'Truy' người đứng đầu ngành công thương về chính sách đột phá phát triển ô tô

Trong 2 buổi chất vấn ngày 15/11, các đại biểu Quốc hội đã “truy” người đứng đầu ngành công thương về các chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) đặt câu hỏi ngành công nghiệp ôtô dù đã quy hoạch nhưng không thực hiện được. Vai trò của Bộ Công Thương trước thách thức hội nhập trong ngành này?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã có mục tiêu chiến lược về công nghiệp ô tô thực hiện trong giai đoạn 2010-2020 với mục đích là hình thành chuỗi công nghiệp ô tô và tăng dần tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp ô tô Việt Nam nhằm vào một số sản phẩm chính là ô tô 9 dưới chỗ ngồi, ô tô tải và ô tô phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt..

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, khi tổng kết lại chúng ta chưa đạt mục tiêu tham gia chuỗi cung ứng thị trường thế giới cũng như tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm phát triển công nghiệp ô tô trong nước.

Một số nguyên nhân đã được làm rõ trong thời gian qua, Bộ trưởng cho rằng, đó là dung lượng thị trường của chúng ta vốn đã nhỏ nhưng chúng ta lại không có chủ trương để tạo ưu tiên, tạo điều kiện để cho các tập đoàn đầu tư có kinh nghiệm, công nghệ, sức lan tỏa… tham gia.

Ngoài ra, các chính sách của chúng ta mặc dù về mục tiêu, ý nghĩa đều đúng, nhưng tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng ta chưa dành được sự ưu tiên đặc biệt, bảo vệ các chính sách. Vì thế, dẫn đến chưa có sự liên kết và hình thành ngành phụ trợ, nhà sản xuất….hạn chế hiệu quả của ngành sản xuất trong nước.

Về chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng cho rằng, chưa có cơ chế chính sách để chúng ta thực hiện về chuyển giao công nghệ. Đến năm 2018 sẽ thực hiện hàng rào thuế quan về thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nên chúng ta đang tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh lại cơ chế chính sách của ngành công nghiệp ô tô là ngành sản xuất cơ khí nội địa.

Về giá cả như đại biểu Dũng đặt ra, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết không có điều kiện để bình luận sâu.

Trước đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã chất vấn ông Trần Tuấn Anh. Đại biểu Nghĩa cho rằng, vấn đề bảo hộ trong nước làm sao phải hợp lý, hợp pháp. Phải mở cửa để tối đa hóa lợi ích dân tộc, quốc gia. Trong cuộc hội nhập này phải làm sao để tăng năng lực cạnh tranh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng về chính sách cho ngành công nghiệp ô tô, ông Tuấn Anh cho hay, trong chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành để thể chế hóa các chính sách, đưa ra những tính toán cân đối chung, đảm bảo yêu cầu hài hòa nền kinh tế, bảo hộ một cách chính đáng ngành sản xuất ôtô trong nước.

Về quan điểm phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, Bộ mong muốn có chính sách thuế đảm bảo cho ngành này phát triển, nhất là sắc thuế nhập khẩu với các linh kiện mà trong nước không sản xuất được. "Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu và phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra những sắc thuế phù hợp hơn", Bộ trưởng Tuấn Anh nói./.

Hà Giang – Song Đào

Ảnh: Nam Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/truy-nguoi-dung-dau-nganh-cong-thuong-ve-chinh-sach-dot-pha-phat-trien-o-to-219028.html