Truyện ngắn của Sơn Trần Bên kia dốc

1. Bản Lách của người Cor nằm phía bên kia dốc. Muốn vào bản phải qua một con đường uốn lượn nối từ chân dốc rẽ trái, lặng lẽ dưới hai tán keo bạt ngàn. Đi chừng mười phút nữa mới đến trường. Thịnh kiểm tra lại chiếc xe máy trước khi vượt dốc. Chiếc xe này anh mua từ tiền vay ngân hàng khi mới ra trường. Chiếc xe màu xanh rêu, đôi chỗ đã sờn tróc dính bụi đường, đất đỏ nhưng nó đã gắn bó, đồng hành với anh suốt gần mười năm nay. Anh chưa có ý định thay, bởi nhiều lẽ. Trước kia, mỗi lần về xuôi, đưa bạn gái đi chơi phố, sự ngại ngần cũng dợm lên trong suy nghĩ anh. Giữa đám bạn là lượt áo quần đắt tiền, xe tay ga xịn, anh thấy mình thua kém. Cũng may bạn gái, đồng môn với anh đã không chê mà chấp nhận ngồi sau anh suốt mấy mùa hò hẹn. Thế rồi, anh đã không giữ được những gì đẹp nhất của tình yêu khi sự tính toán hơn thua chen vào cuộc tình thời sinh viên mà anh đã dự cảm sẽ sớm đến hồi kết thúc. Người yêu khoác túi ra đi trước ngày tựu trường mấy hôm khi không chịu được cảnh buồn chán quẩn quanh.

Ảnh minh họa. Ảnh: AN NGUYỄN

- Thầy giáo vô bản hả?

Chị chủ hiệu tạp hóa ven đường, dưới gốc đa to, lên tiếng. Anh quay lại nhìn chị và nhoẻn miệng cười thay cho câu trả lời. Chiều xuống dần. Nắng không còn chói chang nữa. Trên chóp núi những đám mây trắng xốp đang lũ lượt bay về phía xa. Thịnh nhìn khung cảnh này biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng gợi lên trong anh nhiều cảm xúc về vùng đất cùng những rừng keo bạt ngàn; về con suối chảy ngang trường chưa bao giờ cạn nước; về người dân nơi đây; về những đứa học trò da đen nhẻm, tóc khét nắng, có đứa chân đất đến lớp... Anh đã cùng tuổi xuân của mình đi qua những ngày gian khó nơi đây và trong thâm tâm anh chưa hề có ý định sẽ chuyển về xuôi nếu có cơ hội. Anh thầm coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình rồi.

2. Thịnh về đến khu tập thể lúc trời đã nhập nhoạng. Những phòng bên cạnh đã lên đèn. Tiếng nói cười, tiếng bát đũa va vào nhau, mùi thức ăn lan tỏa khiến bụng anh chộn chạo. Anh mở cửa phòng. Bóng tối vây lấy anh. Anh dừng lại giây lát như định thần. Có điều gì đó đang dâng lên trong lòng anh. Nỗi cô đơn, trống vắng xâm lấn khiến anh muốn rơi nước mắt. Trong khu tập thể chỉ mỗi anh chưa lập gia đình. Nhìn mấy cặp vợ chồng và mấy đứa trẻ mỗi sớm mỗi chiều chạy lon ton, cả tiếng la mắng của cha mẹ đối với con cái đều làm niềm khao khát trong anh muốn bung vỡ, tuôn trào. Một căn phòng đơn sơ, hai vợ chồng mỗi đêm soạn bài, chấm bài và một đứa con thiêm thiếp ngủ sau khi vòi vĩnh ba mẹ kể chuyện cổ tích, đối với anh sao xa vời quá. Anh đã ngoài ba mươi, tuy chưa già nhưng ở nơi xa xôi, vắng người này hiếm gặp được người biết cảm thông, chia sẻ. Nhớ lại mối tình sinh viên đầy mơ mộng, ra trường dắt nhau lên đây công tác, những tưởng thành đôi, ai ngờ…

3. Trường lại có biến động giáo viên. Mấy năm nay lớp tăng nhưng giáo viên thiếu hụt. Thường ra trường, người ta lên đây công tác vài ba năm là tìm cách chuyển về gần nhà. Thành ra, mỗi năm đều biên chế lại đội ngũ giáo viên cho hợp lý, nhất là các điểm lẻ, tít trong bản sâu, nhiều năm không đủ thầy cô đứng lớp. Có năm Thịnh phải vừa dạy lớp 5 điểm chính và chiều phải vô điểm lẻ dạy lớp 2. Gặp mùa mưa, lũ đột ngột, đợi lũ rút về đến khu tập thể thì trời sắp sáng. Nhiều lúc nản lắm, muốn buông xuôi, tìm việc khác làm, nhưng Thịnh lại băn khoăn khi nhìn lũ học trò nhếch nhác, thiếu ăn, cúi mặt đánh vần từng con chữ, xòe tay làm từng phép tính thì anh không sao dứt bỏ. Thế nên, khi bạn bè, đồng nghiệp đã về xuôi, ổn định gia đình, công tác trong những ngôi trường thuận lợi, anh vẫn hàng ngày đến với các học trò dân tộc Cor lắm thiệt thòi này.

- Thầy Thịnh đợt này có làm đơn thuyên chuyển không?

Thầy hiệu trưởng vừa mở cuốn sổ ra, bắt đầu cuộc họp đã nhìn anh thăm dò. Thịnh hơi bất ngờ nhưng cũng dứt khoát:

- Dạ, không ạ!

Thầy hiệu trưởng gật đầu cười mãn nguyện. Trong thâm tâm, thầy cũng rất muốn Thịnh chuyển trường về gần nhà, tiện chăm sóc cha mẹ rồi lập gia đình, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, qua nhiều năm làm việc với nhau, khi thấy các giáo viên khác nôn nóng hết năm làm đơn xin chuyển trường thì Thịnh vẫn không hề đề cập đến, thầy từng thắc mắc hỏi anh. Khi biết được ước nguyện của Thịnh, thầy tỏ ra quý mến anh, luôn động viên anh hoàn thành nhiệm vụ.

Thầy hiệu trưởng từ tốn:

- Thực ra với những thành tích đạt được trong mấy năm liền của thầy, cấp trên muốn ưu tiên để thầy lựa chọn một ngôi trường dưới xuôi trong danh sách các trường còn thiếu chỉ tiêu. Tôi nghĩ thầy còn trẻ, hãy đến một môi trường mới để phát huy năng lực!

Nghe thầy hiệu trưởng nói, Thịnh thấy bồn chồn. Về xuôi, gần cha mẹ nhưng lại xa cái bản nghèo gắn bó gần mười năm với bao buồn vui. Ở lại, được dạy dỗ các em, cùng các em lên rẫy thu hoạch mì, bắp, vào rừng bẻ măng, hái sim và ngày lễ, Tết hay hè vẫn về với cha mẹ. Ai trong cuộc đời cũng muốn sung sướng, thuận lợi cả nhưng với anh đã trót bén duyên với vùng đất cằn, nghèo khó này rồi. Nói ra đi là đi sao đành.

- Tôi cảm ơn sự quan tâm của các cấp nhưng tôi nghĩ công tác ở đâu cũng vậy, miễn mình mang tất cả khả năng và tâm huyết của mình cống hiến thôi! Tôi sẽ nhường suất này cho thầy cô nào đó có nhu cầu hơn tôi!

Cả phòng họp xầm xì, xôn xao. Rồi bất ngờ một tràng vỗ tay vang lên.

4. Mưa suốt mấy ngày đêm. Đường vào điểm lẻ nhiều đoạn sạt lở. Thịnh phải gửi xe máy ở nhà dân gần đó, xắn quần lội bộ. Bầu trời âm u, sũng nước. Mưa lại bắt đầu tuôn xuống. Nước từ sườn núi ào ạt, lênh láng mặt đường. Càng đi vào sâu càng vắng vẻ, nhưng Thịnh vẫn dấn bước. Anh tự nhủ, cần qua được con suối đầu bản thì may ra đến được điểm lẻ. Biết rằng mưa gió thế này học trò sẽ không đến lớp nhưng anh vẫn phải vào. Điểm trường lẻ chỉ mấy căn phòng cũ tuềnh toàng, dột nát nằm cheo leo nơi vách núi, đằng sau là con suối nhỏ, róc rách đêm ngày.

Học trò và dân bản đã đứng đầu dốc đón anh. Vừa thấy anh khó nhọc bám chân khỏi trượt để lên dốc, lũ trẻ reo lên:

- Thầy ơi cố lên…

Những cánh tay đưa lên rối rít, những nụ cười tươi nở trên môi. Anh thấy xúc động vô cùng. Thì ra mọi người biết thế nào anh cũng vào, dù mưa to nên họ đã đứng chờ. Anh gật đầu chào và bắt tay những người lớn tuổi, hỏi thăm đôi câu về tình hình mưa gió. Họ nắm chặt tay anh, có người đã khóc vì sự tận tâm của người thầy biết nghĩ cho trẻ em vùng sâu này.

S.T

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202310/truyen-ngan-cua-son-tran-ben-kia-doc-c3a0b5c/