Truyền hình, điện ảnh 'nóng' chuyện vi phạm bản quyền

Việc VTVcab lần thứ hai bị ngừng phát sóng giải UEFAChampions League, UEFAEuropa League (Cúp C1 và C3) do bị các đơn vị khác xâm hại bản quyền trên Internet đã dấy lên hồi chuông báo động về nạn vi phạm bản quyền trên Internet.

Vi phạm bản quyền không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, làm khán giả Việt Nam mất quyền thưởng thức giải đấu bóng đá đỉnh cao một cách hợp pháp. Theo thông tin mà ICTnews có được, sau khi VTVcab bị dừng sóng Cúp C1 và C3, giới am hiểu về công nghệ đã phải tìm cách để theo dõi các trận đấu bóng đá bằng các nguồn khác trên Internet, cũng là một hình thức vi phạm bản quyền của người xem.

Vào ngày 27/8/2015, VTVcab đã công bố bản quyền phát sóng các giải bóng đá UEFAChampions League (UCL) và UEFAEuropa League (UEL) trong 3 mùa giải 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018. Tuy nhiên ở ngay mùa giải đầu tiên 2015 - 2016, KJSM (đơn vị nắm giữ bản quyền hai giải đấu ở Việt Nam) đã đột ngột ngừng cung cấp bản quyền đối với VTVcab khi giải đấu đang ở giai đoạn hấp dẫn nhất bởi việc cắt ghép, phát tán clip của giải đấu tràn lan trên các trang báo điện tử ở Việt Nam.

Cho đến tháng 9/2016, sau nhiều nỗ lực đàm phán và phải chi trả thêm khá nhiều tiền để mua gói bản quyền mở rộng hơn, VTVcab đã được KJSM cấp trở lại quyền phát sóng hai giải đấu trong khuôn khổ Cúp C1. Kể từ đó để kịp thời ngăn chặn tình huống xấu nhất có thể xảy ra, VTVcab đã triển khai hàng loạt biện pháp kỹ thuật để bảo về nguồn tín hiệu của giải đấu phát sóng trên các kênh thể thao không bị rò rỉ ra ngoài. Đồng thời, thành lập một đội kiểm tra, rà soát việc tuân thủ bản quyền trong lúc diễn ra các trận đấu. Tuy nhiên có khá nhiều trang web cố tình phớt lờ cảnh báo của VTVcab và không chấp hành pháp luật bản quyền của giải Champions League và Europa League tại Việt Nam.

Cho đến đầu tháng 3/2017, VTVcab đã có văn bản báo cáo Bộ TT&TT và Sở TT&TT Hà Nội về các trang báo điện tử và trang tin điện tử đã liên tục vi phạm bản quyền hai giải đấu bóng đá mà VTVcab sở hữu bản quyền. Trong hai văn bản này, VTVcab đã chỉ đích danh các trang báo và trang tin điện tử vi phạm, đồng thời đề nghị Bộ TT&TT và Sở TT&TT Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị này ngừng hành vi vi phạm, cũng như có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại cho VTVcab.

Song mọi nỗ lực của VTVcab để canh giữ bản quyền cũng không giải quyết được khi có quá nhiều trang báo, trang tin điện tử cố tình vi phạm. Và đến nay, VTVcab lần thứ hai lại bị dừng sóng. Theo đại diện VTVcab, VTVcab bị mất không khoản tiền đã bỏ ra để mua bản quyền cho đến hết năm 2018, mà còn có nguy cơ bị đối tác khởi kiện.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT đầu tháng 5 vừa qua, một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã đề cập tới kiến nghị của một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền về việc Bộ TT&TT phải có chế tài quản lý vấn đề vi phạm bản quyền chương trình truyền hình trên mạng viễn thông. Theo các doanh nghiệp này, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet diễn ra khá nghiêm trọng, nếu nhà nước không có chế tài xử lý thì các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có nguy cơ sẽ “chết”. Bởi doanh thu bình quân trên thuê bao (ARPU) đã rất thấp, nếu tình trạng vi phạm bản quyền cứ tràn lan sẽ ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu của doanh nghiệp.

Người hâm mộ Việt Nam lần thứ hai bị mất cơ hội xem giải đấu Cúp C1.

Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh cũng diễn ra khá nghiêm trọng và kéo dài trong nhiều năm qua mà ICTnews đã có nhiều bài viết phản ánh. Tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên mạng và công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo vào ngày 16/3/2017, ông Michael Schlesinger, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, tại Việt Nam mô hình xem phim trên mạng đang phát triển mạnh với rất nhiều website cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng, trong đó có khá nhiều bộ phim Việt Nam và phim nước ngoài được đưa lên mạng lên mạng bất hợp pháp, khi chưa có sự cho phép của các chủ sở hữu. MPA cũng kiến nghị Bộ TT&TT giúp MPA bảo vệ tác quyền các tác phẩm điện ảnh của mình, rất nhiều bộ phim điện ảnh vừa ra rạp ở Việt Nam đã bị quay trộm và chiếu trên Internet.

Theo thống kê hiện tại ở Việt Nam có 73 trang phim online vi phạm bản quyền cũng đang sống nhờ vào quảng cáo. Hồi tháng 1/2016, hai doanh nghiệp Việt Nam là Công ty TNHH MTV Dịch vụ kỹ thuật truyền thông HTV (HTV-TMS) và Công ty CP Truyền thông và Giải trí Galaxy (Galaxy) cũng gửi văn bản lên Thanh tra Bộ TT&TT tố cáo hàng loạt các trang web vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình và phim truyện.

Các doanh nghiệp Việt Nam bị xâm hại bản quyền đều mong mỏi nhà nước có biện pháp cứng rắn để xử lý nạn vi phạm bản quyền trên Internet, nếu không nhiều doanh nghiệp Việt sẽ không thể tồn tại được.

Đình Anh

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/truyen-hinh-dien-anh-nong-chuyen-vi-pham-ban-quyen-152888.ict