Trường vùng núi chia sẻ kinh nghiệm tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT

Thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả.

Cô trò Trường THPT Quan Sơn trong giờ học.

Giao nhiệm vụ cụ thể

Giao nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn là rất cần thiết để sát sao với học sinh và tổ chức ôn tập chất lượng.

Đặc thù trường vùng khó, thầy Nguyễn Minh Đạo cho biết, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của nhà trường được giao phối hợp với phụ huynh trong quản lý học sinh đi học. Thầy cô chủ động làm đề, tập trung vào các câu nhận biết, thông hiểu; có thể tổ chức học nhóm đối với những học sinh ở gần nhà, học sinh ở khu bán trú nhà trường.

Giáo viên chủ nhiệm đồng thời thông qua nhóm zalo (có giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, học sinh) để thầy trò tiện trao đổi về việc học, hỗ trợ các bài tập khó. Phân loại để có phương án hỗ trợ những học sinh yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp; tăng số buổi ôn, có phương pháp và luyện đề riêng cho học sinh có nguyện vọng xét ĐH, CĐ.

Với giáo viên bộ môn, nhà trường tổ chức họp từng nhóm và có kế hoạch điều chỉnh giảng dạy phù hợp với năng lực của học sinh.

Các nhóm thường xuyên trao đổi, nhận xét về sự tiến bộ của học sinh, phân loại học sinh và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, chuyên môn nhà trường trong phân loại, phân lại lớp để có phương pháp ôn thi phù hợp, đạt kết quả cao.

Nhóm trưởng chủ động tổng hợp đề thi thử của các trường, kiểm tra giáo án giảng dạy, ngân hàng câu hỏi theo chuyên đề và các đề luyện thi; thống kê số học sinh yếu kém của môn mình để có biện pháp phụ đạo phù hợp và đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả chất lượng bộ môn.

Giáo viên Trường THPT Quan Sơn hướng dẫn học sinh ôn tập.

Phân loại để có giải pháp ôn tập phù hợp

Theo thầy Nguyễn Minh Đạo, nhà trường phân loại học sinh có nguyện vọng thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và có lấy điểm xét tuyển ĐH, CĐ, từ đó đưa ra biện pháp ôn tập phù hợp.

Cụ thể, nhóm học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, với các môn thi trắc nghiệm, giáo viên lựa chọn dạy lý thuyết và luyện đề phần nhận biết (chủ yếu) và phần thông hiểu.

Thầy cô tổng hợp theo dạng, theo chuyên đề; mỗi chuyên đề sau khi giáo viên dạy học sinh công thức, các dữ kiện, mốc lịch sử, cách tra thông tin trên Atlat… thì sẽ thực hiện trình chiếu (sử dụng máy chiếu) hệ thống câu hỏi trắc nghiệm về chuyên đề đó.

Giáo viên làm mẫu một số câu để học sinh nắm được cách thức làm bài, sau cho cả lớp làm. Giáo viên quan sát, kiểm tra, có nhận xét và hướng dẫn riêng đối với học sinh chưa nắm được kiến thức. Cần bảo đảm với các câu hỏi nhận biết, tất cả học sinh đều làm được mới chuyển sang phần mới. Trong khi dạy, giáo viên luôn song song cho học sinh luyện đề, làm đề tại nhà, có kiểm tra, đánh giá.

Môn Toán, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính thành thạo trong làm trắc nghiệm (có những câu chỉ sử dụng máy tính là tìm được đáp án).

Với môn Ngữ văn,giáo viên hướng dẫn học sinh đọc hiểu; hướng dẫn ghi nhớ các gạch đầu dòng về nội dung chính của bài văn hay tác giả để khi làm có thể triển khai các ý đó thành bài văn để có thêm điểm; đồng thời hướng dẫn học sinh cách làm bài nghị luận xã hội.

Đối với học sinh thi tốt nghiệp THPT có lấy điểm để xét tuyển ĐH, CĐ, giáo viên ngoài ôn tập theo thời khóa biểu của nhà trường sẽ tăng buổi. Các em được cho đề riêng và cũng được hỗ trợ ngoài giờ học, ôn tập qua nhóm zalo.

Môn Toán, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính thành thạo trong làm trắc nghiệm (có những câu nếu vận dụng nếu biết sử dụng máy tính là tìm được đáp án).

Với môn tự luận (Ngữ văn), nhóm giáo viên biên soạn tài liệu ôn tập riêng, phô tô cho từng học sinh. Các em làm đề nhiều hơn và được thầy cô thu bài chấm điểm, nhận xét.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-vung-nui-chia-se-kinh-nghiem-to-chuc-on-thi-tot-nghiep-thpt-post678861.html