Từ chối sự trợ giúp, tàu cá chở người di cư gặp nạn ở ngoài khơi Hy Lạp

Vụ đắm tàu khiến ít nhất 79 người di cư thiệt mạng ở bờ biển ngoài khơi miền Nam Hy Lạp hôm 14-6 chỉ là tai nạn mới nhất khi người di cư bị những kẻ buôn lậu liều mạng chất đầy lên tàu cá vượt biển đến lục địa châu Âu.

Hơn 100 người may mắn được giải cứu trong vụ đắm tàu khiến 79 người thiệt mạng và chưa rõ số người mất tích

Hơn 100 người may mắn được giải cứu trong vụ đắm tàu khiến 79 người thiệt mạng và chưa rõ số người mất tích

Tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới

Lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân, tàu buôn và máy bay của Hy Lạp đã phát động một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn quy mô lớn sau khi chiếc tàu đánh cá chở người quá tải bị lật và chìm vào sáng sớm 14-6, cách phía Nam bán đảo Peloponnese khoảng 75km. Ít nhất 79 thi thể đã được trục vớt và 104 người đã được giải cứu. Không rõ còn bao nhiêu người mất tích, nhưng số liệu ban đầu cho thấy, hàng trăm người có thể đã ở trên tàu. Nếu con số chính xác, đây có thể là vụ tai nạn chết người nhiều nhất trong năm nay.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết, bắt đầu từ 13-6, chiếc tàu đã từ chối một số đề nghị hỗ trợ của cả lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu buôn trong khu vực. Theo đó, thuyền trưởng của con tàu “muốn tiếp tục đến Italia”. Tuy nhiên, Alarm Phone, một mạng lưới các nhà hoạt động điều hành đường dây nóng cho các tàu thuyền di cư gặp nạn cho hay, họ đã liên lạc với những người mà họ tin là ở trên chiếc tàu đó. Các hành khách báo tin rằng thuyền trưởng đã rời tàu trên một chiếc thuyền nhỏ trước khi nó bị lật. Ông Vincent

Cochetel, đặc phái viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ở Tây và Trung Địa Trung Hải, đã viết trên Twitter rằng “chiếc tàu cá này không xứng đáng đi biển và dù một số người trên tàu có thể nói gì, đây là sự cố rất thương tâm”.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc, hành trình từ Libya hoặc Tunisia qua Trung Địa Trung Hải đến châu Âu là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Nhiều người di cư tìm cách bỏ qua Hy Lạp để đến Italia, nơi họ có thể dễ dàng tiếp tục hành trình về phía Bắc để đoàn tụ với gia đình và các cộng đồng di cư khác. Từ đầu năm đến nay, Italia đã ghi nhận lượng người nhập cảnh cao bất thường: 55.160 người. Con số này cao hơn gấp đôi so với 21.884 người đến trong cùng kỳ năm 2022 và 16.737 vào năm 2021. Nếu những người di cư được chính quyền Hy Lạp giải cứu, họ sẽ phải đi qua vùng Balkan không mấy thân thiện để đến Tây hoặc Bắc Âu.

Trước khi bị đắm ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp hôm 14-7, chiếc tàu cá này được cho là đã chở hàng trăm người

Trước khi bị đắm ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp hôm 14-7, chiếc tàu cá này được cho là đã chở hàng trăm người

Gánh nặng trong việc tiếp nhận và xử lý người di cư

Trong khi đó, hầu hết những người di cư đến Hy Lạp đều đi trên những chiếc thuyền nhỏ hoặc băng qua sông Evros - được gọi là Meric ở Thổ Nhĩ Kỳ - chạy dọc biên giới đất liền với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, số người di cư đã giảm mạnh trong những năm gần đây khi Hy Lạp tăng cường tuần tra trên biển và xây dựng một hàng rào biên giới dọc theo Evros. Nhưng quốc gia này phải đối mặt với những cáo buộc rằng, họ đã trả lại những người di cư qua biên giới cho Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cản họ xin tị nạn một cách bất hợp pháp.

Trong vụ đắm tàu mới nhất, Alarm Phone đổ lỗi cho chính sách di cư của Hy Lạp, cho rằng Athens đã trở thành “lá chắn của châu Âu” để ngăn chặn di cư. Nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp bảo vệ hành động của mình, nói rằng họ đã đi cùng chiếc tàu cá ngay cả khi bị từ chối hỗ trợ và sau đó tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ sau khi tàu bị lật. Ngay cả trước khi xảy ra sự cố hôm 14-6, ít nhất 1.039 người đã mất tích khi vượt qua Trung Địa Trung Hải trong năm nay. Con số thực được cho là cao hơn nhiều do có khả năng chưa ghi nhận được một số vụ đắm tàu. Nhìn chung, Tổ chức Di cư quốc tế thống kê, đã có hơn 27.000 người di cư mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014.

Các quốc gia Địa Trung Hải trong nhiều năm đã phàn nàn rằng, họ phải chịu gánh nặng trong việc tiếp nhận và xử lý người di cư và từ lâu đã yêu cầu các quốc gia khác đẩy mạnh tiếp nhận họ. Tuy vậy, Ba Lan, Hungary và các quốc gia Đông Âu khác đã nhiều lần từ chối kế hoạch của EU nhằm chia sẻ gánh nặng chăm sóc người di cư. Nhưng sau nhiều năm tranh cãi, các nhà lãnh đạo EU tuần trước cho biết đã có một bước đột phá trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước tị nạn và di cư mới. EU và các quốc gia thành viên cũng đã đạt được thỏa thuận với Libya và các quốc gia Bắc Phi khác để cải thiện việc kiểm soát biên giới và ngăn chặn tàu thuyền di cư đến châu Âu.

Theo AP

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-choi-su-tro-giup-tau-ca-cho-nguoi-di-cu-gap-nan-o-ngoai-khoi-hy-lap-post542977.antd