Từ cánh rừng năm ấy...

Đó là cánh rừng mang tên vị anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo, trong cái rét căm căm của núi rừng Việt Bắc ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ đã được thành lập. Chỉ sau mấy ngày, hai trận thắng giòn giã hạ Đồn Phai Khắt và Nà Ngần đã khẳng định đội tiền thân của quân đội ta thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: Trận đầu phải quyết thắng!

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Từ cánh rừng năm ấy, quân đội ta đã trưởng thành, lớn mạnh không ngừng, được trang bị các vũ khí tối tân và hiện đại. Từ một trung đội nay đã thành các sư đoàn, quân đoàn hùng mạnh. Từ bộ binh thô sơ, nay đã có thêm những binh chủng hợp thành, hợp đồng tác chiến mới: Pháo binh, xe tăng, không quân, hải quân… Họ, những người con sinh ra từ các miền quê yêu dấu, lớn lên trong mạch nguồn dân ca Việt Nam, với tình yêu Tổ quốc lớn lao: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông” (Chế Lan Viên).

Họ, là sự tiếp nối thế hệ: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu). Họ, những người phơi phới tuổi xuân: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” (Phạm Tiến Duật). Họ, ra trận với tư thế: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, hay: “Cuộc đời đẹp nhất là trận tuyến đánh quân thù”. Những người lính ấy ra trận mang theo tình cảm cả một hậu phương lớn: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng mà thương mẹ biết bao” (Hữu Thỉnh).

Người “Mẹ Việt Nam Anh hùng” đã sinh ra, nuôi nấng và truyền cho họ sức mạnh thần kỳ - sức mạnh ấy là nội lực tiềm tàng của cả cội nguồn trầm tích lịch sử. Sức mạnh ấy đã làm nên vẻ đẹp lý tưởng của “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Họ ra trận, có Bác bên mình: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Bác lên non quan sát trận địa, Bác ra tận chiến hào, đến từng khẩu đội phòng không. Tấm huy hiệu in hình Bác là một phần thưởng vinh dự lớn lao, phập phồng trên áo ngực nơi có trái tim người lính hát mãi khúc quân hành: “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ” (Diệp Minh Tuyền).

Từ cánh rừng năm ấy, những người lính đã đến với bao cánh rừng khác, với những cơn sốt rét tái rừng, với chót vót đỉnh Trường Sơn sương mù bao phủ đã qua bao cánh rừng với một màu xanh quân phục, màu xanh cỏ úa. Đó là màu xanh của sự sống, của hy vọng, màu xanh của lúa mạ đồng quê. Màu xanh ấy ôm hình hài người lính, tâm hồn người lính, là màu xanh lá của cánh rừng bất tận, của biển xanh sóng vỗ trùng khơi. Đó là màu xanh của áo trấn thủ, với 36 đường may như những chiến hào đánh lấn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Màu xanh quân phục ấy từ những cánh rừng Trường Sơn tràn về thành phố, làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Từ cánh rừng năm ấy, lịch sử đã sang trang mới. Những người lính lại hát tiếp khúc quân hành lên biên cương Tổ quốc, ra với đảo khơi xa. Màu xanh áo lính chính là sắc màu của niềm tin, là lá chắn vững chãi đến những nơi gian khó nhất, không chỉ trong chiến tranh, mà cả trong thời bình, chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt, với bão lụt thiên tai. Ở đâu cũng ngời lên vẻ đẹp tinh thần quả cảm và cao cả, với một tâm hồn lý tưởng cao đẹp. Vâng, màu xanh quân phục từ cánh rừng năm ấy như màu cỏ sắc và ấm, thắm tươi nồng hậu và bất diệt biết bao…

Tản văn: Nguyễn Ngọc Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-canh-rung-nam-ay-post457581.html