Truyền thống hiếu học đất anh hùng Gò Nổi

Xứng danh với truyền thống hiếu học

(Cadn.com.vn) - Về vùng đất Gò Nổi anh hùng (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi đến thăm Trường tiểu học (TH) Trần Thị Lý (xã Điện Quang) có bề dày thành tích dạy học, luôn nằm trong tốp dẫn đầu ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam. Tinh thần, truyền thống hiếu học của con em địa phương như được chắp cánh khi nhà trường tiếp tục có nhiều giải pháp hay trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương.

Thầy Thiều Đức – Hiệu trưởng Trường TH Trần Thị Lý tiếp chúng tôi bằng câu chuyện về điều kiện dạy học của giáo viên, học sinh. Thầy Đức cho hay, trường đóng chân trên vùng đất còn lắm nghèo khó, hầu hết học sinh là con em gia đình thuần nông, nhiều hộ kinh tế hạn hẹp. Cơ sở vật chất trường lớp còn đang trong giai đoạn bổ sung hoàn thành, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học. Tuy vậy, nhiều thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu, chưa đảm bảo. Tuy nhiên, có một thuận lợi lớn của nhà trường là con em học sinh có tinh thần hiếu học, phụ huynh rất quan tâm đến chuyện học của con em mình. Cùng với đó là tinh thần, ý thức, trách nhiệm cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong công tác tổ chức hoạt động giáo dục rất cao.

Chính những điều kiện thuận lợi hết sức căn cơ đó mà trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai được nhiều giải pháp có tính đột phá trong hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng dạy học. Theo thầy Thiều Đức, để chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh tin tưởng, ủng hộ, hỗ trợ nhà trường trong mọi hoạt động thì phải xây dựng được kỷ cương, nề nếp trường học, môi trường văn hóa sư phạm và sự đoàn kết thống nhất trong tập thể sư phạm nhà trường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phải thực sự là những tấm gương đạo đức mẫu mực cho học sinh, cộng đồng, xã hội.

Thầy Văn Hữu Duy Khánh – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường TH Trần Thị Lý chia sẻ thêm: Để triển khai thực hiện các phong trào thi đua dạy học, nhà trường luôn thành lập các ban chỉ đạo, đồng thời đề ra nhiệm vụ, kế hoạch triển khai cụ thể, phân định vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Cùng với đó, kế hoạch thực hiện phải có nhiều hình thức, cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị mình. Tất cả kế hoạch, hình thức triển khai đều được xây dựng trên cơ sở thông qua các cuộc họp hội đồng sư phạm, họp chuyên môn, họp tổ. Qua đó, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Nhờ phong trào thi đua dạy học sôi nổi nên chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng cao rõ rệt.

Sự nhiệt tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp lửa cho tinh thần hiếu học của vùng đất anh hùng Gò Nổi.

Chung sức đổi mới giáo dục

Theo thầy Thiều Đức, mặc dù trong thời gian qua, Trường TH Trần Thị Lý chưa được tiếp cận với việc dạy học theo chương trình VNEN nên khi triển khai đánh giá học sinh theo Thông tư 30 đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của ngành GD-ĐT, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhà trường đã có nhiều giải pháp triển khai hết sức hiệu quả, mang lại những thành công nhất định. Ngay sau khi Thông tư 30 được triển khai áp dụng, nhà trường đã thành lập ngay Tổ hỗ trợ thông tư 30 với nhiệm vụ: Tiếp tục nghiên cứu sâu văn bản, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho giáo viên khi thực hiện đánh giá học sinh. Những vấn đề không giải quyết được thì báo cáo với chuyên môn phòng GD-ĐT để xin ý kiến chỉ đạo nhằm có hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Chỉ đạo các tổ chuyên môn thường xuyên đưa nội dung đánh giá học sinh vào nội dung sinh hoạt của tổ, cũng như nội dung góp ý ở các tiết dạy.

Còn thầy Văn Hữu Duy Khánh cho biết, khi triển khai đánh giá học sinh theo Thông tư 30, nhân tố có tính chất quyết định là đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Chính vì vậy, muốn triển khai đánh giá hiệu quả thì người giáo viên phải nắm vững kỹ năng đánh giá thường xuyên, xác định được căn cứ nhận xét dựa vào mục tiêu bài giảng theo chuẩn kiến thức – kỹ năng, về cấu trúc, nội dung, hình thức của lời nhận xét. Giáo viên cần linh hoạt, chủ động lập kế hoạch đánh giá như: Xác định nhóm đối tượng? Thời gian nhận xét, đánh giá? Theo đó, cách nhận xét gọn và rõ, ưu tiên cho nhóm đối tượng học sinh cần hỗ trợ, nhóm đối tượng học sinh năng khiếu.

Nhằm tạo sự đồng thuận trong phụ huynh, nhà trường khi triển khai đánh giá học sinh theo Thông tư 30, Trường TH Trần Thị Lý đã tổ chức họp cha mẹ học sinh để quán triệt nội dung, tinh thần về việc đánh giá học sinh theo hướng mới. Đồng thời cũng hướng dẫn, động viên phụ huynh cùng tham gia đánh giá con em học sinh.

Thầy Văn Hữu Duy Khánh cho hay: “Vào thời điểm cuối học kỳ 1 và cuối năm học, nhà trường phát phiếu đánh giá học sinh cho từng phụ huynh để cùng tham gia đánh giá. Nội dung phiếu đánh giá tập trung các hoạt động tự học ở nhà của học sinh, nếp ăn ở, cư xử, sinh hoạt, đạo đức, lối sống. Nội dung đánh giá của phụ huynh học sinh có tính tham khảo cho giáo viên khi thực hiện đánh giá học sinh cuối kỳ. Chúng tôi thấy rằng, với cách làm này đã có tác dụng tích cực đến học sinh khi các em được đọc những lời nhận xét của bố mẹ. Qua đó, học sinh có sự điều chỉnh hành vi, ý thức học tập của mình ở nhà cũng như ở trường. Với những giải pháp cơ bản đó, chúng tôi tin tưởng rằng khi triển khai thực hiện Thông tư 22 thay thế cho Thông tư 30 về đánh giá học sinh sẽ có nhiều thành công, hiệu quả mới”.

Khải Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_157528_truye-n-tho-ng-hie-u-ho-c-da-t-anh-hu-ng-go-no-i.aspx