Truyền khát vọng, hóa giải nỗi sợ sai

Những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích của nhân dân, của đất nước không chỉ tạo ra tiền đề cho sự đổi mới, đem lại lợi ích cho nhân dân và xã hội mà còn mãi truyền cảm hứng, khát vọng, tinh thần dấn thân cho cả thế hệ hiện tại và tương lai…

Những ngọn lửa dám nghĩ, dám làm

Gần 45 năm, kể từ ngày ông Kim Ngọc mất đi (1979), nhưng quyết định đột phá, “xé rào” của ông trong sản xuất nông nghiệp vẫn mãi được mọi người nhớ đến. Để rồi, nhớ đến ông là nhớ đến “khoán hộ”, “khoán mười”, góp phần thúc đẩy đổi mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực, trở thành nước xuất gạo hàng đầu trên thế giới.

Trong báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị gần đây thấy cụm từ “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro dẫn đến cán bộ, công chức không dám quyết, dám làm” đã bắt đầu xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được nêu ra để giải thích cho tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế ở các bệnh viện; chậm giải ngân vốn đầu tư công; “băng giá” thị trường bất động sản…

Nhắc đến “Đêm trước đổi mới”, là nhớ đến cố Tổng Bí thư Trường Chinh với quyết định bản lĩnh viết lại toàn bộ Báo cáo chính trị ngay sát ngày đại hội VI theo đường lối đổi mới… Để rồi từ tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, Đại hội VI (năm 1986) của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, suốt từ năm 1986 đến nay.

Gần 15 năm kể từ ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi (tháng 6/2008) nhưng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì đất nước, vì nhân dân của ông vẫn còn nguyên trong trí nhớ của nhiều người. Nhớ đến ông là nhớ đến những biệt danh: “Chủ tịch gạo”, vì đã cho phép công ty lương thực cùng các sở ngành tới các tỉnh mua lúa sát theo giá thị trường, gấp 5 lần giá thu mua của nhà nước, để giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của TPHCM; “Bí thư xé rào” vì đã tìm cách để sản xuất công nghiệp có đủ vật tư nguyên liệu điện xăng dầu và phụ tùng thay thế thay vì ngồi chờ Trung ương điều chỉnh chủ trương đã không còn hợp thời...

Các nhà tổ chức tặng sách “VÕ VĂN KIỆT 100 năm trong một chữ DÂN” cho thế hệ trẻ

Và rồi, khi rời TPHCM ra Trung ương đảm nhận các chức vụ cao hơn, ông lại được gọi là “Thủ tướng điện”; “Kiến trúc sư Đổi mới”; Người tiên phong trong “phá vây cấm vận”. Tên tuổi của ông cũng gắn bó với những công trình như thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ, đường dây tải điện 500kV Bắc Nam...

Hơn 4 tháng trước, những người từng có thời gian gắn bó, làm việc và cả những yêu quý, mến mộ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hội ngộ tại Hà Nội trong buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách “VÕ VĂN KIỆT 100 năm trong một chữ DÂN”. Tham dự cuộc tọa đàm, ngoài những gương mặt quen thuộc, như ông Vũ Quốc Tuấn (Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Võ Đại Lược, GS Trần Văn Thọ… còn có khá nhiều những gương mặt trẻ (sinh trước và sau năm 2000) - vốn chỉ biết đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua sách báo, truyền thông. Khi tặng cuốn sách cho những người trẻ trung, sôi nổi, đầy nhiệt huyết, khát vọng này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế bày tỏ kỳ vọng, cuốn sách của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ truyền ngọn lửa của lòng yêu nước, thương dân, ngọn lửa của tư duy đổi mới, sáng tạo; ngọn lửa của tinh thần học hỏi, lắng nghe; ngọn lửa của tâm tình bao dung, hòa hợp.

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh việc khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung

Trong cuốn sách, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Nhắc đến ông Võ Văn Kiệt là nhắc đến bài học dám nghĩ, dám làm, không sợ mất chức, thấy chuyện lợi ích cho dân thì mạnh dạn làm, đừng nghĩ thiệt hơn cho cá nhân mình…”. Còn nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh bày tỏ: ông Võ Văn Kiệt là tấm gương về tinh thần không bao giờ lùi bước trước những khó khăn và rất coi trọng thực tiễn. Khi thấy thực tiễn bị ngăn trở bởi các quy định lỗi thời, ông đã mạnh dạn bàn bạc với tập thể lãnh đạo TPHCM “xé rào” tìm lối cho cuộc sống phát triển.

Hóa giải những rủi ro

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Gần đây, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan của Đảng cũng đã ban hành các quy định có liên quan nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung…

Tuy nhiên, ở đâu đó, vẫn có một bộ phận cán bộ “thủ thế an toàn”, không dám quyết, dám làm vì sợ rủi ro. Câu chuyện “hụt hơi” trong tăng trưởng kinh tế của TPHCM (quý I chỉ đạt 0,7%, xếp thứ 56/63 địa phương) bên cạnh những nguyên nhân, khách quan, chủ quan liên quan đến quản lý, điều hành kinh tế thì cũng có một phần từ tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Vậy nên, khi phát biểu tại Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 20, khóa XI (tháng 4/2023), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nói: “TPHCM vốn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhưng gần đây điều này hầu như không có bao nhiêu”.

Nhìn rộng ra, tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm đâu chỉ xảy ra riêng ở TPHCM mà còn ở nhiều nơi, nhiều chỗ khác. Trong báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị gần đây thấy cụm từ “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro dẫn đến cán bộ, công chức không dám quyết, dám làm” đã bắt đầu xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được nêu ra để giải thích cho tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế ở các bệnh viện; chậm giải ngân vốn đầu tư công; “băng giá” thị trường bất động sản…

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót. Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót. Vậy nên việc cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để “hóa giải” nỗi sợ sai, sợ rủi ro là điều hết sức cần thiết.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/truyen-khat-vong-hoa-giai-noi-so-sai-post1528983.tpo