TS Đặng Kim Sơn: 'Người cầm đèn chạy trước ô tô'?

'Tôi đã từng nói trong một cuộc họp Chi ủy: Bộ đem tôi về là để thay đổi mọi thứ ở đây. Tôi sẽ thực hiện hết quyền của mình chừng nào còn là Viện trưởng...'. TS Đặng Kim Sơn kể.

Lời giới thiệu

Năm 2005, Tòa soạn VietNamNet thành lập một Phóng sự - Ký sự; Thư Hà Nội; Bàn tròn trực tuyến. Thực hiện sứ mệnh định hình bản sắc 1 tờ báo chính luận, nhóm đã triển khai tuyến bài viết về những cá nhân, những mô hình tiên phong đổi mới trong mọi lĩnh vực đời sống. Bài viết “Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Người cầm đèn chạy trước ô tô” (Tác giả Lương Bích Ngọc – Lê Nhung – Lê Anh Dũng) ra đời trong bối cảnh như vậy. Ít ai biết, đề cương tuyến bài lên tới…. 3 kỳ. Nhưng kỳ cuối cùng mãi mãi không được lên sóng. Lí do là bởi, sau hai kỳ đầu tiên, những chia sẻ thẳng thắn, “đụng chạm” tới chính sách của TS Đặng Kim Sơn đã gây nên hiệu ứng bùng nổ trong các cơ quan viện nghiên cứu nói chung và trong ngành dọc nông nghiệp nói riêng. Nên TS Đặng Kim Sơn có lời “khất” chúng tôi, cứ để ông tĩnh lặng làm việc, bao giờ hoạt động hiệu quả, ông sẽ trả lời phỏng vấn nốt.

Gần 20 năm đã đi qua, câu chuyện mà TS Đặng Kim Sơn trăn trở về việc các “đề tài nghiên cứu khoa học” vẫn chưa theo kịp yêu cầu nóng hỏi của thời cuộc vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

-----------

Sau vài ba dịp qua lại, ngó nghiêng, nghe ngóng, sau vài ba cuộc lục vấn "thẳng ruột ngựa" với chủ nhân mới của Viện Kinh tế nông nghiệp - TS. Đặng Kim Sơn, người "có 50% người ưa và 50% kẻ ghét" (chữ dùng của ông Sơn) - chúng tôi thấy ở đây đang có những câu chuyện... không bình thường.

TS Đặng Kim Sơn

Có một lý do để chúng tôi không e dè khi ghi lại chuyện của ông TS "Tây học" - người quá nhiều lần "bất hòa với cơ chế" và thường hay "cầm đèn chạy trước ô tô" - là thông điệp: "Cần có khoán 10 trong nghiên cứu khoa học" từ bài nói chuyện của Thủ tướng Phan Văn Khải với giới khoa học cuối tuần rồi.

Và, thêm nữa: Cách đây hơn nửa tháng, tại một cuộc Tọa đàm về Nghiên cứu và đào tạo chính sách công của giới khoa học Việt Nam và đồng nghiệp quốc tế diễn ra tại Hà Nội, đã có không ít lời phàn nàn về tính không khoa học của tình hình nghiên cứu chính sách tại Việt Nam mà điểm nổi rõ nhất là "Cung không gặp cầu". Mười ngày trước, lại được đọc một thông báo của Bộ NN&PTNT về việc sắp xếp lại các Viện, các trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ...

Có vẻ như đang có một sự chuyển động nào đó xung quanh giới khoa học, nhất là các nhà nghiên cứu chính sách để những ý tưởng, những việc làm của họ gần hơn với "đơn đặt hàng" của các cấp quản lý và người dân.

"Công trường"...

Ở giữa phố Nguyễn Công Trứ, nơi còn rất nhiều những cây cổ thụ um tùm lá, có một tấm biển dễ khiến người ta nhớ lại thời bao cấp: "Khu Liên cơ". Viện Kinh tế nông nghiệp - mà bây giờ sắp có tên mới là "Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược nông nghiệp", trực thuộc Bộ NN&PTNT - nằm phía trong chỉ giới của tấm biển.

Bước qua thanh barie nghiêm nghị, qua cái sân rộng với dăm ba cây lưu niên đáng kính, đi gần hết hành lang tầng 1 dài hun hút, chúng tôi được chỉ dẫn: "Lên tầng hai, Viện của ông Sơn ở đó".

Cầu thang. Đá ganito. Nhiều bụi. Vách tưòng xù xì. Vắng vẻ. Như bất kỳ hình dung mặc định về các Viện nghiên cứu. Lại hốt hoảng giữa cái hành lang hun hút với rất nhiều căn phòng khóa ngoài hoặc chỉ có mấy cái máy móc cơ khí to đùng mà không có người.

Lối rẽ vào "Viện của ông Sơn" gây cảm giác đột ngột vì nó có không khí không giống ai trong không gian của Khu liên cơ.

Sự không giống ai chính là ở những tấm biển ghi tên phòng, ban được trình bày mạch lạc nhưng giản dị, ở những vách ngăn bằng nhôm, kính và những chiếc bàn làm việc xinh xắn được trang bị máy tính hiện đại... đã "chặt đứt" được sự hốt hoảng của khách hiếu kỳ.

Dãy hành lang tầng 2 suốt tuần nay nhộn nhịp khác thường. Gạch ngói, đất cát và vôi vữa ngổn ngang ngay giữa lối đi. Thợ xây, thợ hồ hối hả đi lại. Anh Thắng, cán bộ Viện cho biết, Viện đang sửa chữa lại các phòng cũ bị hư hỏng.

Nhiều cán bộ của Viện hối hả lên xuống giữa tầng hai, tầng ba, rồi chạy qua lại giữa phòng nọ, phòng kia, trong đó, có một số gương mặt không giấu được sự bồn chồn.

Cũng ngổn ngang và bề bộn như một công trình xây dựng dang dở, trên hành lang tầng 3, mọi người tấp nập đi lại, khệ nệ mang vác những thùng tài liệu đủ kích cỡ. Hôm nay là ngày sắp xếp lại kho tư liệu. Vừa tiếp chuyện khách, anh Minh, cán bộ Viện vừa tranh thủ ký giấy tờ, sổ sách. Anh nói: "Từ ngày ông Sơn về đây, những người làm nghiên cứu đã phải bổ sung vào kho tư liệu cũ kỹ, ẩm mốc rất nhiều sách vở mới".

Buổi trưa. Giấc ngủ của một số thanh niên trong Viện ở Hội trường tầng 2 ngổn ngang bàn ghế, tivi và những thùng giấy đựng máy tính bị phá vỡ bởi những cuộc "đột kích". Ngày nào cũng có chuyên gia nước ngoài đến làm việc, do thiếu phòng nên mỗi cán bộ lại kéo khách của mình ngồi ghé sang hội trường.

Trong buổi chiều hôm ấy, giữa lúc chúng tôi đang trò chuyện với một cán bộ trẻ tên Diệu, có tới 4 nhóm chuyên gia thảo luận công việc với nhau ở 4 góc hội trường. Dường như cả khách và chủ đều đã quen với cách làm việc như vậy. Chỉ có những anh chàng thợ xây đang vận chuyển vữa ngoài hành lang là tò mò, ngạc nhiên, thỉnh thoảng lại liếc trộm.

Chiều muộn, trong một căn phòng rộng không đầy 20m2 ở tầng 2, giữa máy tính ngổn ngang, mọi người đang túm tụm quanh một chiếc bàn trung tâm say sưa thảo luận về chuyện sang Pháp hay học ở Hà Lan tốt hơn. Đó cũng là bữa tiệc tiễn một chị trong phòng ngày mai lên đường sang Pháp học Master.

Mọi người nói là, rồi sẽ có nhiều nữa những cuộc đưa tiễn như thế này.

...Văn phòng của ông Viện trưởng trông xinh xắn và sinh động, hơi giống "Office" của các cơ quan có yếu tố nước ngoài. Cách lên lịch làm việc với khách, cách trả lời câu hỏi của ông Viện trưởng cũng ngăn nắp, từa tựa như chính căn phòng và bàn làm việc của ông.

"Trước tôi, có hai Viện trưởng bị đi tù"

Hôm đầu, sau lời chào nhau, TS Đặng Kim Sơn đã "khoe": "Viện sắp được đổi tên từ Viện Kinh tế nông nghiệp thành Viện Chiến lược chính sách rồi, có nghĩa là chức năng của Viện sẽ rõ ràng và mới mẻ hơn. Mà cả cơ cấu các Viện của Bộ cũng đang được thay đổi cả loạt rồi. Từ 29 Viện và Trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ đã gom lại thành 16. Mà này, tớ chờ mãi cái tên mới của Viện đấy nhé, có nó mới bắt tay làm được một số việc", ông hồ hởi.

Ít nhất là chúng tôi, trước khi biết TS. Đặng Kim Sơn về đây, đã không hề biết có một cái Viện tên là “Viện Kinh tế nông nghiệp” đã từng tồn tại trên cõi đời này 30 năm. Nghe kể rằng, tiền nhiệm của ông Sơn là hai Viện trưởng bị đi tù. Còn một người mới nhất – không dính vòng lao lý vì là Cục trưởng kiêm nhiệm.

“Người ta nói đã ngồi ở đây, một là "kiêm", hai là sẽ đi tù. 2 giám đốc đã bị đi tù, 1 người bị cho là cố ý làm trái quy định. Tuy không biết rõ lắm nhưng tôi cho rằng đây là một người năng động. Ông ta đã vượt rào đi buôn. Mà hồi đó người ta cấm ngặt chuyện buôn bán.

Còn ông thứ 2, nghe nói là bị kết tội tham ô mặc dù chỉ biển thủ đâu khoảng vài ba chục triệu khi được giao một dự án xóa đói giảm nghèo”.

Bằng cái giọng tưng tửng, tỉnh queo như vốn có, ông Sơn kể.

... Nguyên nhân vì sao có sự trì trệ như thế ư? Vì hai bên đều đổ lỗi cho nhau, phía Viện thì cho rằng Nhà nước không chú ý trong khi các Viện khác, trang thiết bị hiện đại và đẹp. Lãnh đạo cấp trên lại bảo “Viện này yếu nên không muốn đầu tư”.

Viện Kinh tế nông nghiệp hồi đó không mấy người làm nghiên cứu. Nhà nước cho rằng như thế là "anh" làm không tốt. Nhưng thẳng thắn mà nói, vào thời điểm cách đây 15-20 năm, đâu cần phải nghiên cứu kinh tế và chính sách làm gì. Chính sách cũng từ thực tiễn, từ trong nhân dân mà ra. Ví dụ như khoán 10, chỉ thị 100, dân được "cởi trói" nên bung ra. Nhà nước nâng nó lên thành chính sách chứ không phải là "thành tích" nghiên cứu chính sách của các nhà khoa học.

Hồi đó, cán bộ thiếu, kém và đói. Công cụ nghiên cứu về chính sách cho cán bộ khoa học rất lạc hậu. Nếu là kỹ thuật nông nghiêp, đối tượng để nghiên cứu thì dù ở Mỹ hay ở Liên Xô cũng đều là máy, giống, con vật... Nhưng khi nghiên cứu về kinh tế thì khác hẳn: Nghiên cứu kinh tế Liên Xô thì đi theo cơ chế kế hoạch, nghiên cứu kinh tế các nước thị trường thì đi theo kinh tế thị trường. Vì vậy khi nước mình chuyển sang kinh tế thị trường thì mô hình nghiên cứu hiển nhiên là bị lạc hậu.

Trước kia, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, khi còn là Bộ trưởng - có lần nói với tôi, có 2 nơi trong Bộ không bao giờ ông đặt chân đến: Một là Trung tâm Thông tin, hai là Viện Kinh tế Nông nghiệp vì khi cần tham mưu ý kiến, ông hỏi gì cũng đều không được trả lời đúng ý.

Cả hai nơi mà bácTạn không hề đến ấy, tôi đều được nếm trải. Cả hai nơi, khi tôi về đều chưa hề có internet, chưa có mạng Lan, máy tính hỏng cả đống và nhiều cán bộ vẫn giữ thói quen làm việc cũ kỹ.

Không nhiều người "welcome" tôi đến đây

- Khi về đây, anh được "đón tiếp" như thế nào?

- Đón tôi về đây là các bạn trong Đoàn Thanh niên, họ lên Bộ đón tôi xuống. Việc đầu tiên khi về đây là tôi tự tìm cho mình một chỗ để ngồi, bằng cách ngăn phòng hội trường ra.

Tuy không ai nói ra cụ thể nhưng hình như lãnh đạo các phòng ban, trung tâm trong Viện có vẻ không nồng hậu lắm khi biết tôi về đây. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên trước sự nghi ngờ đó của họ. 30 năm với bao nhiêu lời hứa. Họ đã quá mệt mỏi vì chờ đợi. Bao nhiêu người đến để rồi đi, vẫn không giải quyết được gì. Họ cạn kiệt niềm tin bởi cho rằng sẽ không còn ai có thể tạo ra một sự thay đổi nào khác nữa. Nhưng với tôi, điều ấy không sao. Lâu nay, tôi đã là người không được "welcome" ở tất cả mọi nơi rồi.

"Đi đâu, tôi cũng đem theo nhóm người của mình"

Như mọi lần từ biệt chỗ cũ và sang nơi mới trước đó, TS. Đặng Kim Sơn đem theo một nhóm 10 nhân viên cũ mà anh thường dành cho họ một tên gọi rất đặc biệt là "bọn trẻ con nhà mình". Điều đặc biệt hơn là anh không những không giấu giếm mà còn rất tự hào về chuyện này.

"Mỗi lần thay đổi chỗ làm, tôi sẵn sàng để lại trang thiết bị làm việc cho người kế nhiệm - điều đó hợp với đạo lý của người Việt Nam dù rằng các chủ dự án mà tôi hợp tác và họ đầu tư cho tôi mua sắm có thể không thích - nhưng dứt khoát đi đâu tôi cũng mang theo người làm việc. Điều quan trọng với tôi là con người. Nếu không có họ, tôi không đủ tự tin để bắt đầu ở nơi mới".

- Anh nói thế nào với những người cũ về việc đem theo ê kíp của mình?

- Nói chung, những người cũ ở Viện cũng không phản ứng gì trước việc tôi đưa theo ê kíp của mình dù rằng điều đó ban đầu khiến cho nơi làm việc bị chật chội hơn một chút.

Điều quan trọng là Bộ cũng cho phép tôi làm điều đó.

Trước kia, khi tôi sang bên Trung tâm thông tin, tôi cũng đem theo 10 người và tôi đã từng bị phê bình, bị kéo dài việc cắt "Q" (chữ "quyền" trước chức danh Giám đốc Trung tâm thông tin thuộc Bộ NN&PTNT, công việc cũ trước khi TS. Đặng Kim Sơn nhận chức danh Viện trưởng ở đây) vì ký hợp đồng thuê ngoài, vì làm dự án bên ngoài. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi đã tìm cách "nuôi" được các cán bộ trẻ đó một cách tốt nhất để họ cống hiến hết khả năng của mình.

...Sau khi lo "chỗ ngồi" cho mình, ông Viện trưởng mới bắt đầu công việc cải tạo, sửa chữa những phòng làm việc "nóng như lò lửa". Xong máy lạnh, đến máy tính, lo nguồn trả tiền điện...

"Trang bị đó cũng chật vật lắm nhưng không khó bằng thay đổi cách làm việc... Đó thực sự là một cuộc chiến đấu cam go, nó tiêu tốn của tôi rất nhiều trí lực và thời gian".

Từ khi ông Sơn nhậm chức ở đây, mới hơn nửa năm, đã có 7 người ở cương vị trưởng, phó phòng rời "chỗ ngồi" cũ mà hiện tại ông Sơn không bị "đơn kiện" nào lên cấp trên. Ở đây đang có gần chục vị trí bỏ ngỏ để chờ đón những gương mặt mới hoàn toàn theo "tiêu chuẩn đo lường mới" của một Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách về nông nghiệp....

Cách mà tân Viện trưởng Đặng Kim Sơn "đối đầu" và cải tổ phương thức, thái độ làm làm việc cũ kỹ, lỗi thời đã từng tồn tại 30 năm ở Viện kinh tế nông nghiệp và thái độ ứng xử của ông trước những áp lực sẽ là nội dung chính trong phần viết kỳ sau.

...Cuối buổi nói chuyện sau đó, có một câu hỏi khiến cả người hỏi, người nghe đều thấy buồn buồn: "Nếu chỉ vài bữa nữa, nhận được một cuộc điện thoại từ một nơi nào đó: "Ông Sơn đang làm gì vậy, thôi ngay đi" thì ông sẽ ứng xử thế nào?

Nhưng rồi, TS. Sơn vẫn cười, nụ cười bình thản: "Trong một cuộc họp chi ủy, tôi đã từng nói rằng: Bộ đem tôi về là để thay đổi mọi thứ ở đây. Tôi sẽ thực hiện hết quyền của mình chừng nào còn là Viện trưởng...".

Im lặng?

Có vẻ như ông biết rất rõ mình đang làm gì và chấp nhận những gì có thể tới. Biết đâu, cái gánh nhẹ hơn, ông lại thấy mình vô vị? Trên đời này, có những người không thích người khác dọn cỗ sẵn cho mình?

Hồi mới về, nhìn tên các đề tài nghiên cứu tôi đã cảm thấy đa số đều có xu hướng làm để kiếm tiền...", ông kể.

Cuộc nói chuyện của tân Viện trưởng Đặng Kim Sơn với các đồng nghiệp của mình sau đó có lẽ cũng khiến 50% "kẻ yêu, người ghét": "Chúng ta ăn cơm dân, mặc áo dân, muốn cho tất cả các đề tài này sống được thì tự nó phải có chất lượng. Nhà nước đang tiến hành thẩm tra tất cả các đề tài xem có đạt chất lượng không bằng cách thành lập một hội đồng tư vấn độc lập để tổ chức nghiệm thu đề tài. Khi chấm điểm cứ là "án tại hồ sơ". Nếu đề tài của ai không có chất lượng thì phải tự chịu lấy hậu quả. Vậy thì chúng ta sẽ phải tự thẩm tra mình trước".

Không thấy ai nói: "Đồng ý", cũng không ai nói: "Tôi không đồng ý". Thật không dễ chịu chút nào.

Đặng Kim Sơn "bước" tiếp: Thành lập Hội đồng tư vấn độc lập mà trong đó có yêu cầu bắt buộc là "Người được mời tư vấn phải giỏi hơn hẳn Viện trưởng và những người làm đề tài về lĩnh vực chuyên ngành" và 50% thành phần tư vấn là người ở bên ngoài Bộ.

Công việc đầu tiên của Hội đồng tư vấn là: chấm lại để chỉ ra chỗ này, chỗ kia "chưa được" trong kế hoạch thực hiện nghiên cứu của các chủ trì đề tài.

"Điều tra thực địa không phải là để giải ngân"

"Trước khi các đoàn đi điều tra thực địa, chúng tôi hỏi về phiếu điều tra. Thường thì, từ trước tới giờ người điều tra chỉ "tung" câu hỏi, thấy đủ số lượng phiếu trả lời rồi thì về. Nhiều khi chỉ là để tranh thủ thanh toán vé tàu, vé xe, để giải ngân là chính...".

Rồi ông kể tiếp về các bước làm mới "quy trình làm đề tài nghiên cứu" của các cán bộ khoa học từ khâu làm phiếu điều tra đến xây dựng khung phân tích và làm tổng quan... "Xem lại bảng đánh giá, tôi rất buồn khi nhận ra rằng có đề tài thậm chí không hề rõ khái niệm về "phân tích" mặc dù chủ đề tài có đủ bằng cấp này nọ...".

Thế rồi, ông có thở dài chịu thua không?

- Đề tài của ai yếu ở khâu nào, tôi cố mời chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đó đến cùng giúp xây dựng lại đề cương, nếu cần thì tập huấn cho cả nhóm nghiên cứu. Quá trình đó rất phức tạp. Có lẽ cũng chẳng mấy ai "vui" khi bị "hành" như vậy nhưng cũng không thấy phản ứng gì, bởi ít nhất có lẽ mọi người cũng đồng lòng với tôi là cần làm nhiều hơn để đề tài của họ được nghiệm thu tốt.

Trong quá trình kiểm tra đề tài, tôi cũng làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng người một. Xét về khung phân tích đề tài là trách nhiệm của phòng khoa học và chuyên gia độc lập. Kiểm tra tiến độ là việc của ông trưởng bộ môn, làm tổ chức và chất lượng nghiên cứu là ông chủ đề tài. Nếu sau này khi chấm, sai chỗ nào, khâu ấy phải chịu.

Thế lỡ ra khi chấm nghiệm thu đề tài, cấp trên không những không khắt khe mà còn xuê xoa, thì năm sau anh lấy cái gì để..."dọa" người ta?

Ông ngập ngừng rồi trả lời:

- Tôi tin rằng, cuối năm nay, khi chấm đề tài, ở trên cũng đổi mới đồng bộ như chúng tôi dưới này. Theo nghị định 115, các đề tài sẽ được khoán và việc chấm sẽ được giao cho chuyên gia độc lập.

Hoặc là thay đổi, hoặc là không tồn tại!

Tất nhiên, cũng có lúc thấy anh em có ý nản, tôi bèn kể với họ về những hợp đồng mời thầu của quốc tế dành cho Việt Nam. Ít nhất hiện nay có 4 tổ chức quốc tế có quỹ cho nghiên cứu chính sách (Nhật, Úc, Pháp, Thụy Điển... Quỹ của Bộ khoa học có, của Hội kỹ thuật có, tóm lại rất nhiều). Có nghĩa là, chỉ cần tất cả vươn lên, mọi người sẽ có những cơ hội mới.

Chúng tôi đưa anh em đi dự các hội thảo quốc tế và mời các lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế đến nói chuyện để anh em hiểu yêu cầu đã cụ thể, đã cao như thế nào, không còn là chuyện vẽ vời nữa. Theo nghị định mới, sắp tới các đề tài sẽ được chuyển sang đấu thầu hết.

Viện cũng sắp đổi tên thành Viện chính sách chiến lược đến nơi rồi. Bên cạnh khối lượng tiền đầu tư lớn thì cũng kèm theo rất nhiều áp lực. Nếu mọi người không thay đổi, sẽ không ai tồn tại nổi trước những đòi hỏi và thách thức mới. Mà những đòi hỏi và thách thức đó không phải là những thứ người nào "vẽ" ra. Sau đó, nhiều anh em đã tham gia các khóa học ngoại ngữ, vi tính.

Sự im lặng "không dễ chịu" có vẻ như đang tan dần ra trong cái không gian này.

Trung tâm xuất sắc?

Câu chuyện thu hút nhân tài là quyết định quan trọng cho việc cải tổ Viện. Quan niệm rằng phải có những đầu tàu mới đưa được Viện đi nhanh và đi xa nên tôi đang xin Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thành lập một Trung tâm xuất sắc và mọi việc diễn ra thuận lợi.

Tôi quan niệm Trung tâm đó phải hội đủ ba yếu tố: Thứ nhất phải tập hợp những người cực giỏi. Mà thế nào là người cực giỏi? Ví dụ, là thủ khoa, hoặc tốt nghiệp các trường nổi tiếng trên thế giới. Thứ hai, phải được đối xử đặc biệt theo một quy chế đặc biệt. Thứ ba, họ phải có những quyền đặc biệt trong nghiên cứu và đào tạo.

Họ sẽ được đãi ngộ rất tốt, cạnh tranh được với các tổ chức quốc tế? Chúng tôi sẽ lấy đơn đặt hàng để nuôi trung tâm đó. Việc tuyển người sẽ diễn ra công khai. Họ sẽ được làm thử một thời gian. Chúng tôi sẽ chọn khoảng 5 Doctor và 15 Master. Nhóm đó sẽ toàn quyền tác chiến. "Anh" Doctor sẽ là mũi nhọn, Master là các nhánh tác chiến.

Thẩm định... nhân viên theo tiêu chuẩn ISO?

Đó là các vị trí chủ chốt? Còn phần đông các nhân viên trong Viện, anh sắp xếp lại như thế nào?

- Trưởng phòng nào mới đến cũng sẽ đặt ra cho tôi câu hỏi là, "Chúng tôi sẽ phải sắp xếp nhân viên trong phòng như thế nào đây?". Làm thế nào để nói với người ta là "anh không làm được việc?"

Viện tôi chọn giải pháp thuê một công ty tư vấn chuyên làm chứng chỉ quản lý ISO đến để thẩm định đồng loạt nhân viên. Việc đầu tiên là chúng tôi cho họ biết từng bộ phận phải làm những việc gì? Họ sẽ giúp chúng tôi vạch ra quy trình công nghệ, các bước tiến hành từng công việc cụ thể như thế nào? Và từng người ở các vị trí cụ thể để làm được công việc của mình thì đòi hỏi phải có những kỹ năng gì. Đã đạt yêu cầu về kỹ năng đó hay chưa?

Người nào chưa đáp ứng nổi thì sẽ được gửi đi để học việc. Có thể sẽ có những người không thể làm được bất kỳ việc gì mà lại cũng không thể đào tạo được. (Khi đó tự mọi người phải nhận thấy năng lực bản thân so với yêu cầu và rõ ràng là sẽ phải sắp xếp lại).

Đối với những người phải "sắp xếp" ấy thì có hai việc cần phải làm: Thứ nhất là thực hiện đúng tiêu chuẩn chế độ. Nhà nước cho họ cái gì thì phải đảm bảo tối đa cái đó. Thứ hai, những gì mà Nhà nước không cho được nhưng họ thật cần thì cố tạo điều kiện thêm. Ví dụ như Viện đang có một khu nhà để trống lâu rồi mà không ai dám động đến vì sợ bị kiện tụng. Một ngày... đẹp trời nào đó, sẽ có người xắn tay vào thu xếp, để những người mới, họ có nơi ở.

Những người sắp về hưu, tôi thu xếp cho họ ra nước ngoài một chuyến. Những người đã đóng góp lâu năm ở Viện, nếu có con cháu có khả năng gần với mặt bằng chất lượng thì sẽ cố gắng thu xếp, bố trí công việc. Lúc còn ở cơ quan cũ, bao nhiêu cam kết miệng của mình tôi đều cố thực hiện bằng hết. Những điều đã nói thì cố mà làm...

Cũng còn có một mảng việc rất cần người có kinh nghiệm, không hề ngại lăn lộn, va chạm mặc dù họ mới làm quen với công nghệ mới. Đó là mảng phát triển nông thôn. Hiện tôi đã thành lập được 2 trung tâm: trung tâm thông tin và trung tâm tư vấn và mong ước thành lập trung tâm phát triển nông thôn...

"Bộ đưa tôi về là để tạo sự thay đổi"

Nghe đồn là trong một thời gian ngắn, ông đã "đổi" nhiều chức vụ của mọi người dưới quyền? Tại sao vậy? Trước những thay đổi về nhân sự như vậy, liệu ông có đảm bảo là mình khách quan?

- Là vì yêu cầu công việc thôi. Đối với một viện nghiên cứu, đòi hỏi của tôi là các anh em phó, trưởng phòng phải đạt trình độ Master, hoặc tiến sĩ với chất lượng xứng với bằng cấp và yêu cầu của đơn vị.

Tôi tập hợp anh em lại và nói rõ: Trưởng phòng, bộ môn trước hết phải là đầu tàu, chủ động tìm được việc, đi đấu phải thắng thầu cả đề tài Nhà nước và quốc tế. Thắng rồi phải tổ chức được công việc cả chuyên môn và quản lý tiền nong. Tôi hỏi: "Các đồng chí trưởng bộ môn: Ai ở đây có thể làm được điều đó?". Hầu hết lắc đầu. Lại hỏi tiếp: "Các đồng chí có thể thôi không làm trưởng bộ môn nữa được không?" .Tất cả những người ấy đều lớn tuổi hơn tôi.

Người im lặng, người trả lời ngay là "không làm được".

Tôi đưa chủ trương ra ĐH chi bộ và đề nghị: Những vị đang giữ chức trưởng phòng hãy xuống làm phó phòng. Trong Viện giờ đang có 4 bộ môn, 3 phòng trống chỗ. Vừa rồi, lại có thêm 1 phòng và 3 trung tâm nữa.

Nhiều người đã đến nói với tôi là làm như vậy là "liều". Là nên thay đổi từ từ, có người về đến đâu, thay vào đến đó chứ không nên để "trống" hàng loạt các vị trí. "Một tháng không sao, 2 tháng không sao. Nhưng nếu kéo dài 3 tháng mà không ai đến thay thế thì anh em họ sẽ nói gì?". Can ngăn luôn đến từ những người yêu quý tôi.

... Tôi biết lời khuyên đó là rất đúng. Nhưng ở đây, có hai vấn đề: Thứ nhất là phải để "trống" chỗ như thế mới có người dám đến mà "ngồi" vào. Mà Viện này vốn đã nhiều tiếng xấu nên ít người dám đến. Điều thứ hai là tôi tin tưởng hoàn toàn rằng người tốt và giỏi sẽ đến với chúng tôi.

Và tôi đã ký một số quyết định cách chức.

Có ai phản ứng gì trước những quyết định đó không?

- Nhiều người đã phản ứng dữ dội bằng cách nói sau lưng là tôi "ghê gớm". Tôi nói với anh em, rằng đây là quyết tâm của Bộ, đã đến lúc phải đổi mới thực sự!

"Ông có nghĩ là mình 'bạc'?"

Người ta nói "hết quan hoàn dân" - ông có nghĩ mình... bạc?

- Trong cuộc họp nói về việc đổi người mới cho những vị trí, tôi đã kể với những đồng nghiệp của mình câu chuyện sau...

Cách đây hơn 20 năm, khi tôi còn là anh cán bộ trẻ mới ra trường thì nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn còn là thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng Cục Khai hoang. Lúc đó, có một cuộc câu chuyện đã in dấu trong tôi cho mãi đến bây giờ.

"Một hôm có vị khách đến Tổng cục. "Cụ" Tạn chỉ vào người ấy và hỏi "Sơn có biết đây là ai không?". Tôi trả lời là "không" dù rằng có biết. Ông ta trước đây vốn là một quan chức cao, nhưng không tốt, rất không tốt, đã từng một thời "thét ra lửa" nhưng bây giờ đến đây không ai chào..."

Tôi vẫn nhớ rất rõ, lúc đó, thứ trưởng Tạn im lặng một lúc lâu rồi nói thủng thẳng: "Chức quyền không là gì cả, chỉ có con người và tình người mới quan trọng. Người ta đóng một cái dấu thì mình sẽ lên, hạ một cái dấu thì mình xuống. Cái chức là của dân, của nước, không phải là thứ gì có thể cầm theo mà ăn được". Về sau, tôi càng nghiệm rõ điều đó. Tôi còn nghiệm điều ấy từ chính những gì đã nếm trải của cuộc đời mình, gia đình mình.

Khi kể xong, tôi còn nói tiếp thế này: "Lãnh đạo các viện cứ 5 năm sẽ có thể thay đổi một lần. Có thể tôi sẽ bị thay đổi sớm hơn, nhưng không sao cả. Tôi sẽ vẫn làm đến nơi, đến chốn chừng nào tôi còn là Viện trưởng".

Nghe xong, tất cả đều im lặng. Tôi hi vọng là được họ hiểu và chia sẻ.

Ông có nghĩ đến tình huống một ngày nào đó, có người đề nghị chuyển sang một vị trí khác, hoặc yêu cầu dừng lộ trình lại? Nếu điều đó xảy ra, ông có nuối tiếc về những gì mình đã làm?

- Trước kia, anh em thường có thói quen sống trong cơ quan nhà nước nhưng đi kiếm tiền ở bên ngoài. Bây giờ vừa làm trong cơ quan nhà nước lại vừa có thể sống được đàng hoàng bằng cách làm thuê thêm ở ngoài. Tình hình đã đổi mới rồi, không có gì phải lo lắng.

Từ khi về đây đến giờ, đã có ai dọa hay nhắc nhở gì ông chưa?

- Chưa có ai dọa, nhưng những người nhắc chủ yếu là người yêu quý mình.

Lương Bích Ngọc - Lê Ngọc Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ts-dang-kim-son-nguoi-cam-den-chay-truoc-o-to-2218842.html