Tự chủ đại học đã thống nhất là phải làm

Sáng 20/10, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 -2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Đây là một trong những hội nghị quan trọng, quy tụ các giám đốc, hiệu trưởng các trường đại học cả nước để Chính phủ, Bộ lắng nghe ý kiến của các trường về vấn đề thời sự của ngành là tự chủ tài chính.

Theo Bộ GD-ĐT, sau 3 năm triển khai thí điểm tự chủ, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện tự chủ. Trong đó có 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực. Các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận.

Số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng đáng kể. Tỷ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tăng so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm 9,2% so với tỷ lệ 6% của toàn hệ thống. Tổng thu tăng 16,6%, trong đó từ ngân sách Nhà nước giảm 16,51%, nhưng nguồn đầu tư xây dựng cơ bản tăng tới 85,1%. Thu học phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác tăng 23,4%. Điều đó cho thấy tự chủ tài chính không có nghĩa Nhà nước sẽ cắt toàn bộ ngân sách và không đầu tư cho các trường tự chủ...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Thực hiện tự chủ đại học còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta không còn cách nào khác là phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Đây là trách nhiệm vì đất nước, nếu các trường ĐH Việt Nam không thực hiện tự chủ, không thành các trường mạnh, thì nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sẽ không được như mong muốn, đất nước sẽ không phát triển"

“Không nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước. Còn nếu xét về mặt cạnh tranh, chúng ta thua. Do đó, phải thực hiện tự chủ ĐH, phải biến cái người ta lo ngại thành thời cơ, đó là đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho tất cả mọi người, trong đó lưu ý các đối tượng chính sách phải được đảm bảo" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước ý kiến băn khoăn của nhiều trường đại học về thời gian thí điểm tự chủ đại học sắp kết thúc, có nên làm tiếp hay dừng lại. Phó Thủ tướng cho biết, Tự chủ đại học đã thống nhất là phải làm; phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục làm tiếp. Nếu chưa kịp ban hành văn bản mới để tháo gỡ vướng mắc thì tiếp tục cho các trường làm như hiện nay.

Kim Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-chu-dai-hoc-da-thong-nhat-la-phai-lam-62479.html