Truy rõ trách nhiệm

Thời gian gần đây, câu chuyện thua lỗ, mất vốn tại các dự án, tập đoàn, tổng công ty được nhắc đến hàng ngày, hàng giờ.

Đến nay, con số dự án thua lỗ “khủng” riêng tại Bộ Công Thương đã lên đến 12 dự án. Đó là Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai…

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ có diện tích 15ha nằm tại Khu Công nghiệp Đình Vũ. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Làm thất thoát vốn Nhà nước, người đứng đầu DN, người đại diện vốn Nhà nước tại các DN này tất nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tại OceanBank, GPBank, Tập đoàn Dầu khí…, nhiều lãnh đạo đã bị bắt. Tại Vinafood 2, các tập đoàn, tổng công ty thua lỗ của Bộ Công Thương… các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra, điều tra để đưa ra kết luận cuối cùng. Trong cuộc họp báo chiều 23/12, đại diện Bộ Tài chính cho hay, ngoài hơn 11.500 tỷ đồng thoái thành công trong 6 năm qua vẫn còn đọng lượng lớn vốn Nhà nước tại 5 lĩnh vực nhạy cảm. Cũng theo vị lãnh đạo này, những gì thoái được thì thoái rồi, những gì còn lại hoặc là tồn đọng hoặc có thể mất.
Như vậy, giá đã phải trả, nhưng hàng ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước, câu chuyện trách nhiệm giám sát, cảnh báo của các cơ quan quản lý Nhà nước đến đâu vẫn cần làm rõ. Việc DNNN thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng không phải chỉ mới xảy ra ngày một ngày hai. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý vốn Nhà nước được rất nhiều bộ, ngành, địa phương quản lý và giám sát nhưng sự cảnh báo dường như rất ít, để thua lỗ chồng thua lỗ và đến bây giờ là mất trắng hàng ngàn tỷ đồng.
Tâm lý “níu ghế” cũng là chuyện được nói nhiều trong công tác cổ phần hóa. Có thực tế, nhiều lãnh đạo sợ mất chức, mất lợi ích sau cổ phần hóa nên chuẩn bị bán cổ phần qua loa, hô bán nhưng "cầu trời" không ai mua. Vì vậy, muốn cổ phần hóa, trước hết tư duy của người đứng đầu DNNN phải thay đổi.
Thời gian qua, nhiều giải pháp quyết liệt “thúc” tái cơ cấu DNNN đã được triển khai. Đó là việc người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN có thể bị cắt chức nêu chây ỳ cổ phần hóa, DNNN đã cổ phần phải niêm yết trên sàn theo quy định, ban hành danh mục các DN phải cổ phần hóa… Những giải pháp này được kỳ vọng là sẽ nâng cao chất lượng công tác cổ phần hóa. Khi người lao động từ lãnh đạo đến nhân viên, công nhân… là chủ nhân thực sự của DN thì việc để thất thoát, bay hơi hàng ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước như thời gian qua chắc chắn sẽ không còn. Giải pháp đã có, tuy nhiên, việc thực hiện cần được triển khai quyết liệt hơn. Việc quy trách nhiệm cho các cơ quan giám sát, cảnh báo, quản lý vốn Nhà nước cũng cần cụ thể hơn nữa, tránh tình trạng nhiều cơ quan quản lý nhưng hiệu quả quản lý vẫn thấp như thời gian qua.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truy-ro-trach-nhiem-276393.html