Truyền dạy văn hóa cồng chiêng trong trường học

Các trường phổ thông dân tộc nội trú tại Đắk Lắk đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng giáo dục bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Một buổi học đánh ching kram của cô và trò Trường PTDTNT Buôn Hồ. Ảnh: TT

Phát huy phẩm chất, năng lực

Thầy Bùi Xuân Lễ - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (Đắk Lắk) cho biết, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững. Đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng. Theo đó, bên cạnh chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cũng được nhà trường chú trọng thông qua hoạt động dạy học.

“Chỉ bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị vật chất, tinh thần, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của các dân tộc mới được lưu truyền, tồn tích, vận hành nối liền các thế hệ”, thầy Lễ chỉ ra.

Hiện thực hóa nhiệm vụ này, thời gian qua, nhà trường phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Lắk mời nghệ nhân về truyền dạy đánh cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho học sinh.

“Ở các buổi ngoại khóa, NSƯT Vũ Lân - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên truyền dạy cồng chiêng cho học sinh. Đã có 2 lớp với hơn 20 học sinh theo học. Sau các buổi học, trường tổ chức tập luyện, những em có năng khiếu sẽ truyền dạy lại bài chiêng đã học cho các bạn. Cứ như vậy, văn hóa cồng chiêng được lưu truyền từ lớp này sang lớp khác, khóa này sang khóa khác”, thầy Lễ cho hay.

Là giáo viên môn Lịch sử (Trường THPT DTNT N’Trang Lơng), cô Kpă H’Nhôn luôn dạy học sinh về những sắc thái văn hóa riêng của mỗi dân tộc. “Tôi cụ thể hóa nhiệm vụ giáo dục này vào các tiết sinh hoạt đầu giờ và hoạt động câu lạc bộ. Trong đó, thứ 3, 5 và 7 mỗi tuần sẽ cung cấp cho học sinh kiến thức về trang phục truyền thống các dân tộc, điệu múa, hát, trò chơi, lễ hội. Thứ 4 và 6, tập hát một số bài của người Thái, H’Mông, Ê đê…

Ví dụ, phụ nữ H’Mông có trang phục truyền thống cầu kỳ và sặc sỡ. Phụ nữ Ê đê thường dùng váy tấm, áo chui bằng vải lanh… Trang phục không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ còn là ý chí, tâm linh truyền thống mỗi dân tộc”, cô H’ Nhôn nói.

Cùng quan điểm, cô Trần Thị Nguyệt Ánh - Trường PTDTNT THCS Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ) cho rằng, nhạc cụ người Ê đê và người M’Nông rất phong phú và đa dạng, luôn gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt văn hóa và sản xuất.

Để giúp học sinh nắm chắc kiến thức và biết thực hành về nhạc cụ, cô Ánh Nguyệt kết hợp trình chiếu video về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và mời nghệ nhân hướng dẫn ở các buổi ngoại khóa.

“Ở phần tìm hiểu nhạc cụ ching kram (chiêng tre) sau bài học, tôi cho học sinh đến nhà các nghệ nhân, già làng… để tìm hiểu. Quá trình trải nghiệm thực tế, cô và trò trực tiếp nghe nghệ nhân truyền dạy về cấu tạo, ý nghĩa trong sinh hoạt cộng đồng và học cách đánh ching kram”, cô Nguyệt Ánh chia sẻ.

Đội chiêng Trường THPT DTNT N’Trang Lơng biểu diễn trong lễ khai giảng năm học. Ảnh: TT

Đưa cồng chiêng thành môn học

Đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học sẽ bồi đắp cho học sinh nhiều kiến thức về nét đẹp truyền thống, giúp các em biết trân trọng, giữ gìn và lan tỏa.

TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, từ năm 2003, ngành Giáo dục đã đưa âm nhạc Tây Nguyên vào trường học; hiện được hệ thống hóa theo Chương trình GDPT năm 2018. Mặt khác, những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã nghiên cứu, biên soạn giáo trình giáo dục địa phương, trong đó cồng chiêng được giới thiệu theo các cấp học.

Cụ thể: Cấp tiểu học, giáo trình giới thiệu sơ lược về hình ảnh cồng chiêng, phân biệt giữa chiêng đồng, chiêng tre. Cấp THCS, giới thiệu cồng chiêng theo hệ thống nhạc cụ của dân tộc Ê đê và M’Nông, hai dân tộc đặc trưng ở Đắk Lắk. Cấp THPT, giới thiệu về không gian văn hóa cồng chiêng, chú trọng vào biểu diễn và môi trường diễn tấu trong các lễ thức và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Ê đê và M’Nông.

“Nội dung dạy cồng chiêng nằm trong chương trình giáo dục địa phương mới và được áp dụng tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Kiến thức cồng chiêng nằm trong tổ hợp kiến thức nghệ thuật dân gian Tây Nguyên. Sở khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để các trường học trên địa bàn nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa để giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc”, TS Hiệp nhấn mạnh.

Cô Nguyệt Ánh chia sẻ thêm, việc dạy học sinh đánh cồng chiêng được trường triển khai thường xuyên. Mỗi tuần, câu lạc bộ cồng chiêng sẽ học đánh ching kram (chiêng tre) 2 đến 3 buổi. Ngoài ra, nhà trường đã làm tờ trình xin Phòng Văn hóa Thông tin và Truyền hình thị xã Buôn Hồ cấp tặng một bộ chiêng đồng để mời nghệ nhân về tập luyện cho các em.

Em H’Lệ Tiên Êya - lớp 12, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, Chủ nhiệm câu lạc bộ cồng chiêng nhà trường chia sẻ, trường được hỗ trợ 2 bộ chiêng đồng, 2 bộ chiêng tre, gần 100 bộ trang phục truyền thống. Thành viên câu lạc bộ đều nỗ lực duy trì việc luyện tập các bài chiêng như một môn học độc lập.

“Được sự hỗ trợ của nhà trường, truyền dạy của thầy Vũ Lân, 2 đội chiêng đã thuộc hầu hết bài truyền thống người Ê đê. Vì thế, chúng em thường được sở GD&ĐT và tỉnh mời biểu diễn ở nhiều chương trình, sân chơi văn hóa nghệ thuật dành cho học sinh”, H’ Lệ Tiên Êya cho hay.

Theo NSƯT Vũ Lân, nhạc cụ dân tộc gắn liền với đời sống văn hóa của bà con Tây Nguyên hàng nghìn năm qua. Việc quan trọng là tiếp sức, truyền lửa đam mê cho giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, để các em cảm nhận và hiểu hơn về văn hóa truyền thống qua nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng. Để công tác giảng dạy được mở rộng và thuận lợi, các trường cần đầu tư hơn nữa dụng cụ học. Khi kết thúc khóa học, học sinh sẽ chủ động việc luyện tập.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-day-van-hoa-cong-chieng-trong-truong-hoc-post677452.html