TT năng lượng tuần đến ngày 19/11: giá xăng điều chỉnh giảm 500 đồng/lít

Đây là lần giảm đầu tiên của giá xăng sau 6 lần tăng liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này trải qua 20 lần điều chỉnh, với 11 lần tăng và 9 lần giảm. Giá bán lẻ hiện tương đương với giai đoạn đầu năm.

Kể từ 15h ngày 19/11, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giảm giá bán lẻ mỗi lít xăng RON92 về mức phổ biến là 16.370 đồng, giảm 520 đồng so với trước.

Các mặt hàng khác cụ thể như sau:

Trước đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giảm giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá cơ sở mỗi lít xăng RON 92 được yêu cầu giảm 521 đồng so với kỳ điều hành trước, khiến giá bán lẻ không được cao hơn 16.371 đồng. Xăng E5 giảm 355 đồng, xuống mức tối đa là 16.221 đồng một lít.

Tương tự, giá dầu diesel cũng giảm 514 đồng, trong khi dầu hỏa và madút lần lượt giảm 578 và 373 đồng một lít, kg. Cùng với việc giảm giá bán, cơ quan quản lý cũng yêu cầu dừng sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng. Trước đó, mức điều tiết đang dao động trong khoảng 114-600 đồng một lít, kg.

Giá bán lẻ xăng dầu giảm do diễn biến của thị trường thế giới. Theo đó, giá bình quân mặt hàng RON 92 trong kỳ điều hành 15 ngày qua là hơn 55 USD một thùng, giảm mạnh so với trước đó.

Đây là lần giảm đầu tiên của giá xăng sau 6 lần tăng liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này trải qua 20 lần điều chỉnh, với 11 lần tăng và 9 lần giảm. Giá bán lẻ hiện tương đương với giai đoạn đầu năm.

Trên thế giới, thị trường dầu mỏ ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên trong vòng một tháng.

Bất chấp vài phiên đi xuống, giá dầu thế giới tuần qua vẫn ghi nhận tuần tăng giá mạnh, do những đồn đoán ngày càng tăng về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ tìm được giải pháp để cắt giảm sản lượng vào cuối tháng này.

Tính theo tuần, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ New York đều tăng gần 5%, ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên trong gần một tháng.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (14/11), giá dầu thế giới đi xuống, trong bối cảnh những bất đồng giữa Saudi Arabia, Iraq và Iran trong việc cắt giảm sản lượng đã gây áp lực lên giá mặt hàng này.

Bên cạnh đó, khả năng sản lượng dầu của Mỹ tăng lên trong trường hợp OPEC không đạt được thỏa thuận cũng là một yếu tố chi phối thị trường hàng hóa này.

Sang phiên 15/11, giá dầu thế giới tăng gần 6% với dầu ngọt nhẹ New York đạt mức tăng hàng ngày lớn nhất trong bảy tháng do thị trường hy vọng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng tại cuộc họp cuối tháng này ở Vienna, Áo.

Tại thị trường New York giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,49 USD (5,8%) lên 45,81 USD/thùng, mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ đầu tháng Tư.

Giá dầu Brent biển Bắc tại London cũng tăng 2,52 USD (5,7%) lên 46,95 USD/thùng, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 28/9.

Giới kinh doanh và các nhà phân tích cho biết những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC đã giúp giá dầu đi lên.

Ngoài ra, thông tin về một vụ tấn công vào đường ống dẫn dầu quan trọng Nembe Creek Trunk Line ở vùng châu thổ Niger của Nigeria cũng hỗ trợ giá dầu.

Tới phiên giao dịch ngày 16/11, giá dầu thế giới quay đầu giảm khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu của nước này (không bao gồm dự trữ xăng dầu chiến lược) trong tuần trước đã tăng 5,3 triệu thùng lên 490,3 triệu thùng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong phiên giao dịch ngày 17/11, giá dầu tiếp tục giảm do đồng USD mạnh lên đã lấn át tâm lý lạc quan của thị trường về một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu mỏ của OPEC.

Đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết rằng ngân hàng này đang gần đi tới việc quyết định tăng lãi suất vào tháng sau.

Trong phiên cuối tuần (18/11), giá dầu lấy lại đà phục hồi giữa bối cảnh OPEC tiến gần hơn đến việc hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng đầu tiên kể từ năm 2008.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 37 xu Mỹ (0,8%) lên 46,86 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 27 xu Mỹ (0,6%) lên 45,69 USD/thùng.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Al-Arabiya TV của Saudi Arabia mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết ông lạc quan về khả năng OPEC sẽ "hiện thực hóa" thỏa thuận sơ bộ về vấn đề "đóng băng" sản lượng do các nhà sản xuất thành viên khối này đạt được tại cuộc họp hôm 28/9 ở Algeria.

Trong khi đó, nhà kinh tế James L. Williams, thuộc WTRG Economics, tại Arkansas (Mỹ) cảnh báo giá dầu có thể rơi xuống dưới 40 USD/thùng, nếu OPEC không đạt được một thỏa thuận vào ngày 30/11 tới.

Nguồn: VITIC/bnews.vn

http://bnews.vn/thi-truong-dau-mo-ghi-nhan-tuan-tang-gia-dau-tien-trong-vong-mot-thang/29041.html

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/hang-hoa/tt-nang-luong-tuan-den-ngay-1911-gia-xang-dieu-chinh-giam-500-donglit-656189.html