Truyền cảm hứng đọc sách với 'Thư viện ước mơ'

Không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ những cuốn sách, tài liệu hay, dự án 'Thư viện ước mơ' được thành lập còn hướng tới mục đích tạo ra không gian để các em học sinh, đặc biệt là học sinh vùng khó phát triển văn hóa đọc; tiếp cận với các loại hình nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc... Để rồi thông qua thư viện ước mơ, các em sẽ có cơ hội khám phá bản thân, không ngừng trau dồi và hoàn thiện vốn kiến thức, trở thành những người có ích cho đất nước.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ thích thú đọc sách tại “Thư viện ước mơ” - Ảnh: T.P

Dù chỉ mới đi vào hoạt động cách đây không lâu nhưng “Thư viện ước mơ” tại điểm trường số 2, Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ luôn là nơi hấp dẫn các em học sinh đến thăm vào mỗi giờ ra chơi.

Khác với thư viện trước đây vốn chỉ là một phòng học có 1 - 2 dãy bàn ghế, tủ sách khô khan, “Thư viện ước mơ” được trang trí đẹp mắt với tràn ngập màu sắc rực rỡ, tươi vui; chỗ ngồi đọc thuận tiện, thoải mái. Trên mỗi kệ, sách được xếp ngay ngắn theo màu sắc nhận diện của từng khối để các em học sinh dễ dàng tìm kiếm. Trên tường thư viện còn có hình ảnh và tên một số tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác giả nổi tiếng như: Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Nhật Ánh...

Toàn thư viện hiện có khoảng 1.000 đầu sách với nhiều nội dung như sách khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; sách tâm lý, giáo dục giới tính của bé trai và bé gái, truyện tranh, truyện cổ tích... phù hợp với các em học sinh. So với những cuốn sách đã quá quen thuộc trong hệ thống thư viện trước đây, những cuốn sách mới này mang màu sắc mới lạ, bổ sung nhiều kiến thức bổ ích cho các em. Vốn thích đọc sách nên Lê Tuệ Lâm, học sinh lớp 5A5, Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ, mong chờ từng ngày “Thư viện ước mơ” đi vào hoạt động. Tuệ Lâm cho hay, thư viện như một “thiên đường” thu nhỏ để em có thể thỏa sức tìm hiểu kho tàng kiến thức bất tận. Cô học trò nhỏ bộc bạch: “Em vui lắm, hôm nào cũng mong đến giờ ra chơi hoặc có tiết đọc sách để đến thư viện. Ở đây có rất nhiều cuốn sách hay như: Cậu bé Tích Chu, Bí mật của con gái, Khám phá thế giới động vật... Em mong rằng thư viện sẽ có thêm nhiều sách hay nữa để em và các bạn được tiếp cận với kiến thức bổ ích”.

“Thư viện ước mơ” là dự án do Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Nguyễn Phi Vân sáng lập từ năm 2014 với mục tiêu phát triển hệ thống thư viện nghệ thuật dành cho trẻ em kém may mắn ở những vùng kinh tế khó khăn. Ngoài việc đọc sách, thư viện sẽ được sử dụng như một không gian cộng đồng để trẻ em học các loại hình nghệ thuật khác nhau gồm âm nhạc, hội họa và nhiếp ảnh... Tính đến tháng 11/2023, dự án đã tài trợ xây dựng 222 “Thư viện ước mơ” tại 31 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Còn với Nguyễn Gia Huy, học sinh lớp 5A5, Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ, dù trước đây không đam mê với sách nhưng cậu bé đã bị chinh phục bởi “Thư viện ước mơ” đầy màu sắc này. “Đến thư viện không chỉ được đọc sách hay, ngồi bàn ghế đẹp mà em còn được thỏa sức vẽ tranh, sáng tác tác phẩm sau khi đọc xong một cuốn sách. Vui nhất là khi những tác phẩm chất lượng được các thầy cô trưng bày ngay tại đây để mọi người có thể đến xem”, Gia Huy thích thú nói.

Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ Hồ Thị Hải Thanh cho biết, tổng chi phí xây dựng “Thư viện ước mơ” khoảng 120 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của nhà trường là 30 triệu đồng. Kể từ khi biết tin được dự án hỗ trợ xây dựng thư viện, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh của nhà trường đều phấn khởi vô cùng.

“So với các thành phố lớn, các em học sinh ở đây vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là cơ hội tiếp cận với kiến thức mới, bổ ích. Vì vậy, “Thư viện ước mơ” sẽ giúp các em khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hỗ trợ các em trong học tập.

Đến thư viện, học sinh không chỉ thích thú khi đọc sách mà còn được tham gia các hoạt động nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, có thêm sáng tạo và tình yêu với cuộc sống, từ đó trở thành một công dân có ích trong tương lai. Sau khi thư viện đi vào hoạt động, ban giám hiệu nhà trường quyết định đưa tiết đọc sách tại thư viện vào chương trình giảng dạy kết hợp triển khai những sự kiện hằng tuần, hằng tháng, kích thích học sinh đọc sách qua các hoạt động kể chuyện sách, giới thiệu sách hay, sáng tạo từ sách”, cô Thanh nói.

Cô cũng tiết lộ thêm trong thời gian tới, sau khi hoàn thiện lại cơ sở vật chất trường học, nhà trường sẽ xây dựng một “Thư viện ước mơ” nữa tại điểm trường số 1, Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ, để giúp tất cả học sinh đều có thể đến thư viện.

Tại Quảng Trị, có tổng cộng 16 trường được hỗ trợ dự án. Để duy trì hoạt động của thư viện, các trường phải ký cam kết vận hành 5 năm và được phía dự án cập nhật thêm sách mới liên tục. Có thể nói, đây là dự án cộng đồng mang tính nhân văn, bền vững và dài hạn. “Thư viện ước mơ” không chỉ dừng lại ở việc trao tặng thư viện mà luôn có sự kết nối, phối hợp sau đó với nhà trường để đảm bảo chương trình mang lại hiệu quả lâu dài cho trẻ em.

Là một người từng sống và làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, bà Nguyễn Phi Vân - người sáng lập dự án - hiểu được rằng trẻ em Việt Nam cần được tiếp cận nhiều hơn với tri thức, nghệ thuật, sáng tạo. Và để đất nước có những thế hệ sáng tạo thì cần bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng những hạt giống sáng tạo cho các em từ lúc còn nhỏ. Trong giáo dục, môi trường cho sự sáng tạo không gì tốt hơn là thư viện.

Giám đốc điều hành dự án Cổ Huệ Anh cho hay: “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng 1.000 thư viện trong giai đoạn 2020-2030 tại các trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành Việt Nam, nhằm xây dựng thói quen tự học thông qua việc đọc sách cho học sinh.

Tiếp đó là xây dựng dự án “Thư viện điện tử” tại trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước và dự án “Thư viện nghệ thuật” ứng dụng công nghệ để “Thư viện ước mơ” trở thành nền tảng đào tạo trực tuyến các kỹ năng mềm, các môn nghệ thuật, cũng như đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ, trở thành một người bạn đồng hành, dẫn dắt thế hệ tương lai hội nhập thế giới”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/truyen-cam-hung-doc-sach-voi-thu-vien-uoc-mo/182099.htm