Truyện ngắn Haruki Murakami: 'Chấp nhận mọi thứ một cách nguyên vẹn'

Dường như trong kho tàng truyện kể của Haruki Murakami chưa bao giờ thiếu vắng các ý tưởng kỳ dị. Hai tuyển truyện ngắn của ông mới xuất bản ở Việt Nam: Những chuyện lạ ở Tokyo và Sau động đất không thiếu những thứ như khỉ biết nói, vật thể bay không xác định và thường xuyên nhất vẫn là những thị dân cô độc bước đi trên tinh cầu này. Một tinh cầu mà nếu trong tác phẩm nào đó, Haruki Murakami nói rằng Trái đất hình vuông thì cũng chẳng lấy gì làm kinh ngạc. Ông đã chẳng ngần ngại xây dựng những thế giới song song, hai mặt trăng đồng hiện trên bầu trời, người cừu, mưa cá hay những hồn ma quá khứ.

Thế giới tiểu thuyết của Haruki Murakami đồ sộ, sống động, chưa bao giờ kém hấp dẫn. Nếu phải so sánh, nó giống một công viên giải trí, nơi bạn có thể bước lên tàu lượn siêu tốc để mình bị cuốn đi mà không cách gì dừng lại đột ngột, thi thoảng bạn dừng lại để ăn một que kem, hay đi qua nhà kinh hoàng với đầy tiếng thét rùng rợn, để rồi khi ngày đã tàn, khu vui chơi gần đóng cửa, bạn cầm tấm vé trên tay bước ra bên ngoài với sự trống rỗng hoang mang. Còn đọc truyện ngắn của Haruki Murakami giống như khi bạn ở khu vui chơi, không kém cạnh hơn về độ choáng ngợp so với công viên giải trí nhưng thời gian trải nghiệm thì ngắn ngủi.

Đọc qua hai tập truyện ngắn kể trên, có thể thấy Murakami ý thức rất rõ trong việc xây dựng bản thảo cho một tuyển tập, hơn là dựa vào thói quen in tản mác hay công bố trước rồi mới gom lại thành tập chung sau.

Ở Những chuyện lạ ở Tokyo (Vương Hải Yến dịch, Nhã Nam và NXB HNV 2023), ngay từ truyện khởi đầu của tập, “Lữ khách tình cờ”, nhà văn đã không ngần ngại xuất hiện như một nhân vật, dự phần vào “xứ sở kỳ diệu lạnh lùng và nơi tận cùng thế giới” (cũng là tên một tiểu thuyết của Murakami Haruki).

“Tôi, Murakami, là người viết nên tác phẩm này.” Ông ví mình là “người kể đứng trước tấm rèm sân khấu, nói lời mở đầu, cúi chào rồi lại về phía sau”. Và ông mong độc giả kiên nhẫn đôi phút. Tiếp đó, ông giới thiệu vắn tắt về một giai đoạn trong cuộc đời ông, mà nếu đã biết tiểu sử nhà văn, độc giả sẽ hay có thông tin này đều là thật.

Ở đây, tác giả làm một động tác xóa nhòa ranh giới giữa hư và thực. Haruki Murakami là một nhà văn người Nhật có thật, ông muốn nói với độc giả, những gì ông sắp kể dẫu có “kỳ lạ” nhưng chúng là thật. Để tăng tính chân thực ông cũng cố thêm: “Câu chuyện tôi viết ra tiếp theo đây là do một người quen kể riêng với tôi”. Vậy là, dù tuyên bố là hiện thực, nhưng là một hiện thực gián cách, một hiện thực được chứng kiến, thuật lại dưới nhãn quan và ký ức của một người khác.

Trong cùng truyện “Lữ khách tình cờ”, Murakami dịch chuyển dần từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba (từ điểm nhìn hẹp mang tính cá nhân đến điểm nhìn toàn năng) và từ hiện thực sang hoang đường. Bước chuyển này diễn ra tự nhiên như cách Murakami sẽ đưa độc giả vào thế giới khác thường của ông.

Tên truyện trong tập Những chuyện lạ ở Tokyo như “Tại nơi mà dường như tôi có thể tìm ra thứ ấy ở bất cứ đâu”, “Viên đá hình quả thận dịch chuyển mỗi ngày”, “Khỉ Shinagawa” phần nào đã nói lên được tính chất siêu thực, những ám gợi kích thích trí tò mò của người đọc, một cách chuẩn bị tinh thần để chấp nhận đủ thứ hoang đường đang chờ họ trong sách.

Giữa những cái tên như thế, “Vịnh Hanalei” mang vẻ “bình thường” nhất. Truyện gợi nhắc đến “Chết giữa mùa hè” của Mishima Yukio, đều khởi sự bằng một vụ chết đuối trên biển. Ở “Vịnh Hanalei” tính chất thảm khốc hơn khi con trai một nghệ sĩ dương cầm trong khi đang lướt sóng thì bị cá mập tấn công và tử nạn. Cô phải đến hòn đảo xa lạ và học cách “Dù công bằng hay bất công, dù có tư cách hay không, cô vẫn phải chấp nhận mọi thứ một cách nguyên vẹn”. Để rồi đến cuối, khi nghĩ đến Vịnh Hanalei, hiện ra trong tâm trí cô không phải là cái chết của cậu con trai mà là tiếng sóng, những đám mây, và niềm mong mỏi trở lại đây vào mùa thu.

Truyện ngắn trong Những chuyện lạ ở Tokyo có vẻ kém hấp dẫn hơn Sau động đất (Mai Khanh dịch, Nhã Nam và NXB HNV 2023). Các truyện trong tập Sau động đất cố kết với nhau bằng một khoảng thời gian phiếm chỉ sau một trận động đất, một trận động đất vẫn còn in đậm trong ký ức của các nhân vật từ truyện này sang truyện khác. Nó có thể là chủ thể chung cho một cuộc nói chuyện, một dự cảm, và trong truyện “Ếch giải cứu Tokyo”, động đất trở thành nguyên cớ để dẫn đến một cuộc phiêu lưu điên rồ và phi thường.

Tài năng của Murakami thể hiện trong các truyện ngắn trong Sau động đất đã đạt độ thuần thục. Truyện được xử lý tự nhiên, nhẹ nhàng đối với một chủ đề dễ dàng trượt sang kể lể về thảm họa hay làm trầm trọng hóa. “Động đất” trở thành từ khóa, mở ra một thế giới hậu sang chấn, không chỉ diễn tả sự chấn động của thiên nhiên mà là sự sang chấn của tâm hồn con người.

Các nhân vật của Murakami mắc kẹt trong quá khứ, trong một nỗi đau tưởng chừng sờ nắn được dù nhiều khi chính họ cũng không biết phải miêu tả nó thế nào. Họ là những con người bình thường, làm công việc bình thường, có những mối quan hệ bình thường, nhưng bên trong họ vẫn luôn tồn tại điều gì đó “khác thường”, như thể bất cứ lúc nào cũng chực chờ nhấn chìm họ như ẩn họa của một trận động đất.

Đó là những góc khuất mà họ không thể giải bày, tựa hồ một nhân vật trong truyện ngắn “Thái Lan” đã nói: “Tôi hiểu tâm trạng của cô, nhưng một khi cô nói ra thành lời, mọi chuyện sẽ trở thành dối trá”. Đây cũng không phải là lần duy nhất Murakami bày tỏ ngôn từ là nguyên nhân của những hiểu lầm. Yếu tố huyền ảo trong các truyện ngắn của Murakami như tấm gương phản chiếu hiện thực, không phải bóp méo nó, mà để chúng ta có thể nhìn theo một cách khác. Vị nữ bác sĩ ý thức được hòn đá màu trắng đè nặng lấy cô, ám ảnh cô và chỉ có đi vào giấc mơ là cách khả dĩ để tìm ra cách giải thoát.

Sau rốt, ta sống vì điều gì và điều gì giữ ta tiếp tục tồn tại trên mặt đất này? Những câu hỏi siêu hình dội lại trong tâm tưởng của các nhân vật. Nhưng trên hết, các nhân vật của ông dù khiếm khuyết vẫn chất chứa một hy vọng, vẫn không để thực tế phũ phàng đánh gục. Họ khước từ trốn chạy những dự cảm tăm tối, những chiếc hộp đáng sợ giam giữ cuộc đời bé nhỏ của mình. Như tác giả truyện ngắn trong truyện “Bánh mật ong”, anh có thể chỉ là một kẻ “ôm giấc mộng, mong ngóng đến khi đêm tàn trời trở sáng, trong ánh sáng đó, anh ta sẽ ôm chặt những người mà anh ta yêu thương”, mặc cho “bầu trời sụp xuống” hay “mặt đất nứt toác ra trong tiếng rung chuyển”.

Haruki Murakami duy trì một giọng tâm tình, gẫn gũi. Tính chất đại chúng trong cách ông cài cắm các yếu tố thuộc về văn hóa hiện đại cho phép các truyện ngắn này đi ra ngoài biên giới một hòn đảo để tìm được sự đồng cảm của những cá nhân xa xôi nghìn trùng. Hệt như không gian bờ biển đêm trong truyện “Khung cảnh có bàn ủi”. Hai người ngồi bên đống lửa, lửa tắt thì cái lạnh sẽ ập đến, giấc mộng sẽ tan tành. Nhưng không phải vì thế mà thôi hy vọng, thôi thắp lên những đống lửa, dẫu chỉ giúp trái tim sưởi ấm đôi chút trong lúc đợi mặt trời lên.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/truyen-ngan-haruki-murakami-chap-nhan-moi-thu-mot-cach-nguyen-ven/