TS. Lê Xuân Nghĩa: Xóa bỏ chênh lệch giá vàng phải bằng biện pháp thương mại

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Giải pháp căn cơ nhất để xóa bỏ chênh lệch cao vô lý giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn là cho phép nhập khẩu vàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lâu nay, có hai vấn đề hay được nhắc tới thị trường vàng là: vàng hóa và chênh lệch cao bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Hiện nay, công tác chống vàng hóa đã được thực hiện thành công vì Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng).

“Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên vàng hóa đã kết thúc”, ông Nghĩa khẳng định.

Dù vậy, vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng cao đến mức phi lý, đến nay vẫn rất nhức nhối. Căn nguyên của tình trạng này là từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn lên tới khoảng 55 tấn mỗi năm (theo Hội đồng Vàng thế giới).

“Xóa bỏ chênh lệch phi lý của vàng trong nước và thế giới cần biện pháp thương mại, không phải là biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng. Đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng. Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng. Chỉ cần như vậy là đủ”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Cũng theo chuyên gia này, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.

“Phải lưu ý rằng, trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, ông Nghĩa kiến nghị.

Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, chuyên gia này cho rằng, những năm qua, cung vàng trong nước được đáp ứng bởi vàng nhập lậu (do không được nhập khẩu chính thức). Vàng nhập lậu đương nhiên cũng phải sử dụng đến nguồn ngoại tệ trong nước, trong khi nhà nước thất thu thuế.

Mặt khác, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.

Lý giải về nguyên nhân giá vàng thế giới tăng phi mã thời gian qua, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra nên tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ts-le-xuan-nghia-xoa-bo-chenh-lech-gia-vang-phai-bang-bien-phap-thuong-mai-d213124.html