TS. Đàm Quang Minh lý giải về chuyện thủ khoa thất nghiệp

Bên lề một buổi tọa đàm của ĐH Thành Tây, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Đàm Quang Minh, tân Hiệu trưởng nhà trường về vấn đề, nhiều thủ khoa đại học sau khi ra trường vẫn thất nghiệp hoặc khó xin việc.

TS. Đàm Quang Minh, tân Hiệu trưởng ĐH Thành Tây.

TS. Đàm Quang Minh, tân Hiệu trưởng ĐH Thành Tây.

PV: Thưa ông, ông suy nghĩ thế nào về những thủ khoa sau khi ra trường khó xin việc, hoặc không thể xin việc? Ông đánh giá nguyên nhân từ đâu dẫn đến tình trạng này?

TS. Đàm Quang Minh: Việc sinh viên thất nghiệp trong đó có sinh viên thủ khoa nói riêng là do nhiều yếu tố. Trong đó, nổi bật nhất là yếu tố cung cầu của thị trường lao động và chất lượng đào tạo. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác. Có những trường hợp cụ thể do chính yếu tố chủ quan từ sinh viên thủ khoa.

Hiện nay, mọi người hay nói đến nguyên nhân chất lượng đào tạo mà ít nhắc đến nguyên nhân cung cầu. Một ngành có nhu cầu thị trường lớn, dù chất lượng có thấp hơn một chút, sức hấp dẫn cũng rất cao, ví dụ như ngành liên quan đến du lịch hiện nay gần như "cháy hàng" lao động. Những ngành đã được xác định là nguồn cung thừa so với nhu cầu xã hội sẽ rất khó khăn về vấn đề việc làm. Ngành Sư phạm là một trong những ngành như vậy, rất khó xin việc.

PV: Có ý kiến cho rằng, thủ khoa ngành Sư phạm ra trường không xin được việc, một phần lỗi của sinh viên nhưng một phần do đào tạo tràn lan, không bám sát nhu cầu thực tế. Thêm nữa, sinh viên ngành Sư phạm khó thích ứng với xã hội hơn các ngành khác. Ông có nghĩ vậy?

TS. Đàm Quang Minh: Như đã nêu trên, đào tạo quá nhiều là nguyên nhân chính của thất nghiệp, kể cả với ngành Sư phạm. Hơn thế nữa, ngành Sư phạm là ngành hẹp và rất khó chuyển đổi sang các chuyên môn khác. Người học ngành này cũng thường có tâm huyết và mong muốn trở thành nhà giáo khiến họ khó quyết tâm thay đổi ngành nghề. Do vậy, tỉ lệ thất nghiệp ngành này lại càng tăng lên.

PV: Hằng năm, rất nhiều sinh viên xuất sắc sau khi ra trường, trong số đó có những người chọn con đường lập nghiệp ở nước ngoài. Ông có nghĩ rằng, chúng ta chưa có một chính sách tốt để giữ chân người tài?

TS. Đàm Quang Minh: Thị trường lao động quốc tế rất sôi động và vận hành theo nguyên tắc thị trường. Trong khi có hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp, hàng trăm ngàn người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài thì chiều ngược lại cũng có hàng trăm ngàn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Theo thống kê, có tới trên 100.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Họ cũng đang giữ những vị trí công việc có giá trị cao mà người Việt Nam không nắm bắt được hoặc không có lợi thế. Đó quy tắc của thị trường.

PV: Bốn năm học đại học chắc chắn sẽ tiêu tốn không ít tiền bạc của Nhà nước, gia đình, nhưng lại không thể xin được việc khi ra trường là điều đáng bàn. Theo ông, các trường, các cơ quan chức năng cần phải làm gì?

TS. Đàm Quang Minh: Đào tạo theo nhu cầu xã hội là yêu cầu cấp thiết. Hiện tượng sinh viên học đại học ra không làm được việc khá phổ biến. Các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo để thể hiện sự trách nhiệm với xã hội và sinh viên của mình.

Rõ ràng, đây là bài toán nâng cao chất lượng đào tạo. Để làm được điều này, theo tôi cần thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Một là, cần phải nâng cao tính minh bạch trong đào tạo và đầu ra của trường. Trường tốt phải có đầu ra tốt cho sinh viên. Hai là, cần xây dựng những quy định về kiểm định chất lượng và bắt buộc các đơn vị thực hiện.

Công Luân

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ts-dam-quang-minh-ly-giai-ve-chuyen-thu-khoa-that-nghiep-a343373.html