Tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam: Bao giờ hết nửa vời?

Hội nghị tổng kết Nghị quyết 77 NQ/CP về thí điểm tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học vừa qua đã xác định phương hướng, đề xuất với Chính phủ để xây dựng các chính sách, hành lang pháp lý để gỡ các nút thắt đang cản trở quá trình tự chủ đại học tại Việt Nam.

Ngân sách sẽ căn cứ vào đầu ra (ảnh minh họa).

Ngân sách sẽ căn cứ vào đầu ra (ảnh minh họa).

Còn nhiều tranh cãi

Sau 3 năm triển khai thí điểm tự chủ, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập thực hiện tự chủ. Trong đó có 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực. Các cơ sở GDĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận.

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu, trong đó chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp. Các cơ sở GDĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả (hiện vẫn còn 4 trường thí điểm tự chủ nhưng chưa thành lập Hội đồng trường)... Trong khi đó, theo nội dung Nghị quyết 77, Chính phủ cho phép 12 cơ sở GDĐH thí điểm thực hiện tự chủ trong các lĩnh vực: Tự chủ về đào tạo và NCKH (còn gọi là tự chủ về học thuật); Tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự; Tự chủ về tài chính.

Hiện có 6 bất cập được nhóm nghiên cứu của ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra, đó là: thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường; nhiều quy định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ; các trường chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của mình; tính thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học; việc giao quyền tự chủ đối với GDĐH mới chỉ thực hiện trong phạm vi thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo.

Đặc biệt, vấn đề tổ chức quản trị tại các cơ sở giáo dục thí điểm vẫn còn nhiều tranh cãi. Cơ quan chủ quản, hội đồng trường hay công tác tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường tự chủ còn chưa thống nhất về ý tưởng và quá trình thực hiện làm ảnh hưởng tới hiệu quả tự chủ.

Hội đồng trường được xác định là cực kỳ quan trọng trong quá trình tự chủ nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường chưa thành lập được. Nguyên nhân là do sự thiếu đầy đủ và chưa rõ ràng trong cơ chế chính sách; mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu chưa rõ ràng; các cơ quan chủ quản chưa quyết liệt trong việc thành lập Hội đồng trường; cơ cấu, tỷ lệ thành phần chưa hợp lý; hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức.

Không còn phải bàn tự chủ hay không…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ đại học không phải chờ đến Nghị quyết 77 mới nhắc đến mà trước đó hàng chục năm đã được nói rồi. Vì vậy, trước ý kiến băn khoăn của nhiều trường đại học về thời gian thí điểm tự chủ đại học sắp kết thúc, có nên làm tiếp hay dừng lại? Phó Thủ tướng khẳng định, thời điểm này không phải bàn có cần tự chủ hay không mà là phải làm, phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục làm tiếp, nếu chưa kịp ban hành văn bản mới để tháo gỡ vướng mắc thì tiếp tục cho các trường làm như hiện nay. Điều tối quan trọng là tất cả các trường, đầu tiên là các trường tự chủ phải có một bộ quy tắc ứng xử giống bộ luật của trường, được thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường và phải được Hội đồng trường thông qua thành cơ sở để thực hiện giám sát nội bộ và giải trình trách nhiệm với xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ ĐH là một thuộc tính cần thiết của ĐH thế giới. Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện tự chủ ĐH có tính đặc thù của Việt Nam, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển GDĐH thế giới.

Đối với chính sách liên quan đến các trường ĐH tự chủ, Phó Thủ tướng nhắc đến hình ảnh “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc”. “Nấc 1 là trường không được tự chủ chút nào, nhà nước bao cấp hết thì khóa rất chặt. Nấc 2 cho trường tự chủ một phần chi thường xuyên, khóa sẽ mở ra thêm một chút. Nấc 3 là trường tự chủ toàn bộ chi thường xuyên thì nới ra chút nữa. Phải đợi đến khi tự chủ toàn bộ, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên mới cho tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, đó là nấc 4 chứ không phải đã được “tháo” hết khóa đó ra. Còn 2 chìa, một chìa là của cơ quan quản lý nhà nước; chìa thứ 2 là cơ quan chủ quản”. Để “tháo khóa”, Phó Thủ tướng cho rằng, cần hiểu đúng về tự chủ là tự quản, tự trị. Tự chủ trước hết là về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu. Bỏ can thiệp hàng ngày, có tính hành chính, áp đặt vào trong nội bộ các trường ĐH. Từ đó xác định các quyền về bộ máy, nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ.

Liên hệ đến thực tế nhiều trường ĐH tiên tiến trên thế giới, có kinh phí từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn tự chủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tự chủ tài chính là được tự chủ về thu, chi theo quy định pháp luật.

Theo đó, có 4 loại thu mà các trường có là từ nguồn tài trợ, học phí, nguồn thu từ các loại phí theo quy định Nhà nước và nguồn từ ngân sách nhà nước. Trước đây, nguồn ngân sách cấp theo đầu vào, tính số biên chế, hay tính số chỉ tiêu đăng ký mà không quan tâm, không phụ thuộc vào chất lượng đầu ra. Bây giờ nguồn ngân sách nhà nước phải giao theo nhiệm vụ, theo đặt hàng và căn cứ vào chất lượng đầu ra. Các trường thực hiện tự chủ vẫn còn ngân sách nhà nước, nhưng điều quan trọng là đổi mới cách cấp và cách sử dụng ngân sách cho hiệu quả để mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//ban-doc/tu-chu-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam-bao-gio-het-nua-voi-362153.html