Truyện ngắn: Bà Paulette

Một người phụ nữ đột nhiên xuất hiện trước mặt, tôi chưa bao giờ gặp bà ấy trước đây. Bà mặc váy dài màu đen, trên cổ áo gài huy hiệu,...

Ảnh minh họa: ITN.

Tôi đi dạo dọc bờ sông Loire ở Brives - Charensac, một thị trấn nhỏ chỉ 4 nghìn dân, ở trung tâm vùng Auvergne. Dòng sông tráng lệ tỏa sáng dưới ánh nắng tháng 5.

Vừa thức dậy lúc 7 giờ sáng, tôi dẫn chú chó của mình dạo trên những cánh đồng đầy hoa với tiếng chim hót chào buổi sáng, trong mùi ẩm ướt của sương sớm cùng những người nuôi chó khác.

Thật là một ngày đẹp trời. Mùa Xuân là mùa tuyệt vời, mọi vật đều đâm chồi, mầm non mọc lên từ mặt đất, cây cối ra hoa, thủy tiên vàng, tử đinh hương, và anh thảo. Dường như mọi vật đều trưng diện, khoác lên mình bộ quần áo mới làm xao xuyến con tim.

Xa xa, những người dân chài trong bộ quần áo nhựa màu xanh lá cây dài tới vai, cần câu trên tay, phóng câu vài con cá, dùng ruồi giả làm mồi nhử. Những hàng liễu rủ đã thôi tiếng lao xao, những chú gà trống trong sân nhỏ khản cổ gáy sáng. Những chú chim sáo ríu rít chào ngày mới. Mọi thứ đều tươi mới. Không gì có thể phá vỡ được không khí mùa Xuân sôi động, tràn đầy sức sống này.

Ai mà biết được, trong chớp mắt, chỉ một phần giây, mọi thứ có thể thay đổi? Một người phụ nữ đột nhiên xuất hiện trước mặt, tôi chưa bao giờ gặp bà ấy trước đây. Bà mặc váy dài màu đen, trên cổ áo gài huy hiệu, chân trần, mái tóc dài xõa tung.

Dường như bà đang bị mất phương hướng, lao về phía tôi: “Trộm”, “Chó của tôi bị bắt mất rồi!”. Vẻ ngoài nhếch nhác, giọng điệu hốt hoảng, tôi không dám tin. Bà làm tôi có chút sợ hãi. “Chó của tôi thực sự bị trộm rồi!”. Tôi không biết nên làm thế nào: Có nên tiếp tục đi ngang qua như thể không nhìn thấy hay dừng lại giúp đỡ.

“Đừng sợ, nghe này, tôi chỉ muốn cháu giúp thôi, con chó của tôi đã bị bắt đi rồi!”. Thật bất ổn, cơn rùng mình nhẹ chạy dọc sống lưng, tôi quyết định trả lời: “Ai đã bắt trộm nó, thưa bà?”. Bà có vẻ rất vui vì cuối cùng tôi cũng nói chuyện. Bà nói bà không biết.

Không, bà không còn nhớ nữa. Sau đó, tôi hỏi tên, địa chỉ, tuổi. Bà trả lời: “Tôi không nhớ, tôi cũng không biết nữa!”. Chuyện này thật phức tạp. Tôi nên làm gì đây? Gọi cảnh sát, đưa bà về nhà sau khi biết được thông tin từ hàng xóm của mình? Hay đưa bà đến bệnh viện gần nhất? Tôi ngập ngừng do dự.

Người phụ nữ đột nhiên lấy trong túi ra chùm chìa khóa, tiến lại gần, nắm tay tôi dẫn đến tòa nhà ngay trước mặt. Tôi bất giác đi theo. Bà không thể làm hại hay bắt tôi làm con tin.

Bởi với vẻ mệt mỏi lộ rõ, chắc bà không còn sức làm tổn thương ai. Tôi đi theo mà không chút e ngại. Tôi thấy mình đang ở trong một căn hộ đầy phong cách, bức ảnh bà bế một đứa trẻ trên tay được treo ở lối vào. Chúng tôi có lẽ đã ở trong nhà của bà. Chắc bà đã nhớ ra mình là ai vào phút cuối.

Bà nói với tôi với giọng xấu hổ: “Tôi xin lỗi, con chó của tôi bị trộm mất, tôi không biết ai đã bắt nó. Tôi chạy đi tìm, nhưng không thể làm gì được, tôi không tìm thấy nó!”.

Câu chuyện về con chó này phải chăng là thật? Bà thực sự để mất nó sao? Liệu đây có phải là dấu hiệu ban đầu của bệnh mất trí nhớ? Tôi ngồi trên chiếc ghế trong bếp nơi bà mời tôi ngồi. Bà bắt đầu chuẩn bị bữa sáng, tôi đành phải đồng ý.

Sau đó, bà ngồi xuống, nói: “Sáng nay tôi thức dậy. Tôi nhìn thấy một người đàn ông trên tường, ở đó, đúng vậy, chính là ở đây, trong khung hình, anh ta đưa tay ra khỏi tường, rồi tóm lấy con chó của tôi. Sau đó biến mất không một dấu vết. Tôi nghĩ, anh ta đã mang theo nó qua tường.

Nhưng khi ra ngoài, tôi lại chẳng thấy gì cả. Không có con chó và bàn tay người đàn ông trong khung hình đã không còn ở đó nữa. Anh ta nhốt con chó của tôi vào tường rồi. Vì thế, tôi không biết làm thế nào để có thể đi vào tường! Thế là tôi chạy ra ngoài. Có lẽ ở đó, tôi sẽ tìm thấy nó!”.

Nỗi sợ hãi hoàn toàn bao trùm lấy tôi. Câu chuyện thiếu mạch lạc của bà xen lẫn với cái nhìn thẳng vào mắt tôi, như thể đang tìm kiếm con chó trong đó. Tôi rùng mình. Tôi không biết phải phản ứng thế nào.

Tôi trả lời khôn khéo không làm bà sợ hãi: “Cháu hiểu rồi. Cháu nghĩ người đàn ông bị cắn rồi. Và chú chó thông minh của bà đã trốn thoát. Nó sẽ quay lại sớm thôi”. Ngay lập tức, bà nở với tôi nụ cười rạng rỡ nhất. Câu trả lời của tôi có vẻ hợp lý. Tôi nhìn thấy trên bàn cách đó không xa một hộp thuốc, tôi nghĩ bà có vấn đề về sức khỏe. Có lẽ là bệnh Alzheimer?

Đột nhiên, tôi nghe thấy tiếng chìa khóa xoay trong ổ cửa trước. Một người phụ nữ ăn mặc sang trọng xuất hiện. Cô ấy rất ngạc nhiên khi thấy tôi. Tôi kể cho cô ấy nghe chuyện đã xảy ra khi người phụ nữ đang ngồi trên ghế ngủ thiếp đi. Cô ấy nói với tôi, bà sẽ được chuyển đến nhà chăm sóc đặc biệt trong vài ngày tới.

Cô ấy xin lỗi vì đã làm mất thời gian của tôi. Cô ấy kể rằng, cô đã không rời xa bà suốt một năm nhưng sáng nay cô phải ra ngoài hơn một tiếng đồng hồ. Cô không nghĩ Paulette - tên người phụ nữ đứng tuổi kia - sẽ chạy ra ngoài như vậy. Cô ấy kể: “Con chó của bà ấy đã chết cách đây hai tháng, kể từ đó bệnh tình của bà ngày càng trầm trọng hơn”.

Ảnh minh họa: ITN.

Trước đó, thần kinh tôi có chút căng thẳng nhưng tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm khi có người giải thích mọi chuyện. Với sự đồng ý của cô ấy, tôi quyết định sẽ dành một chút thời gian đến thăm bà Paulette mỗi ngày, giúp cô ấy có thời gian nghỉ ngơi cho đến khi bà Paulette rời đi. Cô ấy rất cảm động vì điều đó. “Bà ấy vẫn có những lúc tỉnh táo. Nhưng khoảnh khắc đó thật sự rất hiếm”.

Tôi quay lại vào ngày hôm sau. Rồi những ngày tiếp theo. Bà Paulette có những lúc tỉnh táo, cũng có những lúc mơ hồ. Để không làm bà sợ hãi, tôi dần bước vào thế giới của bà.

Tôi không cố gắng tìm kiếm sự thật khi bà chìm đắm trong ký ức hay bất thình lình nhìn tôi, hỏi: “Nhưng cô là ai? Cô đang làm gì ở đây?”. Sau đó, một lúc sau: “À, Sylvie, cháu ở đó, cháu có thấy cây hoa phong lữ của tôi trên ban công không? Chúng thật đẹp phải không?”.

Ranh giới giữa quá khứ và hiện tại làm đảo lộn trí nhớ của bà, ảo, thực, địa điểm, thời gian, mọi thứ trộn lẫn vào nhau. Paulette là một phụ nữ rất xinh đẹp. Những bức ảnh của bà kể cho tôi nghe những ký ức về người chồng đã khuất, một đứa con, người chị xa ở miền Nam, ngôi nhà lớn vừa mới bán...

Tôi đã giải đáp được những câu hỏi về sự tồn tại của bà qua những cuốn album, qua câu chuyện về em gái Christiane, người đã chăm sóc bà (người mà tôi gặp lần đầu) và trong những khoảnh khắc bà Paulette tỉnh táo, trở lại với thực tế.

Ngày tháng trôi qua. Chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết. Tình trạng bà Paulette dường như đã được cải thiện phần nào. Tôi cảm thấy bình yên. Những chuyến thăm của tôi luôn được đón chào, mong đợi. Tôi như thuần hóa được bông hồng của mình, bà vẽ cho tôi một con cừu, tôi bảo vệ bà dưới chiếc chuông thủy tinh, bà đã dập tắt những ngọn núi lửa của mình.

Paulette, công chúa của tôi trên hành tinh của bà. Tôi quyết định tham gia cùng bà trong chuyến hành trình này. Tôi thấy rằng khi đi theo Paulette, không tỏ ra ngạc nhiên sẽ khiến bà hạnh phúc và bình tĩnh hơn.

Tôi đi cùng bà ngày càng nhiều trên những chuyến hành trình bất khả thi, bước vào hiện thực vô hình về cuộc sống của bà trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Bất cứ điều gì. Nhiều con số hơn, nhiều niên đại hơn, có tính liên kết hơn.

Ảnh minh họa: ITN.

Tại sao chúng ta luôn phải sửa chữa mọi thứ theo trình tự thời gian tồn tại của mình? Ký ức là kẻ trộm, chúng đánh cắp độ chính xác của đồng hồ, chúng không phải lúc nào cũng chỉ hướng Bắc trên la bàn của chúng ta.

Chúng bị phân tâm bởi những chuyến du hành thời gian. Chúng sai lầm, lạc lối. Chúng chơi trốn tìm với đứa trẻ chúng ta. Và điều đó cũng rất tốt. Điều đó không thực sự quan trọng, chỉ có một điều quan trọng, đó là tình yêu.

Tôi nhớ ngày hôm qua (tôi cũng không chắc có phải là ngày hôm qua không?), bà Paulette và tôi đi câu cá ở hồ Bouchet, gần Cayre, cách nhà Paulette vài km. Chồng bà, Bernard, vừa mới trở về, đã chuẩn bị bữa tiệc trong khi tôi buộc dây xích cho chú chó.

Cô con gái Monique cười lớn khi thấy chúng tôi bận rộn như vậy. Bốn người chúng tôi đều rất vui vẻ. Chúng tôi mong đợi kỳ nghỉ này từ rất lâu rồi! Cùng nhau ngồi trên bãi cỏ bên hồ, chúng tôi đã có khoảng thời gian vui vẻ.

Những cây thông lớn trăm tuổi tỏa ra mùi rừng đặc trưng trong không gian rộng lớn, cao xanh này. Những chú chim ăn mừng cùng chúng tôi, còn với Paulette, bà hát, hát toàn bộ bài hát của mình. Đặc biệt là bài hát của ca sĩ Aznavour: “Tôi nói với bạn về một thời. Mà nếu bạn chưa đủ 20 tuổi. Bạn không thể biết được. Montmartre thuở ấy…” (“La Bohème”).

Ở đó, sau khi no bụng, chúng tôi muốn ngủ trong không khí trong lành, say sưa với những bài hát được hát hơn một tiếng đồng hồ. Vào lúc chúng tôi không còn suy nghĩ gì nữa, chúng tôi chợt nhìn thấy một bàn tay to lớn, thậm chí khổng lồ, nhô lên giữa hồ.

Nó rất cao, đứng dậy, xòe các ngón tay, các đốt ngón tay co lại khi bước về phía chúng tôi. Nó muốn bắt lấy tay chúng tôi! Chúng tôi nghe thấy một giọng nói lớn: “Ta sẽ bắt lấy Paulette! Ta sẽ bắt Sylvie đi!”. Quá sợ hãi, chúng tôi đứng dậy, chạy thật nhanh và núp sau những thân cây lớn xung quanh.

Bà Paulette chạy theo một cách khó khăn, “Nhanh lên Paulette, nhanh lên nào!”. Bà hờn dỗi đáp: “Mọi người nghĩ việc này dễ dàng ở tuổi của tôi sao!”. Tôi nắm lấy tay giúp bà tăng tốc. Cánh tay lớn nhô lên khỏi mặt nước, có hai con mắt to ở cổ tay.

Nó đã nhìn thấy chúng tôi! Phải làm gì đây? Tất nhiên là chạy, nhưng bà Paulette không thể theo kịp. Chỉ còn giải pháp duy nhất, nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác, trèo lên cây, cánh tay kia không thể vươn xa đến thế! Gần đó, một thân cây uốn lượn vẫy gọi, chúng tôi bắt đầu leo lên. Chúng tôi ngồi trên những cành cây lớn nằm ngang.

Bàn tay với đôi mắt tò mò vẫn đang tìm kiếm chúng tôi. Bà Paulette đang run rẩy. Tôi bảo vệ bà bằng áo khoác của mình. Bà mỉm cười với tôi, miệng đầy nếp nhăn, thì thầm: “Cháu có nghĩ nó sẽ tìm thấy chúng ta không?”. Tôi khẳng định với bà rằng bàn tay của những con quái vật khổng lồ không bao giờ trèo cây. Chúng tôi đã an toàn. Thở phào nhẹ nhõm, bà thở dài.

“Đây, nhìn này Paulette, cô thấy cháu đã nói đúng không, bàn tay đó biến mất, nó biến mất trong hồ như viên thuốc sủi bọt! Chúng ta thoát khỏi nguy hiểm rồi!”. Paulette uống cạn ly rượu, nhìn tôi với ánh mắt biết ơn.

Sau vài phút, bà đã nhận ra mình đang mơ: “Tôi lại gặp ác mộng nữa phải không, Sylvie?”, tôi gật đầu. Bà nói: “Tôi thường xuyên đến hồ này với Bernard trước khi ông ấy qua đời. Nó thật là đẹp! Ông ấy dành cả ngày để câu cá trong khi tôi ngồi cạnh đan lát. Tháng nào cũng đến. Dù sao, tôi cũng là vợ người đánh cá, chúng tôi đã rất hạnh phúc!”. Đôi mắt ướt đẫm của bà nhìn vào mắt tôi, tìm kiếm ký ức tương tự, hình ảnh hạnh phúc của quá khứ.

Ảnh minh họa: ITN.

Paulette đã thiếp đi. Tôi ngắm nhìn bà mỉm cười nhẹ nhàng, vẽ những con cá, những hàng cây uốn lượn, mùi cây thông, những con bướm bay lượn đùa giỡn, những chú chim đang hót.

Lạc vào khung cảnh đó, tôi quên mất thế giới hiện tại. Khi bà Christiane đi mua sắm về, tôi đã rời đi. Tôi cũng mệt mỏi như người bạn già trong chuyến dã ngoại ngẫu hứng đầy ảo mộng vài giờ trước đó.

Ngày hôm sau, điện thoại reo to. Bà Paulette đã qua đời trong đêm. Trên bầu trời, tôi nhìn thấy cầu vồng nhỏ sau cơn mưa buổi sáng. Tất nhiên, Paulette đã đi theo. Bà vẫy tay với tôi, ngồi trên mái vòm màu.

Sau đám tang, tôi đến căn hộ của bà. Lần cuối cùng trò chuyện với bà Christiane. Có một cuốn album mở to trên bàn cà phê trong phòng khách. Chỉ có ảnh trẻ em, trẻ sơ sinh, ở mọi lứa tuổi.

Tôi rất ngạc nhiên khi xem qua cuốn album này, Christiane giải thích: “Đây đều là ảnh của những đứa trẻ mà Paulette đã chăm sóc khi còn là bảo mẫu. Chị ấy rất quan tâm đến nó, luôn nói: “Tôi đã ôm tất cả chúng!”, kỷ niệm này rất ý nghĩa với chị ấy. Paulette ghi tên và năm sinh dưới mỗi bức ảnh!”.

Tôi quan sát, sững sờ. Bất ngờ như bị hôn trộm lên má, tôi nhìn thấy: “Sylvie L. Ngày 16 tháng 11 năm 1964. Paris ngày thứ 17”. Thật kỳ diệu! Bà Paulette đã từng là bảo mẫu trong những giây phút đầu tiên của cuộc đời tôi, cũng là người bảo vệ những giấc mơ của tôi. Tôi ước bà có thể đến ngưỡng cửa của Cầu vồng vĩnh cửu.

Ngọc Anh (Dịch từ tiếng Pháp)

Truyện ngắn của Deogratias (Pháp)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-ba-paulette-post669238.html