Truyền thanh cơ sở: Mấu chốt vẫn là con người

Đầu tư cơ sở vật chất để phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở là quan trọng. Thế nhưng, để phát huy hiệu quả hệ thống này, mấu chốt vẫn là con người chịu trách nhiệm làm công tác truyền thanh.

Nhân lực vừa thiếu, vừa yếu

Với nỗ lực của các cấp, ngành, hệ thống truyền thanh đã có bước phát triển mới về cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa phát huy tối đa tác dụng. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu. Phó Trưởng đài Truyền thanh – Truyền hình (TT-TH) huyện Hương Sơn - Nguyễn Thị Hương Hà cho hay: “Hương Sơn địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên thường xuyên xảy ra hư hỏng song cán bộ truyền thanh cơ sở còn hạn chế về kỹ thuật nên có nơi việc sửa chữa chưa kịp thời. Mặt khác, do người làm truyền thanh thường kiêm nhiệm một số việc khác nên chất lượng truyền thanh cơ sở có những mặt còn hạn chế”.

Hiệu quả của đài truyền thanh cơ sở phụ thuộc rất lớn vào người được giao nhiệm vụ. Trong ảnh: Ông Dương Chí Tâm (xã Thạch Hội, Thạch Hà) soạn chương trình phát thanh.

Tại Thạch Hà, theo Trưởng đài TT-TH huyện Lê Hữu Đồng: “Các xã trên địa bàn đều có đài thu và trạm phát, mỗi xã có từ 8-10 cụm loa. Những năm 2011, 2012, nhiều xã được đầu tư trên dưới 200 triệu đồng nâng cấp trạm truyền thanh. Đã có 28 xã lắp truyền thanh không dây nhưng đa phần chưa phát huy hết công suất do thiếu nhân lực đảm trách. Người được chọn làm truyền thanh thì đa phần không có kỹ năng, chưa được đào tạo, lại thường để ý đến các vị trí công tác khác ổn định hơn. Nhiều người khi bắt đầu thạo việc thì lại chuyển vị trí hoặc đi làm nơi khác”.

Tương tự, tại Can Lộc hiện rất thiếu người có kiến thức để bảo trì, sửa chữa hệ thống truyền thanh. Nhiều địa phương như Thượng Lộc, Sơn Lộc buộc phải sang tận Thạch Hà nhờ người sửa chữa. Tại TP Hà Tĩnh, thực trạng thường diễn ra là, cán bộ truyền thanh cơ sở thiếu kiến thức để duy tu, bảo dưỡng nên có xã như Thạch Môn có năm chi phí sửa tới gần 100 triệu đồng.

Đại diện Sở TT&TT cho hay: Cán bộ phụ trách hệ thống truyền thanh cơ sở hiện nay có 199 kiêm nhiệm, 2 chuyên trách, 61 hợp đồng; về trình độ chuyên môn nghiệp vụ có 59 đại học, 43 cao đẳng, 112 trung cấp và sơ cấp. Nhìn chung, đội ngũ này chưa được đào tạo các kỹ năng vận hành, sử dụng, khai thác, biên tập và xây dựng chương trình phát thanh. Nguồn nhân lực thường xuyên biến động nên hiệu quả của truyền thanh cơ sở nhiều nơi còn hạn chế.

Nhân rộng những tấm gương làm truyền thanh

Trên địa bàn Thạch Hà, xã Thạch Hội là một trong ít địa phương làm tốt nhất nhiệm vụ truyền thanh. Cán bộ được giao phụ trách là ông Dương Chí Tâm - người có khả năng viết, nói, cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí. Không những thế, ông Tâm còn rất tâm huyết với tuyên truyền nên đã trở thành “người bạn” thông tin của nhân dân.

“Ngoài nhiệm vụ đột xuất và tiếp sóng thì mỗi tuần 3 buổi, xã mở chương trình riêng. Mở đầu chương trình là nhạc hiệu của đài xã, tiếp đó là các chương trình như: Học tập và làm theo Bác; nêu gương cá nhân hoặc tập thể điển hình trong xã; phổ biến pháp luật như các luật: Bình đẳng giới, Hôn nhân và Gia đình, Bảo vệ môi trường... Trong đợt đại hội chi bộ vừa qua, sau khi 4 thôn đại hội nhưng không bầu được nữ chi ủy viên, tôi viết bài trên truyền thanh về tăng cường thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, sau đó có thôn Liên Mỹ bầu được nữ chi ủy viên” - ông Tâm chia sẻ.

Tại Hương Sơn, mặc dù vùng miền núi khó khăn nhưng những đơn vị như Sơn Hàm, Sơn Lâm, Sơn Lĩnh đã phát huy tốt hệ thống truyền thanh cơ sở. Nguyên nhân được Phó trưởng Đài TT-TH huyện Nguyễn Thị Hương Hà xác định là “do các đơn vị này bố trí được những con người có tâm huyết và phần lớn chỉ tập trung làm nhiệm vụ truyền thanh, ít phải làm các công việc khác”. Phó trưởng Đài TT-TH huyện này cũng cho hay: “Hàng năm, Đài TT-TH huyện đã mở các lớp tập huấn về kỹ năng biên tập, phát thanh, duy tu bảo dưỡng hệ thống cơ sở vật chất cho đội ngũ làm truyền thanh cơ sở với mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đội ngũ này, qua đó, phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống truyền thanh tại các địa bàn”.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, qua đó, phát huy hơn nữa hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở, đại diện Sở TT&TT cho rằng: “Phải tiếp tục thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với các xã, phường, thị trấn, cần bố trí cán bộ làm công tác truyền thanh đảm bảo tính ổn định tương đối; thành lập ban biên tập và ban hành nội quy hoạt động; thường xuyên cập nhật phần mềm quản lý truyền thanh cơ sở; bổ sung chức danh không chuyên trách đối với người phụ trách trạm truyền thanh cơ sở”.

Trung Dân

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/truyen-thanh-co-so-mau-chot-van-la-con-nguoi/135691.htm