TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Đà Lạt nên để 'danh hiệu' di sản tự đến, đừng chạy theo!

Ranh giới khu trung tâm lịch sử đang đề xuất không xứng tầm với đô thị di sản Đà Lạt, không nói lên được nhu cầu quy hoạch bảo tồn để phát huy ba giá trị cốt lõi của khu trung tâm di sản.

Như Người Đô Thị đã thông tin trong bài viết Đà Lạt không dễ trở thành “Thành phố di sản thế giới”!, Lâm Đồng đang quyết tâm hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục có liên quan trình UNESCO công nhận Đà Lạt là “Thành phố di sản thế giới”, để UBND tỉnh Lâm Đồng công bố trước bạn bè quốc tế trong tháng 9.2025.

Tuy nhiên, diễn tiến sau đó, văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội cho biết Đà Lạt chưa có di sản được ghi tên trong danh sách di sản thế giới của UNESCO. Điều đó cũng đồng nghĩa hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận Đà Lạt là thành phố di sản thế giới còn rất nhiều thách thức.

Một trong 10 công trình chính trong vùng lõi đề xuất di sản được Đà Lạt xác định là Đồi Cù. Trong ảnh: Mặt tiền công trình nhà hàng, khách sạn đang thi công không có giấy phép xây dựng bên trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt chắn gần hết tầm nhìn từ hồ Xuân Hương về núi Langbiang, đã gây bức xúc dư luận. Ảnh: Mai Vinh

Bên cạnh đó, trên cơ sở lựa chọn hai tiêu chí của UNESCO để xây dựng hồ sơ công nhận Đà Lạt là thành phố di sản văn hóa thế giới:

1.2. Biểu hiện sự giao lưu các giá trị của con người, trong một thời gian dài hoặc trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những bước phát triển trong kiến trúc, nghệ thuật tượng đài hoặc quy hoạch thành phố và thiết kế cảnh quan;

1.4. Là một mẫu hình nổi bật của một loại công trình xây dựng hoặc quần thể kiến trúc hay cảnh quan minh họa cho một (các) giai đoạn trong lịch sử loài người;

Đà Lạt cũng đã xác định phạm vi khu vực các công trình chính đề xuất di sản (vùng lõi) 153 ha, xuất phát từ cầu Ông Đạo đi ngược chiều kim đồng hồ lần lượt như sau:

Ranh giới phía nam công viên hồ Xuân Hương, đường Hồ Tùng Mậu, ranh giới phía bắc Trung tâm Viễn thông Lâm Đồng, ranh giới phía tây và nam của Nhà thờ Chánh tòa (Nhà thờ Con Gà), đường Nhà Chung, ranh giới phía nam và đông của Khách sạn Du Parc, đường Trần Phú, ranh giới phía đông Khách sạn Palace, đường Hồ Tùng Mậu, đường nội bộ phía nam Quảng trường Lâm Viên, đường nội bộ Công viên Yersin phía nam hồ lắng số 2, đường Phạm Hồng Thái, ranh giới phía đông Khách sạn Công Đoàn, đường Trần Quốc Toản, đường Trần Nhân Tông, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Trần Quốc Toản về lại cầu Ông Đạo.

Sơ đồ Đà Lạt đề xuất vùng chính di sản khoảng 153 ha (trích từ văn bản của UBND thành phố Đà Lạt)

Có 10 công trình chính thuộc vùng lõi: hồ lớn - hồ Xuân Hương, Đồi Cù, đập - cầu Ông Đạo, Thủy tạ, Khách sạn Palace, Trung tâm Viễn thông Lâm Đồng, Khách sạn Du Parc, Nhà thờ Con Gà, Quảng trường Lâm Viên và Công viên Yersin, Khách sạn Công Đoàn.

Có 26 địa điểm phụ đề xuất di sản: Trung tâm Hành chính Chính phủ Nam kỳ - Dinh Thống đốc Nam kỳ (trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng), Dinh II, cụm biệt thự đường Trần Hưng Đạo, Dinh Nam Phương hoàng hậu (Bảo tàng Lâm Đồng), Trường nữ tu dòng Franciscaine (Trường Đại học Kiến trúc Đà Lạt), Biệt thự Phi Ánh, Dinh I, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Ga xe lửa, Sở Địa dư Đông Dương (Nhà Địa dư), Trường Cao đẳng Sư phạm, Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện Pio X (Cung Thiếu nhi), Chùa Linh Sơn, Chợ Đà Lạt, Nhà thờ Domaine de Marie, Biệt thự Trần Lệ Xuân, khu 17 biệt thự Lê Lai (quần thể Ana Mandara), Nhà thờ Cam Ly, Trường Tu nữ, Viện Pasteur, Dinh III, Tu viện Dòng Chúa Cứu thế (Viện Sinh học Đà Lạt), Chùa Tàu, Nhà thờ Cao Đài.

Sơ đồ Đà Lạt đề xuất các điểm - vị trí di sản (trích từ văn bản của UBND thành phố Đà Lạt)

Ngày 21.1.2024, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã có ý kiến bổ sung cho bài viết Đà Lạt không dễ trở thành “Thành phố di sản thế giới”!. Theo ông Sơn, bài viết đã nêu lên nhiều luận điểm rất đúng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vài ý trọng tâm của vấn đề.

Ông Sơn cho rằng, với cách nhìn hạn hẹp của hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận Đà Lạt là thành phố di sản thế giới hiện nay, Đà Lạt không thể được ghi tên trong danh sách di sản thế giới của UNESCO đã đành, mà còn chưa xứng được ghi tên trong danh sách “đô thị di sản của Việt Nam”, ngang tầm với Huế và Hội An.

“Tuy nhiên, các “danh hiệu” chỉ là phụ, đừng nên chạy theo nó! Sau khi làm tốt thực chất cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc di sản, các “danh hiệu” tự nó sẽ đến một cách tự nhiên!”, ông Sơn nói.

TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn trong một cuộc trò chuyện với Người Đô Thị. Ảnh: Trung Dũng

Đi kèm với bản điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt sắp tới, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn góp ý Đà Lạt vẫn cần thực hiện song song riêng cho một bản quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang khu vực nội thành, bao gồm giải pháp ứng xử và quản lý đối với tất cả những công trình di sản còn tồn tại và khu vực giáp ranh xung quanh và không gian hoạt động sinh hoạt của cộng đồng trong đó.

“Chỉ có như vậy mới mong bảo tồn được các giá trị di sản vật thể và phi vật thể, di sản quy hoạch kiến trúc và di sản thiên nhiên còn sót lại!”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đối với ranh giới khu trung tâm lịch sử đang đề xuất, theo TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, không xứng tầm với đô thị di sản Đà Lạt, không nói lên được nhu cầu quy hoạch bảo tồn để phát huy ba giá trị cốt lõi của khu trung tâm di sản, bao gồm khu trung tâm lịch sử phố Pháp, khu trung tâm lịch sử phố Việt, và hai trục cảnh quan chính của khu trung tâm di sản là Suối Cam Ly - Hồ Xuân Hương – Núi Langbiang.

“Các sinh hoạt mang bản sắc đặc thù của không gian di sản của Đà Lạt vẫn chưa được nghiên cứu sâu để phát huy trong kế hoạch bảo tồn”, ông Sơn nhận xét.

Sau hơn bốn năm Người Đô Thị và một số báo đài phản biện mạnh mẽ, UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 10.11.2023 đã có văn bản kết luận chưa xem xét thông qua nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, đồng thời chỉ đạo Đà Lạt cân nhắc đề xuất một khối công trình quy mô lớn ở vị trí đồi Dinh Tỉnh trưởng - một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910). Ảnh: Hải Long

Trong diễn biến liên quan, sau khi UBND thành phố Đà Lạt có báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 7.12.2023 về các nội dung liên quan đến thực hiện hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận Đà Lạt là thành phố di sản thế giới, trong đó có tiến độ triển khai hồ sơ dự kiến phải đến tháng 1.2026 Đà Lạt mới tiến tới những bước cuối cùng của quy trình, ngày 27.12.2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi UBND thành phố Đà Lạt đề nghị:

Tiếp tục căn cứ Hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tham vấn của các chuyên gia để thực hiện các quy trình, thủ tục lập hồ sơ theo quy định, để công tác triển khai thực hiện đề xuất “Thành phố Đà Lạt tham gia chương trình di sản thế giới" đúng quy định và đảm bảo tiến độ.

Hoàng Phạm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ts-kts-ngo-viet-nam-son-da-lat-nen-de-danh-hieu-di-san-tu-den-dung-chay-theo-42452.html