Truyện ngắn: Vạt nắng trên nương

Đêm xuống, bóng tối trùm lên không gian tĩnh mịch. Ngoài kia gió vẫn thổi. Mưa cứ rơi. Mái ngói ướt sũng. Bếp lửa vẫn cháy. Khói quyện lên cao, tỏa khắp căn nhà. Nhà tựa lưng vào núi, mặt hướng ra đường. Từ nhà, xuống đường qua mấy bậc đá. Bóng tối dày đặc. Ka Mách đứng trên nhà sàn nhìn ra. Cây rừng, đường bê tông, ụ đất, tảng đá giờ toàn một màu đen đặc quánh. Hai ngày rồi, mưa lớn quá làm sạt lở đường và mất điện đã hai hôm. Nay nữa là đêm thứ ba. Ba đêm, ông ngồi ở đầu tra hút thuốc, mới đó đã mấy mươi mùa rẫy đi qua...

Minh họa: VÕ VĂN

Minh họa: VÕ VĂN

Ngày đó, Ka Mách đầu trần, chân đất cõng gùi theo cha. Lẽo đẽo lội mấy con suối, băng mấy cánh rừng đến đây. Cha nói, mình đến đây phát nương, làm rẫy. Trồng cây bắp, cây lúa mà sống. Ở Ruộng Cua, chim chóc, voi rừng phá quá. Hồi năm trước, voi từ núi Bàu Hùm kéo về giẫm nát rẫy bắp. Voi đạp rào, vô nhà thằng Neo. May quá, đêm đó, nhà Neo đi ăn cúng ngã rạ làng bên chưa về. Cột ké nhà sàn chôn sâu dưới đất, voi lôi lên xô nghiêng. Dân làng đốt đuốc, gõ xằng la xua đuổi. Mãi giờ sau, đàn voi bảy con mới chịu bỏ đi. Liên tiếp mấy mùa sau, chim sẻ, chim két bay về từng đàn. Ruộng lúa đến mùa chưa gặt, bầy chim sà xuống, đám lúa xơ xác. Cả làng không biết làm sao, không biết cách nào xua đuổi. Bao nhiêu thùng thiếc, bao nhiêu xoong nồi, thau nhôm được tận dụng, tạo ra thứ âm thanh hỗn loạn, xua lũ chim rừng.

Qua hai mùa lúa, những vật dụng trong nhà bằng nhôm, bằng thiếc đều méo mó biến dạng. Già làng nói, chắc thần núi không ưng cái bụng. Không muốn dân làng ở đây. Ai tìm được chỗ mới thì đi. Cha dắt Ka Mách, cõng theo ít gạo, ít muối ra đi. Người dân trong làng cũng đi, bỏ lại góc rừng Ruộng Cua hiu quạnh. Đấy là năm Ka Mách còn nhỏ lắm, nhỏ như cây sim, cây mua ngoài rừng. Làng mới, dựng bên suối Tầm Linh. Ka Mách theo cha ra núi. Cha cắt tranh, đốn cây dựng nhà. Bà Hơ Rua ngồi dưới gốc cây gáo vàng, vót tre đan gùi.

Làng có tên Bãi Vẹt, tựa lưng vào núi, ngó ra phía ruộng bậc thang. Ruộng ở đây không nhiều, nhưng có nước thường xuyên, dễ canh tác. Còn rẫy sau nhà, trồng mì, trồng bắp. Rẫy mì nhà Ka Mách tốt quá. Có điều ban đêm heo rừng vào ủi phá. Hình như củ mì là món khoái khẩu của chúng. Đến mùa, không canh giữ, chúng ủi mì trốc lên từng bụi. Bụi mì chỏng chơ ngả nghiêng, củ mì bị heo nhai sạch. Ông Ka Noi - cha của Ka Mách, mang gùi từ rẫy về mặt buồn hiu. Hình như ông đang nghĩ ngợi điều gì. Mấy hôm sau, ông che cái chòi, chỗ hòn đá to giữa rẫy. Mặt trời chìm sau núi, ông lên rẫy đặt bẫy canh heo. Cơm nước xong, ông cầm theo bó đuốc sặt, miếng trầu và nắm thuốc rê.

Có lẽ heo rừng là loại động vật tinh khôn nhất ở đây. Nó đánh hơi người từ rất xa. Nó biết chỗ nào có bẫy, chỗ nào không có. Ông Ka Noi đặt bẫy hàng đêm mà chẳng con nào bị sập. Đêm đó, một đêm tháng Chạp, ông ngồi trên chòi vấn điếu thuốc rê, châm lửa, khói bay vu vơ. Trời se lạnh. Vài hạt mưa cuối mùa rơi lất phất. Gió rừng ràn rạt thổi. Ông quấn chăn co ro, nghĩ mà giận cái bụng. Mấy đêm liền, ông ngồi canh, chẳng thấy gì. Nhưng quay lưng đi, heo trong núi ùa ra. Hôm trước, gà gáy canh tư, ông vừa ra khỏi rẫy, chúng nhào vô phá tanh bành. Theo dõi đường đi, nước bước của chúng, ông đặt bẫy vào chỗ hiểm. Ông nghĩ, thế nào đêm nay cũng dính.

Thức dậy nửa khuya, miếng trầu nhai chưa giập, ông nghe một tiếng éc. Ông mừng thầm trong bụng. Phen này mày biết tay tao. Cầm đuốc, vác gậy, ông băng tới. Bấy giờ đã quá canh ba. Ông huơ đuốc lên cao, ánh lửa tỏa sáng một vùng. Có con vật to đen đang cựa quậy, nằm cách ông chừng mười mét. Đến gần, một con heo đen lớn, chân sau dính bẫy. Ông vung gậy, bỗng có tiếng động. Ông hạ tay xuống, nghe rột rột, rồi lặng im như có ai đang rình rập đâu đây. Ông nghe ngóng hồi lâu, lại không động tĩnh gì. Con heo to, chừng đã mệt, nằm thở. Đó là đêm cuối tuần, Ka Mách về nhà. Hai tháng trước, nó vào trường trung cấp sư phạm ở huyện. Từ huyện về Bãi Vẹt khá xa, nhưng tuần nào nó cũng về lấy thêm gạo, mắm. Hồi hôm, nó đòi theo ông lên rẫy. Ông nói ở nhà chuẩn bị đồ đạc để lên trường học. Nghe cha nói vậy, Ka Mách ở nhà, nhưng nó bồn chồn khó ngủ. Ka Mách dậy thiệt sớm, vác rựa ra đi. Bà Hơ Rua hỏi:
- Ka Mách, con đi đâu sớm vậy?
Ka Mách quay lại trả lời:
- Con đi lên rẫy tìm cái này.

Trời chưa sáng hẳn. Tiếng suối chảy róc rách. Chiều hôm trước lúc về, nó lội qua suối, nghe chân mát lạnh. Đi có mấy bữa, sao cái bụng nhớ núi, nhớ rừng quá. Làng Bãi Vẹt có chừng vài chục nóc nhà, chưa có trường lớp. Mấy đứa nhỏ phải lội suối, qua tận Hóc Nhiêu để học. Mùa mưa đi khó quá. Ka Mách ước gì có được lớp học ở đây, về dạy cái chữ cho lũ trẻ. Lũ trẻ trong làng, tóc hoe nắng, loanh quanh chạy tới, chạy lui dưới gốc gáo vàng. Bây giờ nhà sàn nào cũng lợp ngói. Màu ngói đỏ nổi bật giữa màu xanh cây lá. Nghe nói chính quyền sắp mở con đường lớn, dọc theo suối, từ Gò Hồng lên đây. Có đường, dân làng đi lại dễ hơn.

Tháng trước, đoàn cán bộ về khảo sát. Họ dự định xây mấy phòng học chỗ cây gáo vàng. Chỗ đó, đất bằng phẳng thoáng mát, nhưng muốn làm trường, phải làm đường trước đã. Ka Mách nghe, ưng cái bụng quá chừng. Có đường, có trường, chắc chắn sẽ có điện. Chà! Có điện núi rừng sẽ sáng lên, xua tan cái âm u. Hôm dự họp ở ủy ban xã, ông Ka Noi nghe có chủ trương xây làng văn hóa. Cán bộ nói văn hóa là phải biết giữ vệ sinh chung, đoàn kết và phải cho con em đến trường, không được tảo hôn và không săn bắt thú rừng. Chà! Văn hóa nhiều thứ quá, nhớ sao cho hết. Nhưng dân làng đông, mỗi người nhớ một thứ. Riêng ông, việc cấm săn bắt thú rừng hơi khó. Không bắt con nai, con mang thì được, chứ con heo rừng, nó phá miết biết làm sao đây? Ông nghĩ mãi chưa ra. Bây giờ, con heo nằm chình ình đó. Nếu không có tiếng khua rột rột khi nãy, chắc ông sẽ cho nó một gậy cho hả giận.

Trời sáng hẳn, Ka Mách tới rẫy, thấy cha ngồi trên chòi nhai trầu. Nó nói:
- Cha ơi, có con heo nào sập bẫy không cha?
Ông Ka Noi, nhả trầu nói:
- Có! Một con heo nái to.
- Nó đâu rồi cha? Cha trói nó lại chưa?
Ông lắc đầu không nói.
- Ủa, sao vậy cha?

Ông Ka Noi lại vấn thuốc, trầm ngâm một lúc. Ông nói:
- Hồi đêm, nghe bẫy sập, cha vác gậy ra. Thấy nó nằm đó. Nghe hơi người, nó hộc hộc. Cha tính phang cho nó một gậy, nhưng cha chẳng làm vậy. Con biết vì sao không? Có một lẽ mà cha thả nó về rừng rồi. Tội quá!
Ka Mách ngơ ngác, chẳng hiểu gì. Mấy hôm trước, cha giận bọn heo phá rẫy lắm mà. Sao bây giờ lại thế? Chắc là có chuyện gì đây. Hay cha nghe cán bộ nói không được săn bắt thú rừng? Ka Mách nói:
- Cha sợ bị phạt à? Hay sợ bị mất chỉ tiêu xây dựng làng văn hóa?
Ông Ka Noi điềm nhiên bảo:
- Chuyện đó đã đành. Nhưng còn chuyện khác. Bỗng dưng ông nghĩ ngợi xa xăm.

Ông nhớ về một ngày rất xa. Xa lắm, lúc bà Hơ Rua chưa về với ông. Năm đó đói kém mất mùa. Dân làng phải đào củ mài trên núi, ăn trừ bữa. Và chuyện không may đến với ông. Một nỗi buồn như đám sương mù trên đỉnh núi, vây kín lòng ông. Một chiều, ông và Y Leo đi rẫy về. Y Leo là người vợ trước của ông. Người vợ vừa sinh cho ông một mụn con. Thằng nhỏ quấn trong tấm vải. Y Leo địu con sau lưng. Hai người từ rẫy về, qua dốc Đỏ.

Dốc Đỏ bình thường đã khó đi, chiều lại mưa. Y Leo trượt chân té ngã, có lẽ va vào đá. Y Leo nằm bất động. Người đi rẫy giúp ông đưa vợ về nhà. Mấy hôm sau bà ra đi, bỏ lại đứa con đỏ hỏn. Đứa con thiếu sữa mẹ, khóc hằng đêm. Tiếng khóc đứa trẻ nghe mà nhói lòng. Ông ôm con đi hết làng này đến làng nọ để xin sữa. Ông thấu hiểu cảnh những đứa trẻ không mẹ. Đứa trẻ đó bây giờ là thằng Ka Mách. Ông nói:
- Con biết không? Lúc cha muốn cho con heo đó một gậy, bỗng dưng nghe có tiếng gì rột rột trong đám lá.
- Cái gì vậy cha? Ka Mách hỏi.
- Mười con heo còn rất nhỏ. Mười con heo nhỏ mới đẻ. Nó theo mẹ xuống rẫy mình. Bây giờ nếu giết con mẹ đi, đám heo con sẽ chết. Nó chết vì thiếu sữa. Vì đàn heo con, cha tha cho heo mẹ. Con vật cũng như người, biết kiếm ăn và cũng biết xót xa. Cha nghĩ vậy. Khi ta thả ra, heo mẹ không vụt chạy đi, nó quấn lấy đàn con. Nó quấn quít trước khi kéo nhau chạy vào rừng.

- Úi dà! Ka Mách thở một hơi dài, hình như nó vừa tiếc rẫy mì bị phá, vừa tiếc con heo nái rừng. Mà nó nghĩ cũng có lý, con vật cũng biết xót xa như con người. Con heo mẹ chết, lũ con cũng chết theo.
Hai cha con ra khỏi rẫy vừa đi, vừa tính kế, Ka Mách nói:
- Cha ơi! Hay là mình mua lưới về giăng. Con heo ngửi thấy mùi lưới, không dám lại gần đâu.
- Đúng đó con. Hôm sau xuống chợ huyện, tìm mua cho cha một tấm lưới dài. Loại lưới cọng lớn.
- Dạ, con biết rồi!

Khi hai cha con về tới sân, bà Hơ Rua đang cho gà ăn. Nhả miếng trầu, bà nói:
- Hai cha con ông lên rẫy có bắt được con gì không?
Ông Ka Noi cười xoa tay:
- Có con gì đâu, ráng ít hôm qua Tết, mình thu hoạch mì rồi tỉa bắp. Ông quay lại nói với Ka Mách:
- Con lo sắp xếp đồ đạc rồi xuống trường cho sớm.
Ngoài kia nắng đã lên. Nắng trải vàng trên cánh đồng lúa bậc thang.

THOẠI VĂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202312/truyen-ngan-vat-nang-tren-nuong-0284758/