Từ bỏ quá khứ thuộc địa, nhiều nước đổi tên

Ấn Độ có kế hoạch đổi tên chính thức thành Bharat, từ từng được dùng để chỉ đất nước này bằng tiếng Hindi được hầu hết người Ấn Độ sử dụng và cũng xuất hiện cùng với 'India' (Ấn Độ) trong hiến pháp. Vấn đề này có thể được xem xét bởi Quốc hội Ấn Độ. Việc tương tự đã có tiền lệ ở nhiều quốc gia trên thế giới…

Từ Ceylon đến Sri Lanka

Sri Lanka, nước láng giềng Ấn Độ, đã đổi tên vào năm 1972. Trong truyền thuyết của Ấn Độ, nó được gọi là Tamraparni, trong các tài liệu lịch sử Hy Lạp cổ đại - Taprobana, và những người khám phá Bồ Đào Nha đi thuyền đến hòn đảo vào thế kỷ XVI gọi nó là Ceilão, hay Ceylon. Tên này được hòn đảo giữ lại khi trở thành thuộc địa của Anh.

Sau khi giành được độc lập (1948), nhiều người dân coi “Ceylon” là lời nhắc nhở về sự cai trị của nước ngoài, và mãi đến năm 1972, chính quyền mới quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka. Từ này bắt nguồn từ tiếng Phạn “Shri” (may mắn) và “Lanka” - tên cổ của hòn đảo, xuất hiện trong sử thi cổ đại Ramayana của Ấn Độ.

Hà Lan.

Từ Xiêm đến Thái Lan

Trước năm 1939, lãnh thổ này là Vương quốc Xiêm, tên bắt nguồn từ tiếng Phạn “sama” - "da đen", có thể do các thương gia Ấn Độ gọi người dân địa phương có làn da sẫm màu hơn. Từ này được phổ biến trên phạm vi quốc tế và được sử dụng trong các hiệp ước và bản đồ.

Sau cuộc cách mạng năm 1932, lên nắm quyền là quân nhân Phibun Songkhram với quan điểm dân tộc chủ nghĩa đã quyết định chọn một cái tên mới cho đất nước để phản ánh rõ hơn bản sắc của cư dân nơi đây. Năm 1939, chính phủ ban hành nghị định chính thức đổi tên nước: “Land” có nghĩa là “đất”, nhưng “Tai” vừa là tên những người sống trên lãnh thổ, vừa được dịch là “tự do”. Nghĩa là, Thái Lan là “đất của người Thái” và “đất của tự do”.

Trong Thế chiến thứ hai, chính quyền Thái Lan đứng về phía các cường quốc phe Trục, Phibun phải chịu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, và chính phủ mới vào tháng 9/1945 đã trả lại đất nước về tên trước đây - Xiêm. Không lâu sau, vào tháng 11/1947, đảo chính quân sự ở Xiêm, đến năm 1948, Phibun trở lại nắm quyền và đất nước lại được gọi là Thái Lan.

Năm 2022, chính phủ Thái Lan đã chính thức đưa ra tên kép cho thủ đô: cùng với Bangkok là tên quốc tế, tên lịch sử của thành phố trong tiếng Thái Krung Thep Maha Nakhon hiện được sử dụng.

Thái Lan.

Myanmar hay Miến Điện?

Vào năm 1989, nước này đã từ bỏ tên chính thức cũ là Miến Điện. Trong phương ngữ địa phương, từ trước mang tính trang trọng và tính văn học hơn, từ sau bắt nguồn từ tên của nhóm dân tộc thống trị, người Bama, đã được sử dụng trên phạm vi quốc tế trong nhiều năm.

Sau khi đàn áp các cuộc biểu tình năm 1989, chính quyền quân sự đã quyết định đổi tên thành Myanmar, nói rằng tên cũ Miến Điện là do thực dân đặt cho và không phản ánh tất cả các dân tộc khác sống trên lãnh thổ đó.

Myanmar.

Từ Ba Tư đến Iran

Trong nhiều thế kỷ, Ba Tư là cách người Hy Lạp cổ đại gọi. Tuy nhiên, vào năm 1935, Shah Mohammad Reza Pahlavi đã quyết định đổi tên nước thành Iran, bắt nguồn từ tên tự cổ của đất nước trong ngôn ngữ Avestan: Airyanam Dahyunam - “vùng đất của người Aryan”. Theo một số nguồn tin, nhà vua cũng chịu ảnh hưởng của đại sứ ở Berlin, người tin rằng việc nhấn mạnh đến nguồn gốc Aryan sẽ giúp đưa ông đến gần hơn với Đế chế thứ ba. Sự thay đổi này có hiệu lực vào ngày 22/3/1935, khi người Iran ăn mừng năm mới. Sau cuộc cách mạng năm 1979, đất nước được biết đến với cái tên Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Macedonia, nhưng bây giờ là miền Bắc

Bắc Macedonia đã phải kéo dài tên vào năm 2019. Các vấn đề nảy sinh vào năm 1991, lãnh thổ trước đây nằm trong khu vực lịch sử Macedonia, nơi mà nhiều thế kỷ trước là một phần quyền lực của Alexander Đại đế và là một phần của Liên bang Nam Tư thống nhất đã trở thành quốc gia độc lập Cộng hòa Macedonia. Nhưng Hy Lạp coi cái tên như vậy là sự xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của mình, bởi vì một phần lãnh thổ của Hy Lạp cũng nằm ở vùng đất lịch sử Macedonia.

Tranh chấp về tên và di sản lịch sử kéo dài 18 năm, kết quả là chính quyền hai nước đã tìm ra giải pháp thỏa hiệp và kể từ năm 2019 bắt đầu được gọi là Bắc Macedonia.

Hà Lan, từ Holland đến Netherlands

Vào năm 2020, chính quyền Hà Lan quyết định đổi thương hiệu quốc gia, từ bỏ hoàn toàn cái tên được sử dụng rộng rãi trước đây “Holland”. Hiện nay chỉ có một tên chính thức của đất nước được sử dụng trên phạm vi quốc tế và trong tất cả các tài liệu: “Netherlands” - Vương quốc Hà Lan.

Thực tế Holland (đất rừng) là tên của khu vực đông dân nhất Hà Lan, bao gồm hai tỉnh Bắc Hà Lan (Noord-Holland) và Nam Hà Lan (Zuid-Holland). Hai thành phố lớn nhất đất nước là Amsterdam và Rotterdam, cũng nằm ở đây, nên Vương quốc Anh và sau đó là nhiều quốc gia nói tiếng Anh khác sử dụng nhầm tên của khu vực để chỉ toàn bộ đất nước. Nhà chức trách Hà Lan không phản đối. Để thúc đẩy du lịch và đầu tư, họ cũng bắt đầu dùng từ Holland làm tên gọi cho cả nước và chọn tên Holland.com cho trang web du lịch của chính phủ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền đã quyết định từ bỏ việc sử dụng từ “Holland” và bắt đầu nghiêm túc quảng bá thương hiệu “Netherlands” (vùng đất thấp) để phát triển du lịch tại 10 tỉnh còn lại của đất nước.

Turkey hay Türkiye?

Vào năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết định thực hiện một cuộc thay đổi thương hiệu nhằm nâng cao uy tín quốc tế của nước này: đổi tên quốc tế từ Turkey thành Türkiye hiện được sử dụng trong cả tài liệu nội bộ của đất nước, cả ở Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Rhodesia và Burkina Faso

Việc thay tên nước đồng nghĩa với từ bỏ quá khứ thuộc địa. Đối với Rhodesia, thuộc địa cũ của Anh, vấn đề này đặc biệt đau đớn: nó được đặt theo tên của người thực dân Anh ở Nam Phi là Cecil Rhodes.

Năm 1979, một phong trào dân tộc lên nắm quyền ở nước này đã đổi tên nước thành Rhodesia-Zimbabwe. Sau khi Vương quốc Anh công nhận nền độc lập của thuộc địa cũ (1980), tên của nước này được rút ngắn thành Zimbabwe - để vinh danh thành phố cổ đại Greater Zimbabwe (thế kỷ XI).

Năm 1984, thuộc địa cũ của Pháp là Upper Volta (giành được độc lập từ năm 1960) cũng đổi tên thành Burkina Faso, dịch từ tiếng Moore mà người dân địa phương sử dụng, có nghĩa là “đất nước của những người lương thiện”.

Từ Zaire tới DRC

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đã trở lại với tên gọi lịch sử của mình vào năm 1997. Vào cuối thế kỷ XIX, những vùng lãnh thổ này, tuy chính thức vẫn là một quốc gia độc lập, đã trở thành tài sản cá nhân của Vua Bỉ Leopold II, người gọi chúng là Nhà nước Tự do Congo. Năm 1908, đất nước này trở thành thuộc địa chính thức của Bỉ, đổi tên thành Congo thuộc Bỉ. Năm 1960, sau khi giành được độc lập được gọi là Cộng hòa Congo, nhưng 4 năm sau, để tránh nhầm lẫn với quốc gia láng giềng cùng tên và có thủ đô ở Brazzaville, nước này đã thêm từ “Dân chủ” vào tên của mình.

Nhưng vào năm 1965, một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ở DRC, do Mobutu Sese Seko lãnh đạo, và vào năm 1971, ông ra lệnh đổi tên đất nước thành Cộng hòa Zaire - theo tên sông Congo bị người Bồ Đào Nha bóp méo. Khi chế độ độc tài Mobutu bị lật đổ (1997), chính quyền mới đã trả lại đất nước về tên cũ là Cộng hòa Dân chủ Congo.

Eswatini.

Từ Swaziland đến Eswatini

Năm 2018, vương quốc Swaziland của Nam Phi đã đổi tên. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 và trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ngày đất nước giành độc lập, Vua Mswati III đã quyết định chính thức đổi tên nước thành Eswatini. Ông giải thích bước đi này là do mong muốn đoạn tuyệt với quá khứ thuộc địa, bởi tên cũ là sự kết hợp giữa tiếng Anh và từ “Swazi” - một dân tộc sinh sống ở Eswatini, Nam Phi và Mozambique. Tên mới Eswatini giống như tên trước, có nghĩa là “vùng đất của người Swazis” - tuy nhiên, lần này nó hoàn toàn bằng ngôn ngữ địa phương.

Đăng Bẩy

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/tu-bo-qua-khu-thuoc-dia-nhieu-nuoc-doi-ten-i710271/