Từ chiều tới đêm lô đất tăng giá 200 triệu đồng, người mua chán nản 'quay xe'

'Buổi chiều lô đất được chốt giá 3,1 tỷ, nhưng buổi tối môi giới đã báo lại cho tôi chủ đòi tăng lên 200 triệu; ở một lô đất khác thì cả chục môi giới chào 'chăm sóc'… khiến tôi thực sự hoang mang'.

Với hơn 3 tỷ tiền nhàn rỗi, chị Trần Minh Phương cùng chồng dành thời gian khảo sát tìm đất nhà vườn tại Ba Vì (Hà Nội). Tuy nhiên, sau nhiều lần đi thực tế cùng môi giới, hai vợ chồng chị đều chưa thể chốt được lô đất nào.

Theo lời chị Phương, có khá nhiều thông tin các lô đất, môi giới cũng rất nhiều nhưng cũng chính vì quá nhiều môi giới nên người mua như chị bị “quay” đến chóng mặt.

Nhà đầu tư "choáng" khi giá đất tăng theo ngày, thậm chí theo giờ

“Cuối tuần trước, sau 2 lần cùng môi giới xem qua hàng loạt lô đất khác nhau, cuối cùng tôi và chồng chốt mua 1 lô đất hơn 300m2 với giá 3,1 tỷ đồng. Chúng tôi tuy chưa gặp trực tiếp chủ nhà nhưng đã kết nối làm việc qua điện thoại và đi tới thống nhất mức giá trên. Chủ nhà hẹn vợ chồng tôi sáng ngày hôm sau sẽ cùng mang theo giấy tờ để làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, tối muộn ngày hôm đó, chỉ vài giờ sau thì môi giới gọi lại và thông báo chủ yêu cầu tăng 200 triệu mới bán. Nếu chị đồng ý thì sáng mai hẹn gặp làm việc”, chị Phương nói và cho biết do quá bức xúc vì bị tăng giá vô lý nên chị đã từ chối đồng thời hủy cuộc hẹn.

Ngày hôm sau, chị Phương rủ một người bạn tiếp tục chuyển hướng tìm đất thổ cư tại khu vực lân cận khu Công nghệ cao Hòa Lạc, song sau một buổi đi thực tế chị Phương thực sự cảm thấy hoang mang về giá đất nền cũng như độ “nóng” của thị trường nơi đây.

“Tôi không thể hiểu thị trường sôi động thật hay chỉ là chiêu trò của môi giới nữa. Sau một ngày đi tham khảo các lô đất khu vực lân cận Trung tâm Công nghệ cao Hòa Lạc, tôi và chị bạn bị “tra tấn” với hàng loạt các cuộc gọi mời chào, tư vấn dai dẳng như “đây là lô đẹp nhất”, “chỉ có duy nhất lô này chủ ngộp cần bán gấp mới có giá mềm như vậy”, “có một chị khách hẹn ngày mai sẽ cọc lô này”.... Thậm chí, vẫn chỉ một lô đất với hình ảnh đất và sổ đỏ đó mà hàng chục môi giới gửi tin nhắn cho tôi và mỗi người họ chào một giá khác nhau.

Tôi thực sự muốn tìm một lô đất mua làm của để dành, nhưng sau một vài tuần khảo sát thị trường khu vực Thạch Thất, Ba Vì thì tôi nghĩ mình nên dừng lại hoặc tìm một thị trường khác không ảo giá và có lượng giao dịch sát thực tế hơn” – chị Phương nói.

Tương tự câu chuyện của chị Phương, khá nhiều người tìm mua nhà đất thời gian gần đây cũng trong cảnh “hoang mang” không kém.

Cùng một lô đất, nhiều môi giới chào bán với giá khác nhau

Mấy tháng nay, chị Bùi Thị Tuyết (46 tuổi, ở Hà Nội) tìm mua căn hộ 2 phòng ngủ tại khu đô thị Trung Văn, thuộc quận Nam Từ Liêm.

Sở dĩ chị Tuyết lựa chọn khu đô thị này vì nghĩ rằng, dự án đã có từ lâu, một số tòa nhà đã cũ nên giá cả sẽ phù hợp với tài chính của gia đình. Tuy nhiên, chị Tuyết không ngờ rằng, giá căn hộ cũ tại khu đô thị này cũng đắt đỏ và leo thang không ngừng.

“Ban đầu môi giới báo giá căn hộ 2 phòng ngủ có mức giá tầm 2 tỉ đồng, tuy nhiên, đúng 1 tuần sau, môi giới cho biết, chủ nhà báo rằng phải được 2,1 tỉ đồng, không bao thuế phí thì mới bán. Rồi 1 tuần sau, chị Tuyết lại được thông báo rằng, giá căn hộ đã lên 2,2 tỉ đồng” – chị Tuyết chia sẻ.

Như vậy, chưa đầy 2 tuần mà giá một căn hộ ở khu đô thị cũ đã tăng thêm 200 triệu đồng, việc tăng giá nhà cũng như bẻ kèo của chủ đã khiến chị Tuyết chán nản, hụt hẫng, không muốn tìm mua nhà nữa.

Có thể thấy, nếu như cuối năm 2023, từ thực tế thị trường tại Hà Nội giao dịch ảm đạm, các chuyên gia và cơ quan quản lý đều nhận định, thị trường bất động sản năm 2024 vẫn còn khó khăn và hồi phục sớm nhất vào cuối năm, thậm chí sang năm 2025, 2026 mới ấm trở lại. Thế nhưng, thị trường lại phản ứng ngược lại, khi ngay sau Tết Nguyên đán 2024, phân khúc chung sau đó là đất nền, đồng loạt được đẩy giá lên cao. Theo đó, giá rao bán tăng thậm chí gấp 2, gấp 3 lần so với giá gốc. Trong bối cảnh thiếu nguồn cung nghiêm trọng, những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5 - 10 năm vẫn “đắt khách” khi chủ nhà cứ rao bán ra căn nào, môi giới dẫn khách liền căn đó bất kể dự án từ nội đô cho đến ven đô.

Dữ liệu mới nhất từ Batdongsan.com.vn cho thấy giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Nhiều người mua, bán và nhân viên môi giới bất động sản cũng nhận xét giá chung cư Hà Nội đang “leo thang”. Không ít dự án có mức tăng giá trên 20% chỉ sau 1 năm.

Các loại hình bất động sản khác như thổ cư, biệt thự, liền kề cũng tăng giá theo. Theo khảo sát của phóng viên, đất thổ cư vùng ven Hà Nội như Thanh Trì, Hoài Đức, Yên Nghĩa (Hà Đông), giá (đất thổ cư) trong ngõ được rao bán lên đến 50 - 60 triệu đồng/m2. Còn với các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm…, giá nhà trong ngõ ô tô con không vào cũng được rao bán lên tới 130 - 150 triệu đồng/m2.

Lý giải nguyên nhân về hiện tượng trên, ông Trần Minh (CEO công ty bất động sản ở Hà Nội) cho hay, thời gian vừa qua, chung cư cũ, nhà trong ngõ, nhà thấp tầng tăng giá để đuổi kịp mặt bằng giá mới vì các dự án chung cư mới giá rất cao.

“Nhiều người cho rằng do tiền mất giá chứ không phải do thay đổi vị trí, giá trị thực. Thế nên, với những người bán đi mà không biết kinh doanh sản xuất gì hay đầu tư vào đâu thì dẫn đến việc họ giữ lại không bán nữa mặc dù giá tăng cao.

Hiện nay, những người bán đa phần là dân đầu cơ, đầu tư và họ tìm thấy cơ hội tốt hơn. Với những người có nhu cầu mua ở thực cũng chỉ một phần mua được vì họ còn tiền. Còn đa phần sẽ khó mua dù lãi suất ngân hàng rẻ vì điều kiện cho vay không phải dễ, không phải ai cũng vay được. Hơn nữa, bất động sản “sốt” lần này chỉ trong khu vực, phạm vi, nhóm người nhỏ. Chứ không phải “sốt” toàn thị trường”, ông Minh chia sẻ.

Quỳnh Chi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/tu-chieu-toi-dem-lo-dat-tang-gia-200-trieu-dong-nguoi-mua-chan-nan-quay-xe-205692.html