TS.LỘC THỊ THỦY: VIỆT NAM CHỦ ĐỘNG TRONG TRIỂN KHAI ĐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO 'ĐA DẠNG HÓA, ĐA PHƯƠNG HÓA' VỚI CÁC NƯỚC MỸ LATINH

Nhìn lại chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới 3 nước Mỹ Latinh, TS.Lộc Thị Thủy - chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội nhận định: Chuyến thăm đã thể hiện tính chủ động của Việt Nam trong việc triển khai đường lối ngoại giao 'Đa dạng hóa, đa phương hóa'…

Từ ngày 18-28/4/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Argentina và Đông Uruguay.

TS.Lộc Thị Thủy - chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội.

TS.Lộc Thị Thủy - chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội.

Nhìn lại chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới 3 nước Mỹ Latinh, TS.Lộc Thị Thủy - chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội nhận định: Chuyến thăm đã thể hiện tính chủ động của Việt Nam trong việc triển khai đường lối ngoại giao “Đa dạng hóa, đa phương hóa” trong quan hệ quốc tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Đường lối đối ngoại này cũng giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc phối hợp với các nước Mỹ Latinh đấu tranh, xây dựng một trật tự quốc tế đa cực mà Việt Nam, các nước đang phát triển, mới nổi ở Mỹ Latinh có một vị trí xứng đáng trong đó. Ngoài ra, sự chủ động, tích cực của Việt Nam cũng góp phần giải quyết các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay.

Phóng viên: Thưa bà, từ ngày 18-28/4/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Argentina và Đông Uruguay. Bà có thể cho biết về kết quả chuyến thăm tới các nước trong khu vực Mỹ Latinh này?

TS.Lộc Thị Thủy: Theo tôi, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Cộng hòa Cuba, Argentina và Đông Uruguay vào thời điểm này là rất có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam, Cuba, Argentina, Uruguay mà còn cả với khu vực Mỹ Latinh. Đối với Việt Nam và Mỹ Latinh, chuyến thăm này diễn ra đúng vào năm sự kiện Việt Nam và nhiều nước Mỹ Latinh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác hữu nghị. Do đó, chuyến thăm này được coi là nền tảng, chất xúc tác quan trọng đưa quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ Latinh lên một cấp độ mới trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp toàn thể đặc biệt của Quốc hội chính quyền Nhân dân Cuba khóa X và lễ kỷ niệm 62 năm ngày Chiến thắng bãi biển Giron.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp toàn thể đặc biệt của Quốc hội chính quyền Nhân dân Cuba khóa X và lễ kỷ niệm 62 năm ngày Chiến thắng bãi biển Giron.

Còn với Cuba, Argentina, Uruguay, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mang nhiều ý nghĩa. Với Cuba, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước trong năm hai nước phối hợp tổ chức kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên của Lãnh tụ cách mạng Fidel đến Việt Nam. Với Argentina là sự kiện 50, Uruguay là 45 năm thiết lập quan hệ ngoại.

Phóng viên: Bà có thể cho biết những cam kết, thỏa thuận đã đạt được cũng như những định hướng sẽ hợp tác nhân chuyến thăm 3 nước Cộng hòa Cuba, Argentina và Đông Uruguay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ mở ra đường hướng ngoại giao của Việt Nam như thế nào trong khu vực Mỹ Latinh trong thời gian tới?

TS.Lộc Thị Thủy: Theo tôi, những kết quả đạt được của chuyến thăm này giúp quan hệ Việt Nam với Mỹ Latinh phát triển theo các hướng sau:

Thứ nhất: Góp phần nâng cấp quan hệ của Việt Nam với các quốc gia: Chile, Brazil, Argentina, Mexico từ quan hệ Đối tác hợp tác hữu nghị lên Đối tác chiến lược và Đối tác hợp tác toàn diện trong năm 2023.

Thứ hai: Giúp quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cánh tả cầm quyền ở Mỹ Latinh được duy trì và phát triển ổn định, trong bối cảnh tình hình chính trị ở khu vực đã có nhiều thay đổi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu dự sự kiện kỷ niệm “50 năm quan hệ Việt Nam – Argentina: Hiện tại và tương lai”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu dự sự kiện kỷ niệm “50 năm quan hệ Việt Nam – Argentina: Hiện tại và tương lai”.

Thứ ba: Tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác trao đổi lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng cánh tả tiến bộ ở Mỹ Latinh trong các diễn đàn chính trị-xã hội ở khu vực như Diễn đàn Sao Paulo, Habana.

Thứ tư: Giúp quan hệ giữa Việt Nam với Cuba và các nước ALBA phát triển ổn định theo phương châm “Lấy hợp tác kinh tế, chính trị là ưu tiên trọng tâm”.

Thứ năm: Tạo nền tảng để Việt Nam, ASEAN củng cố quan hệ với các thể chế chính trị ở Mỹ Latinh như CELAC, MERCOSUR, giúp ASEAN và MERCOSUR nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2025, năm kỷ niệm 20 năm hai bên thiết Đối tác Đối thoại và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thứ sáu: Nâng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam-Mỹ Latinh từ 30 tỷ USD (2022) lên hơn 40 tỷ USD (2023), tạo cơ sở để Việt Nam đầu tư vào Mỹ Latinh, nhất là trong các lĩnh vực: điện tử điện lạnh, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, nông sản, dệt may, năng lượng…

Phóng viên: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới 3 nước trên nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời thể hiện tính chủ động, tích cực củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam với các đối tác chính ở khu vực Mỹ Latinh trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Bà nhìn nhận sự chủ động đó của Việt Nam với các nước trong khu vực Mỹ Latinh cũng như đóng góp tiếng nói vào giải quyết được những vấn đề mà khu vực và thế giới đang quan tâm?

TS.Lộc Thị Thủy: Theo tôi, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới 3 nước Mỹ Latinh lần này đã thể hiện tính chủ động của Việt Nam trong việc triển khai đường lối ngoại giao “Đa dạng hóa, đa phương hóa” trong quan hệ quốc tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Bởi đường lối này không chỉ giúp Việt Nam củng cố quan hệ ngoại giao với các nước lớn có ảnh hưởng ở khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU mà còn làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với tất cả các nước Mỹ Latinh. Đường lối đối ngoại này cũng giúp Việt Nam triển khai chính sách ngoại giao “Thêm bạn bớt thù”, “Làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên thế giới” mà tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã đề ra. Đồng thời, giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc phối hợp với các nước Mỹ Latinh đấu tranh, xây dựng một trật tự quốc tế đa cực mà Việt Nam, các nước đang phát triển, mới nổi ở Mỹ Latinh có một vị trí xứng đáng trong đó.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Uruguay Beatriz Argimon tại Lễ ký thỏa thuận (Ảnh: Doãn Tấn).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Uruguay Beatriz Argimon tại Lễ ký thỏa thuận (Ảnh: Doãn Tấn).

Đường lối ngoại giao chủ động này cũng cho thấy vị thế ngoại giao của Việt Nam với Mỹ Latinh có sự khác biệt so với 20 năm trước. Bởi sức mạnh tổng hợp quốc gia của Việt Nam đã được nâng cao so với trước. Minh chứng là: Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới World Bank (21/4/2023), Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 4 Đông Nam Á và 28 thế giới, với kim ngạch thương mại đạt 708 tỷ USD, đứng thứ 22 thế giới, sức mạnh thương hiệu quốc gia đạt 325 tỷ USD, đứng thứ 24 thế giới.

Sự chủ động, tích cực của Việt Nam cũng góp phần giải quyết các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, đó là: giúp đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng cho các nước đang phát triển trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng ở Mỹ Latinh và trên phạm vi toàn cầu; giúp duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, củng cố trật tự quốc tế đa phương và đem lại tiếng nói cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam và Mỹ Latinh; giúp củng cố vai trò Phong trào không liên kết trong nền chính trị thế giới, chống chạy đua vũ trang và chiến tranh hạt nhân; duy trì tự do thương mại và bảo vệ các thể chế kinh tế quốc tế đa phương hiện nay, nhất là WTO; duy trì Ngoại giao vaccine trong phòng chống đại dịch Covid-19 và Ngoại giao khí hậu trong biến đổi khí hậu vì cả Việt Nam và Mỹ Latinh đang bị đe dọa từ hai nguy cơ này; giúp bảo vệ an ninh an toàn tự do hàng hải và luật pháp quốc tế dựa trên Công ước Luật Biển năm 1982, chống chủ nghĩa xét lại lịch sử.

Phóng viên: Thông qua chuyến đi thăm các nước trong khu vực Mỹ Latinh, bà có kỳ vọng gì về việc thúc đẩy quan hệ lập pháp, nghị viện và thúc đẩy ngoại giao giữa Việt Nam với khu vực này khi mà tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay?

TS.Lộc Thị Thủy: Theo tôi, thúc đẩy quan hệ lập pháp, nghị viện và thúc đẩy ngoại giao ổn định, hiệu quả giữa Việt Nam với các nước Mỹ Latinh về lập pháp, nghị viện trước các biến động của tình hình quốc tế và khu vực, cần có một số biện pháp sau:

Một là: Việt Nam và các nước Mỹ Latinh cần tăng cường các chuyến thăm hữu nghị của lãnh đạo cấp cao hai bên, nhất là Chủ tịch Quốc hội với Chủ tịch Thượng và Hạ viện. Bởi hoạt động ngoại giao Quốc hội vẫn còn hạn chế trong quan hệ song phương giữa hai bên trong 20 năm qua. Điều này, giúp cho các hoạt động trao đổi lập pháp, nghị viện, giao lưu nhân dân giữa hai bên bị hạn chế, hai bên chưa hiểu hết về lập trường, quan điểm của nhau về các vấn đề quốc tế, khu vực và lợi ích quốc gia của mỗi nước và chưa hiểu hết được nguyện vọng của nhân dân mỗi nước về các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Uruguay với chủ đề “Việt Nam – Những sắc màu”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Uruguay với chủ đề “Việt Nam – Những sắc màu”.

Hai là: Việt Nam cần thúc đẩy, tăng cường phối hợp với Liên minh Nghị Viện AIPA. Đây chính là cầu nối để thúc đẩy quan hệ với Quốc hội của các tổ chức ở Mỹ Latinh như: ALBA, CELAC, giúp quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh phát triển thực chất hơn, khai thác những lợi thế mà hai bên có được với nhau về chính trị, kinh tế, đầu tư song phương.

Ba là: Việt Nam cần phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới IPU để hình thành lên diễn đàn quốc hội Việt Nam-ASEAN -Mỹ Latinh. Điều này, giúp các nước đang phát triển có tiếng nói quan trọng hơn trong các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới.

Bốn là: Phối hợp chính sách với Quốc hội các nước Mỹ Latinh trong các vấn đề liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng. Bởi Theo Báo cáo của CEPAL (4/2023), suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã góp phần làm gia tăng khó khăn cho người dân Mỹ Latinh khi khu vực này có tới 45%/655 triệu dân sống ở mức nghèo khổ và thiếu đói. Còn Việt Nam vẫn là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất lương thực. Đo đó, thông qua Quốc hội, Việt Nam có thể giúp các nước Mỹ Latinh giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực.

Năm là: Phối hợp trao đổi với các nước Mỹ Latinh về xây dựng luật pháp dựa trên tiêu chuẩn “Luật pháp phải phục vụ lợi ích của người dân và lấy người dân là trung tâm” chứ không phải phục vụ cho lợi ích nhóm, nhất là nhóm tư bản. Điều này, làm cho các nước Mỹ Latinh lại rơi vào bất ổn xã hội và chuyển hóa thể chế từ “cánh tả” sang “Cánh hữu” như giai đoạn 2014-2018.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75423