Truyền thuyết núi Cô Tô

Đến vùng Thất Sơn, sau khi tham quan những thắng cảnh, di tích nổi tiếng như Núi Cấm, Núi Két, đồi Tức Dụp, chùa Vạn Linh, điện Bồ Hong… du khách đừng quên bỏ qua chuyến du hành chinh phục đỉnh Phượng Hoàng Sơn kỳ vĩ với nhiều huyền thoại.

Phượng Hoàng Sơn hay còn có tên gọi là núi Cô Tô, cao 614 mét, là một ngọn núi đẹp nằm trong cụm Thất Sơn (Bảy Núi) thuộc địa bàn xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang).

Có rất nhiều truyền thuyết gắn với tên của ngọn núi. Chuyện kể rằng, khi trời đất còn tối tăm, các tiên ông từ núi Cấm, núi Giày đã cùng nhau khiêng từng phiến đá xếp chồng lên nhau, xếp mãi cho đến lúc bình minh thì thành hình núi Cô Tô. Vì là những chồng đá lên nhau, giữa lòng núi hình thành nhiều hang động, ngõ ngách (người địa phương gọi là “lò ảng”) bí ẩn. Một giả định khác không gắn với truyền thuyết là do núi có hình dáng giống như cái tô lật úp, nên gọi là núi Tô.

Đồi Tức Dụp, một ngọn núi nhỏ nằm phía tây núi Cô Tô lại gắn với câu chuyện về sự tinh nghịch của những nàng tiên. Vào một đêm trăng sáng, các nàng tiên hạ phàm xuống núi Cô Tô chơi. Sau những trò vui bất tận, các nàng rủ nhau ném đá từ trên núi xuống. Đến khi ánh trăng khuất dần thì một trái núi nhỏ cũng hiện lên trong bóng đêm. Trái núi nhỏ ấy được đặt tên là “Đồi nước đêm”, người Khmer gọi là “Tức Chúp”, còn người Việt thị đọc trại thành “Tức Dụp”.

Đường lên đỉnh núi tuyệt đẹp với những khúc cua khuất, nhà lá đơn sơ, làn gió mát thơm hương lúa non. Trên núi có một di tích nổi tiếng là sân Tiên. Nơi đây có dấu chân tiên, tương truyền đó là dấu chân sau của Phật, còn chân trước thì nằm ở động Thủy Liêm trên núi Cấm. Tiếp đó là điện Năm Căn, một ngôi điện nhỏ, xưa cũ nằm ẩn mình dưới những tảng đá to và những bóng đại thụ cao ngút. Núi cô tô đẹp nhất vào những đêm trăng sáng. Khi ấy, ánh trăng như dát bạc lên từng ngọn cỏ, giọt nước của hai con suối Ô Thum, Ô Sora So và hồ Soai So tạo nên một bức tranh hoang sơ và hùng vĩ.

Từ chợ thị trấn Tri Tôn, theo tỉnh lộ 943 dẫn lên núi, đoạn đường khá thuận lợi. Hai bên là những cánh đồng lúa, những ngôi nhà thấp thoáng, ẩn hiện trong bóng tre xanh, dưới tàn thốt nốt. Xa hơn chút nữa là dãy núi sừng sững, cây cối thâm u, đá dựng lưng trời. Những con lạch nhỏ chảy từ trên núi xuống, len lỏi qua những khối đá thiên hình vạn trạng, tạo thành dòng suối trong xanh... Cảnh vật càng trông thật thanh bình, yên ả với những đàn bò gặm cỏ và những chú bé mục đồng ngất nghểu lưng trâu.

Trước đây, khách tham quan muốn lên núi phải men theo những lối mòn, dốc đá chênh vênh, vừa đi vừa lách mình hoặc bám vào những thân cây, vất vả lắm mới lên tới đỉnh núi. Bây giờ đã có con đường tới hồ Soài So trải nhựa. Đường lên núi đã được mở rộng và xây thành bậc thang, du khách leo khoảng một tiếng đồng hồ là có thể đến đỉnh núi. Dọc theo lưng chừng núi, ngoài những khu rừng hỗn giao và rừng phòng hộ còn có những vườn cây ăn trái bạt ngàn, nhiều nhất là xoài, mít và những khu vực trồng rẫy xanh rì.

Giữa không gian rộng lớn, xuất hiện một ngôi nhà nghỉ nhỏ là nơi trọ của khách thập phương đi hành hương. Đây là địa điểm lý tưởng cho du khách ngắm trăng, hít thở không khí trong lành. Vào những tháng mưa, khách đến Cô Tô sẽ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hai con suối Ô Thum và Ô Sora So như những con rắn khổng lồ uốn lượn theo các khe đá. Du khách sẽ có ấn tượng đẹp về một vùng đất du lịch giàu tiềm năng.

Khánh Chi (TTVN)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/du-lich/201308/truyen-thuyet-nui-co-to-334938/