Truyền thông VN đang được chuyên nghiệp hóa

ICTnews - Sau hơn 12 năm hợp tác, dự án “Đào tạo nâng cao báo chí” với sự tài trợ của chính phủ Thụy Điển đã góp phần làm thay đổi một cách mạnh mẽ diện mạo lĩnh vực truyền thông Việt Nam.

Triển lãm “Tiếp cận báo chí hiện đại” giới thiệu những hình ảnh về các hoạt động mà dự án “Đào tạo nâng cao báo chí” thực hiện tại Việt Nam. Bà Marie Ottosson, Công sứ phụ trách hợp tác phát triển của Chính phủ Thụy Điển cho biết, Thụy Điển là nhà tài trợ lớn nhất cho các chương trình hỗ trợ lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam. Trên thực tế, sự trợ giúp này được khởi động từ đầu những năm 90 khi Thụy Điển tiến hành hỗ trợ lĩnh vực phát thanh - truyền hình thông qua việc giới thiệu khái niệm tường thuật trực tiếp cho các đài phát thanh địa phương ở Việt Nam. Khi dự án đầu tiên này kết thúc vào năm 1998, có 30 đài phát thanh với vùng phủ sóng tới 1/2 quốc gia đã nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Thụy Điển. “Từ đó đến nay, sự hỗ trợ của chúng tôi đã được mở rộng ra tất cả các loại hình truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình và Internet. Mục tiêu tổng quát là khuyến khích sự dân chủ thông qua một nền truyền thông chuyên nghiệp, cởi mở tại Việt Nam. Tổng số đóng góp của Thụy Điển đối với lĩnh vực truyền thông Việt Nam trong những năm qua đạt gần 7 triệu USD. Sau 12 năm hợp tác, dự án “Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam” đào tạo được khoảng 5.000 PV, nhà báo và những người làm quản lý truyền thông ở Việt Nam. Toàn bộ dự án đã đóng góp vào sự gia tăng chất lượng báo chí cũng như cải thiện năng lực của truyền thông Việt Nam hay đưa các hoạt động quản lý thường nhật phát triển theo phong cách hiện đại”, bà Ottosson cho biết. Theo đánh giá của bà Marie Ottosson, trong thập kỷ qua, diện mạo lĩnh vực truyền thông Việt Nam đã và đang thay đổi nhanh chóng, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, thể hiện ở việc những tờ báo có sự phát triển tốt đã trở thành những tập đoàn truyền thông, đa dạng hóa các loại hình báo chí nhờ sự phát triển của công nghệ đa phương tiện và tăng trưởng kinh tế. Người dân Việt Nam đã có nhiều sự lựa chọn hơn, từ dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, số lượng tờ báo điện tử đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua, blog và các dịch vụ mạng xã hội trở thành một kênh thông tin quan trọng trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Lĩnh vực truyền thông Việt Nam từng bước tiến lên tiêu chí của báo chí chuyên nghiệp với ngày càng nhiều hơn những bài phóng sự điều tra và trở thành một phương tiện của công chúng chứ không còn đơn thuần là công cụ tuyên truyền của chính phủ. Truyền thông đã khiến các nhà chức trách, chính quyền phải có trách nhiệm hơn với hành động của mình; qua đó đóng góp vào sự phát triển của một xã hội minh bạch. Công nghệ mới và sự tiếp cận với các loại hình truyền thông hiện đại cũng giúp cho truyền thông có vai trò lớn hơn trong việc truyền tải ý kiến phản hồi của công chúng và tham gia vào những cuộc phản biện xã hội. Bà Ottosson đánh giá rằng, sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam và sự manh nha ra đời của các tập đoàn truyền thông cho thấy lĩnh vực này đang ngày càng độc lập về tài chính và hoạt động tự chủ hơn. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách của chính phủ đã theo kịp sự phát triển của lĩnh vực truyền thông cũng như tính trách nhiệm của các tổng biên tập, nhà báo được phát triển lên mức độ chuyên nghiệp; trở thành động lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy dân chủ, tự do ngôn luận và tôn trọng quyền con người. Nói về những chương trình hợp tác hỗ trợ sắp tới đối với nền báo chí Việt Nam, bà Ottosson khẳng định, Thụy Điển sẵn sàng tiếp tục sự hợp tác dài hạn với lĩnh vực truyền thông Việt Nam thông qua Trung tâm đào tạo báo chí (Cục Báo chí, Bộ TT&TT) trong giai đoạn 2010-2013. Dự kiến tổng chi phí đầu tư vào dự án này đạt khoảng 1,1 triệu USD với mục tiêu tổng quát và dài hạn là duy trì và khuyến khích dân chủ thông qua sự phát triển của một nền truyền thông chuyên nghiệp, cởi mở ở Việt Nam. Cụ thể, dự án sẽ góp phần vào việc thành lập Trung tâm đào tạo truyền thông và đưa trung tâm này trở thành nơi cung cấp các dịch vụ đào tạo uy tín và tư vấn truyền thông ở Việt Nam, đồng thời tăng cường sự đối thoại giữa giới truyền thông, chính quyền và nhân dân. Trong thời gian 3 năm, dự án sẽ tập trung vào việc tư vấn phương thức điều hành và hoạt động của Trung tâm đào tạo báo chí theo phương pháp chuyên nghiệp với chất lượng cao. Trên cơ sở hoạt động của trung tâm này, tiến hành các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghiệp vụ, tập trung vào thể loại phóng sự điều tra và phát triển các đề tài về chống tham nhũng, biến đổi khí hậu và môi trường, bình đẳng giới…; tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ dành cho một số cơ quan truyền thông có ảnh hưởng lớn đến xã hội và những tổ chức liên quan; hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo và giáo viên cho trung tâm này để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài các hỗ trợ trực tiếp, dự án cũng tổ chức các cuộc hội thảo tư vấn, các cuộc đối thoại và diễn đàn truyền thông về nhiều vấn đề khác nhau. Bà Ottosson cũng cho biết, song song với việc hỗ trợ Trung tâm, đầu năm nay, Thụy Điển đã tiến hành một chương trình khác để hỗ trợ Chương trình đào tạo quốc gia dành cho các lãnh đạo truyền thông Việt Nam tập trung vào việc nâng cao năng lực phát triển và thay đổi phương pháp quản lý thông qua việc cung cấp cho các lãnh đạo cấp cao và cấp trung một chương trình về quản lý. Chương trình đào tạo quốc gia này được tiến hành từ năm 2010-2013 với tổng số kinh phí hỗ trợ lên đến 1,2 triệu USD.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/bao-chi-xuat-ban/Truyen-thong-VN-dang-duoc%C2%A0chuyen-nghiep-hoa/2010/10/2MSVC7532203/View.htm