vào ngõ cụt. Tất nhiên, Asiad không chỉ có bóng đá. Cơ hội đoạt HCV của Việt Nam cũng được dự báo từ 2-5 chiếc, chưa kể số lượng HCB cũng gần 20 chiếc. Nếu tính tổng số HCV và HCB tương ứng với việc vào chơi các trận chung kết ở những nội dung thi đấu thì Việt Nam không kém so với Thái Lan. Cụ thể như tại Asiad 18, Thái Lan có 11 HCV và 16 HCB thì Việt Nam có 5 HCV và 15 HCB. Tại Asiad lần này, chúng ta tham dự đến 31 trong tổng số 40 môn thể thao, dự báo cũng sẽ vào chung kết tranh chấp huy chương ở 2/3 số môn ấy.

Câu hỏi đặt ra tại sao chỉ có thể mua bản quyền truyền hình dựa vào triển vọng của bóng đá? Hỏi là đã trả lời. Tính phổ quát của rất nhiều môn thể thao tại Việt Nam không cao, chiếm một tỷ trọng quá thấp so với bóng đá mặc dù không thể nói là sự phổ biến của các môn thể thao ấy không lớn. Lấy ví dụ như môn điền kinh mà chúng ta đang thống trị Đông Nam Á, có những nhà vô địch châu lục, nhưng khi thi đấu ở Việt Nam thì gần như không có khán giả lẫn truyền hình. Một nguyên nhân khác, đó là thành tích nổi bật của thể thao Việt Nam chỉ rơi vào các môn “kén” khán giả, hay nói đơn giản hơn là môn phổ biến thì lại không được đầu tư trọng điểm còn môn thuần túy chuyên môn thì lại được tập trung huấn luyện theo cách cũ, gần như không có bất kỳ hoạt động quảng bá nào đi kèm để thúc đẩy sự yêu thích của công chúng.

Cũng còn một lý do khác, thuộc về yếu tố chiến lược của các nhà quản lý, đó là chúng ta chưa thực sự đặt Asiad, hay rộng hơn là các cuộc thi đấu đẳng cấp châu Á làm trọng tâm. Xét về tổng thể, thành tích tại Asiad của thể thao Việt Nam vẫn nằm ở trạng thái “ăn đong” dù xét trên số lượng huy chương thì Việt Nam đã tiệm cận đến tốp 15 tại Asiad 18 vừa qua. Chúng ta hoàn toàn có thể trở thành 1 trong 10 nền thể thao hàng đầu châu lục nếu có tham vọng lớn hơn. Ví dụ như tại Asiad 18, đoàn Bahrain chỉ có 26 huy chương nhưng đứng hạng 11 vì giành 12 HCV, tương tự là đoàn Triều Tiên dù có số huy chương ngang Việt Nam nhưng xếp hạng 10 vì có 12 HCV.

Trên lý thuyết, nếu thực sự bỏ qua SEA Games để hướng đến các cuộc thi đấu ở tầm vóc lớn hơn, thì có thể mối quan tâm của người hâm mộ sẽ thay đổi. Nói cho cùng, sức hấp dẫn của thể thao là ở các cuộc thi đấu đỉnh cao, tranh chấp quyết liệt, nghẹt thở chứ không phải xem truyền hình chỉ để “đếm huy chương” hay ăn mừng chiến thắng. Thể thao Việt Nam không chỉ nỗ lực thay đổi chất lượng thành tích mà còn phải làm thêm “nhiệm vụ” là thay đổi hành vi xem thể thao của người hâm mộ.

SONG VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-chuyen-ban-quyen-truyen-hinh-post706010.html