Truyền thông toàn cầu thời Facebook:"Ông vua" mới của truyền thông

(NB&CL) - Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, sự đổi thay tới 360 độ trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng đã tạo nên một “ông vua” mới của truyền thông toàn cầu: Facebook. Và cho dù chỉ mới “lên ngôi”, “ông vua” này đã kịp tạo nên một thế lực báo chí đáng nể.

Từ “ông trùm” của mạng xã hội...

Số lượng người dùng hàng tháng đăng nhập Facebook chiếm 1/5 dân số thế giới, tức khoảng 1,3 tỷ người. Người dùng châu Á lướt Facebook nhiều nhất mỗi tháng (426 triệu), vượt cả châu Âu (296 triệu). Lượng người dùng Facebook trên thiết bị di động chiếm đến 1,12 tỉ người dùng, tương đương với con số mỗi ngày có 703 triệu người dùng di động truy cập Facebook. Chỉ chừng ấy con số thôi cũng đủ để chứng minh danh xưng “ông trùm” của mạng xã hội mà nhiều tờ báo ngầm đặt cho Facebook không ngoa ngôn là mấy.

Tại sao lại chỉ là Facebook trong khi cư dân mạng còn rất nhiều mạng xã hội khác để lựa chọn: Twitter, Yahoo 360 Plus...? Vì Facebook có khả năng kết nối mọi người ư? Twitter hay ngay cả Yahoo Messenger từ lâu đã có chức năng này. Câu trả lời là: vì Facebook đã tích hợp một cách tài tình và hoàn hảo mọi tính năng mà người dùng cần về một trang mạng xã hội: chia sẻ, liên lạc, tìm kiếm thông tin, cập nhật trạng thái (status), thể hiện sự thích thú và bày tỏ ý kiến bản thân (like, comment)... Nhờ sự tích hợp ấy, Facebook trở thành một nơi lý tưởng để cư dân mạng vừa có thể thể hiện những tâm sự của mình.

vừa lưu lại được những hình ảnh đáng nhớ và có thể cập nhật thông tin hoặc chia sẽ thông tin với bạn bè, người thân cùng hàng triệu người dùng khác nhau. Không những thế, Facebook là nơi người ta có thể tìm bất cứ điều gì, làm quen với bất cứ ai. Tóm lại, có thể trong tương lai Facebook sẽ bị phần lớn người dùng thay thế bởi một trang mạng xã hội khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với việc đáp ứng quá tốt đồng thời nhiều nhu cầu sử dụng của người dùng, Facebook vẫn đường hoàng là “ông trùm” mạng xã hội.

... Đến “ông vua” truyền thông

Bởi có tới 1/5 dân số “ăn, ngủ” cùng Facebook nên cũng không lạ gì trước việc cũng có tới chừng 1,3 tỷ người trên khắp hành tinh này cũng vì đó mà tiếp nhận tin tức qua Facebook. Nhật báo The New York Times dẫn kết quả khảo sát của Pew Research Center (Mỹ) cho biết con số cụ thể hơn: có 30% số người trưởng thành ở Mỹ tiếp nhận tin tức qua Facebook, còn số liệu của SimpleReach - một công ty nghiên cứu khác, Facebook là nguồn dẫn khoảng 20% số người đọc đến trang tin tức của các tờ báo và tạp chí, còn nếu tính số người đọc báo bằng thiết bị di động thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều và đang tiếp tục tăng mạnh. “Ngai vàng” của Facebook trong làng truyền thông, nhờ thế mà có được.

Quyền lực lớn nhất cũng là điều mà giới truyền thông truyền thống e ngại nhất từ “ông vua truyền thông” Facebook là việc mạng xã hội này đã và đang làm thay đổi một cách đáng kể cách thức mà công chúng báo chí tiếp cận tin tức. Hầu hết các độc giả hiện nay đọc tin tức không phải thông qua báo in, tạp chí hoặc các trang mạng trực tuyến mà thông qua phương tiện truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm vốn được viết bởi một thuật toán có thể dự đoán những gì người dùng có thể muốn đọc. Nói cách khác, thuật toán của Facebook sẽ chọn ra những gì mà người dùng quan tâm, nói cách khác, là “cá nhân hóa” nội dung thông tin ở News Feed của mỗi người dùng. Tại tổng hành dinh của Facebook, gần như một tuần một lần, các kỹ sư của mạng xã hội này lại thực hiện 16 điều chỉnh mã lập trình phức tạp để quyết định xem người dùng sẽ thấy gì đầu tiên khi họ đăng nhập vào Facebook. Mã lập trình này được dựa trên “hàng nghìn và hàng nghìn” số liệu, bao gồm thiết bị mà người dùng sử dụng là gì, có bao nhiêu bình luận và lượt “thích” mà một câu chuyện được nhận, hay độc giả đã dành bao nhiêu lâu cho nội dung đó. Mục đích cuối cùng là tìm xem thứ gì phù hợp nhất với mỗi người dùng Facebook. Vì thế, giờ đây, bản in hay trang chủ của mỗi tờ báo, trang mạng sẽ chẳng còn nhiều vai trò, mà vai trò quyết định được đặt vào tay độc giả và các thuật toán của mạng xã hội và cỗ máy tìm kiếm là phương tiện truyền tải. Một trang tin có “hút” độc giả hay không sẽ phụ thuộc vào cách xuất hiện của nó như thế nào ở News Feed trên Facebook. Và cũng chính bởi chiêu thức “hút” độc giả như vậy mà Facebook được cho là đang “cướp” hết “miếng ăn” của báo chí thế giới khi ngày càng “hút” về mình lượng lớn khách hàng quảng cáo. “Vua” Facebook ngày càng chứng tỏ thế lực và độ giàu có của mình trong làng truyền thông là như vậy.

Thư Trang

“Báo” của “Vua”

Thế lực báo chí của ông “vua” Facebook không chỉ là việc làm thay đổi cách thức công chúng tiếp cận tin tức mà còn thể hiện ở tham vọng thiết lập một loại hình báo chí mới, mang chính tên mạng xã hội này, từ đó tạo nên cách tiếp cận mới trong làm báo.

Khi Facebook trở thành “Báo chí cá nhân”

Tháng 11/2014, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg công bố ý tưởng biến bảng news feed trên Facebook thành “tờ báo cá nhân hóa hoàn hảo cho mỗi người trên thế giới”. Theo Zuckerberg, trong khi những tờ báo cung cấp những thông tin na ná nhau để mọi người đọc, Facebook sẽ điều chỉnh cấu trúc thông tin theo lợi ích của các cá nhân, cung cấp một hỗn hợp các tin tức thế giới, sự kiện cộng đồng và thông tin cập nhật về bạn bè hoặc gia đình. Và quyền quyết định cho người dùng đọc gì không phải do nhà báo quyết định mà sẽ dựa trên một thuật toán (do các kỹ sư chuyên trách của Facebook tạo ra) để xác định cái gì, thông tin nào sẽ là mối quan tâm của từng người.

Theo đó, phần tin tức cập nhật (News feed) trên trang chủ của Facebook được phát triển cùng với một giao diện nổi bật để phát triển về mặt hình ảnh như hình, video đồng thời tạo cơ hội để các câu chuyện chính được chia sẻ bởi bạn bè trên mạng xã hội và các xu hướng kết hợp với các ứng dụng như là Pinterest hoặc Instagram sẽ trở nên phổ biến trong tương lai. Lãnh đạo về kỹ thuật Chris Struhar của Facebook cho biết mỗi tin tức cập nhật mới sẽ tự động điều chỉnh đến phần sở thích của từng người sử dụng Facebook. Nếu một người sử dụng Facebook “thích” trang của các tổ chức truyền thông chuyên nghiệp, các câu chuyện được chia sẻ đầu tiên hoặc có xu hướng đọc nhiều nhất sẽ được hiển thị. Cũng theo Chris Struhar, phần tin tức mới này sẽ cho phép người sử dụng tiếp cận nhiều câu chuyện hơn mà không phải xem các trang tập hợp thông tin khác như Google News.

Mối đe dọa đối với truyền thông truyền thống?

Giới quan sát nhận định việc Facebook có tham vọng biến mạng xã hội này thành trang tin cá nhân hóa cho hơn 1 tỉ người dùng có thể khiến báo chí truyền thống càng thêm chật vật, thậm chí có thể đe dọa đến sự tồn vong của báo chí truyền thống. Theo AFP, các chuyên gia đánh giá Facebook hiện đã trở thành nguồn thông tin quan trọng đối với nhiều người và góp phần thay đổi cách tiếp nhận tin tức trong thời đại số hóa. “Đây là một cách tiếp cận mới trong làm báo. Facebook đã làm được điều một tờ báo truyền thống không thể làm được”- Ken Paulson, cựu biên tập viên của tờ USA Today và hiện tại là trưởng khoa truyền thông tại Đại học Middle Tennessee khẳng định. Một số chuyên gia truyền thông cũng thừa nhận rằng Facebook cung cấp nhiều hơn những gì mọi người muốn xem, một cách hiệu quả . “Thân thiện, phù hợp, rất kịp thời và tất cả là cho bạn. Facebook làm được nhiều hơn so với bất kỳ tờ báo nào có thể làm”- Alan Mutter, một cựu biên tập viên của báo Chicago Daily và hiện đang là một nhà tư vấn về truyền thông kỹ thuật số cho biết. Ông Mutter cho rằng trong khi báo chí bám víu mô hình hoạt động đã lỗi thời thì những tổ chức như Facebook đang đi theo con đường cá nhân hóa, đặc biệt khi giới trẻ ngày nay thích những nền tảng di động hơn là đọc báo in. “Facebook có tất cả dữ liệu để cập nhật cho bạn những gì tất cả bạn bè của bạn đang đọc. Do đó bạn sẽ thấy những thứ mình quan tâm" - giảng viên Nikki Usher thuộc ĐH George Washington đánh giá -"Facebook có rất nhiều nhà khoa học dữ liệu và kỹ sư để giúp thuật toán ngày càng tốt hơn. Càng nhiều người sử dụng thì thuật toán càng mạnh”.

Điều quan trọng hơn, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Facebook hiện là nguồn thông tin của khoảng 30% người Mỹ và là nguồn tham khảo của vô số tờ báo, trang tin. Vì thế, các chuyên gia truyền thông cảnh báo: “Quá nhiều quyền lực đặt vào tay một tổ chức duy nhất. Điều đáng sợ là nó đặt các tổ chức truyền thông vào vị trí phản kháng và phải cố dự đoán động thái tiếp theo của Facebook”.

Báo chí truyền thống không dễ bị đánh bại

Thế mạnh lấn át của Facebook cũng như “báo” Facebook là không thể phủ nhận. Nhưng lấn át không có nghĩa là chiếm lĩnh hoàn toàn đời sống truyền thông toàn cầu. Những loại hình truyền thông truyền thống vẫn có những thế mạnh riêng và không dễ bị đánh bại. Đó là “phản biện” của không ít chuyên gia truyền thông trước những cảnh báo về “quyền lực” và sự bành trướng của Facebook. Dù ngợi ca sức mạnh báo chí của Facebook nhưng BTV Ken Paulson cũng phải thừa nhận Facebook khó có được phẩm chất như báo in, đặc biệt trong lĩnh vực điều tra vốn là niềm tự hào của những tờ báo truyền thống. Hơn thế nữa, nói như Ken Paulson, báo chí truyền thống còn mang trong mình một tinh thần đặc biệt, chảy trong tim những người cầm bút: tinh thần vì tự do báo chí, tự do ngôn luận, giám sát những người quyền lực và thông báo cho công chúng. “Một thuật toán không thể có được tinh thần đó” - ông Paulson nhấn mạnh.

Không thể bị đánh bại nghĩa là báo chí truyền thống vẫn tồn tại, và tồn tại, lẽ đương nhiên, song hành cùng những loại hình truyền thông mới nhiều ưu thế như Facebook. Cùng tồn tại song hành đồng nghĩa với hợp tác theo kiểu “đôi bên cùng có lợi”. Ở đời, như các cụ vẫn nói, khôn ngoan nhất vẫn là “thêm bạn bớt thù”. Và thế là hình thành mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa các cơ quan báo chí và mạng xã hội, quan hệ mà các nhà lãnh đạo Facebook cho là đôi bên cùng có lợi: Facebook trở thành kênh truyền tải tin tức chính của xã hội. Các tòa soạn báo thông qua Facebook mà thu hút người đọc, tăng lượng “view”, từ đó tăng doanh số quảng cáo và tăng lượng người đọc đăng ký mua báo dài hạn. Nhiều tòa soạn báo, kể cả các báo lớn như The New York Times, The Washington Post... vẫn thường xuyên làm việc với các kỹ sư của Facebook để thảo luận cách thức nâng cao lượng truy cập báo từ Facebook, tìm cách để thuật toán của mạng xã hội này nhận ra thông tin của tờ báo đó phù hợp với nhiều độc giả nhất có thể. Những bài báo hay, xuất sắc nhưng nếu không được chia sẻ trên mạng xã hội và không lọt vào “tầm ngắm” của những thuật toán Facebook thì cũng chỉ đến được một số lượng người đọc khiêm tốn. Bản thân các BTV cũng như những người làm báo trực tiếp cũng phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Trước tiên, các tòa soạn quan tâm nhiều hơn tới từng bài báo thay vì tới toàn số báo (với báo in) hoặc tới trang chủ (với báo điện tử) như trước. Cách viết báo cũng phải thay đổi cho phù hợp với phương tiện truyền tải mới là điện thoại di động và máy tính bảng. Những bài phân tích dài vài ba ngàn chữ dần dần bị thất thế so với những tin ngắn vài trăm chữ kèm theo các biểu đồ và hình ảnh bắt mắt. Tóm lại, nói như một bài báo, như báo chí có “lụy” Facebook thì cũng không phải là điều tồi tệ. Nó chỉ là xu hướng mà những người trong cuộc phải đi theo mà thôi!

Thành Nguyễn

Làm “báo Tết” trên Facebook

Dễ hiểu vì sao Facebook ngày hôm nay lại có thể ngạo nghễ trên ngôi vị mạng xã hội số 1 toàn cầu. Ông chủ Mark Zuckerberg cùng các cộng sự đã quá biết chiều lòng người và luôn đoán định được chính xác nhu cầu của công chúng. Ứng dụng làm “báo Tết” là ví dụ.

Cách đây tròn một năm, trong khi thị trường đang tràn ngập các ấn phẩm báo Tết Giáp Ngọ 2014 đầy màu sắc, thì trên mạng xã hội toàn cầu Facebook, cư dân mạng người Việt đam mê làm báo, hoặc đơn giản, chỉ là thỏa chí tò mò và thích sáng tạo, cũng đang hào hứng mày mò tự làm cho mình những tờ “báo Tết” đậm đà sắc xuân. Những trang “báo Tết” như kể trên được tạo ra nhờ một ứng dụng miễn phí, mang nguồn gốc từ Nhật Bản, một quốc gia ăn Tết Dương lịch nhưng cũng có nhiều tương đồng với văn hóa Á Đông.

“Báo Tết” của cư dân Facebook nằm phần lớn ở hình thức khi một trang giao diện được trình bày “rất không khí Tết”với tiêu đề chính viết theo lối thư pháp uốn lượn, đề tên năm cùng câu chúc “Tống Cựu Nghinh Tân” tốt lành ngay trên đầu trang. Còn nội dung là những mục nhìn lại hoạt động năm qua theo kiểu các tờ báo Tết thường làm. Cụ thể, trang “báoTết” này sẽ giúp chủ nhân tổng kết lại xem năm qua mình đăng được bao nhiêu bài, thu hút được bao nhiêu like (thích) và comment (bình luận). Hơn nữa, chủ nhân của trang báo cũng sẽ biết được bạn nam nào like mình nhiều nhất, bạn nữ nào like mình nhiều nhất. Cùng với đó là những mục nho nhỏ rất hay như bức ảnh được like nhiều nhất, bức ảnh tốn nhiều giấy mực nhất năm (được bình luận nhiều nhất), câu nói hay nhất năm (được like nhiều nhất), và một bộ lịch hoành tráng với hoạt động nổi bật từng tháng.Về mặt thực chất, ứng dụng làm “báo Tết” chính là ứng dụng Year In Review - Một năm nhìn lại- của Facebook.

Tết nămnay, ngay thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới 2015, các kỹ sư của mạng xã hội hàng đầu này đã tiếp tục làm hài lòng các cư dân mạng của mình khi tung ra tính năng Year In Review 2014. Year In Review 2014 mang đến cho người dùng cơ hội được xem lại, tổng kết lại những vui, buồn trong suốt một năm qua. Year In Review 2014 được trình bày dưới hình thức ảnh và chữ cùng những họa tiết trang trí tuy đơn giản nhưng để lại nhiều ấn tượng.

Sau khi hào hứng sử dụng tính năng nhìn lại một năm “Year In Review” của Facebook, người dùng mạng xã hội này lại được đón nhận thêm một ứng dụng tương tự nhưng mới mẻ hơn có tên My Times 2014. Ứng dụng này theo đó mang đến khả năng tổng hợp những bài đăng đáng chú ý nhất của bạn trong năm qua và trình bày dưới dạng một “trang báo”.

Chưa rõ sang năm 2016, Facebook sẽ tiếp tục đưa những phiên bản “báo Tết” như thế nào. Nhưng chắc chắn với sự sáng tạo không ngừng nghỉ và không có giới hạn, mạng xã hội này sẽ còn mang đến cho các cư dân của mình những sự ngạc nhiên không thể ngờ. Chỉ biết rằng, những ấn phẩm báo Tết“xịn” đã có một đối thủ.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/55/54513/Truyen-thong-toan-cau-thoi-FacebookOng-vua-moi-cua-truyen-thong.html