Trường tư một cấp học muốn chuyển sang trường liên cấp: Thủ tục quá phức tạp

Nhiều trường tư thục gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô đào tạo, nhất là khi chuyển từ trường một cấp học sang trường có nhiều cấp học ở cùng một cơ sở.

Vấn đề xã hội hóa, khuyến khích phát triển giáo dục phổ thông ngoài công lập đã được quy định tại khoản 2, Điều 16 Luật Giáo dục 2019. Cụ thể: "Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao".

Bên cạnh đó, Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục. Trong đó đã quy định về ưu đãi, khuyến khích: "Trường phổ thông tư thục được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số hệ thống giáo dục tư thục ở Hà Nội, hiện thủ tục xin cấp phép, mở rộng quy mô đào tạo từ một cấp học sang liên cấp khá phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Chính vì thế, nhiều cơ sở giáo dục tư thục đề xuất được tạo điều kiện, đơn giản hóa hơn các thủ tục hành chính để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhiều hệ thống giáo dục gặp khó khăn khi mở rộng quy mô đào tạo sang trường liên cấp vì phải thay đổi quy hoạch vùng. (Ảnh: website Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm)

Cần đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, mở rộng quy mô đào tạo

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm cho hay:

“Thủ tục xin cấp phép chuyển từ trường phổ thông một cấp học sang trường liên cấp hiện nay quá phức tạp. Trong khi đó, hệ thống trường công hiện không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Nhưng trường tư xin cấp phép mở rộng quy mô đào tạo từ trường một cấp học sang liên cấp lại không hề đơn giản. Nếu muốn có hệ thống đào tạo tốt, nhà nước nên có thêm các chính sách tạo điều kiện, khuyến khích hệ thống tư nhân phát triển hơn”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm.

Thầy Thống cũng cho biết thêm, trước kia khi trường xây dựng ở Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm, huyện Từ Liêm, Hà Nội theo quy hoạch chỉ được dạy cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên khi xây dựng xong trường có 130 phòng học nhưng thời điểm đó cấp trung học phổ thông chỉ có 11 lớp.

“Nếu chỉ dạy 11 lớp trung học phổ thông thì không biết đến bao giờ nhà trường mới có thể hoàn vốn. Đồng thời, lúc đó cơ sở 1 của trường cũng nằm trong huyện Từ Liêm nên không cần cấp giấy phép cho cả 2 cơ sở. Vì thế, nhà trường cũng san sẻ bớt một số học sinh tiểu học, trung học cơ sở sang địa điểm mới học để học sinh có thể sử dụng cơ sở vật chất tốt hơn, có không gian vui chơi vì cơ sở 1 đã quá tải. Vấn đề này nhà trường thực hiện hoàn toàn với mong muốn phục vụ tốt cho học sinh. Khi thực hiện nhà trường cũng báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Từ Liêm lúc đó (thời điểm năm 2012).

Tuy nhiên, đến năm 2014, Hà Nội tách quận. Khi tách quận tự nhiên một cơ sở lại nằm ở quận Bắc Từ Liêm, một cơ sở nằm ở quận Nam Từ Liêm thành ra dở khóc dở cười. Nhà trường vẫn đảm bảo các điều kiện giảng dạy, cơ sở vật chất. Những đóng góp, nỗ lực của trường đã được ghi nhận và trường đã được tặng huân chương lao động. Nhưng sau đó trường lại được yêu cầu phải thành lập trường liên cấp. Nhà trường cũng cố gắng thực hiện nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì phải thay đổi quy hoạch vùng và rất nhiều vấn đề khác nữa.

Trong khi đó trường đã tồn tại và hoạt động trên địa bàn 12 năm, vốn dĩ yếu tố trái ngang này là do lịch sử để lại như vậy. Trước đó lãnh đạo thành phố cũng từng nhấn mạnh trong một cuộc họp rằng vấn đề này là lịch sử để lại, học sinh đã học hàng chục năm nay rồi thì hiện tại chỉ cần hợp thức hóa cho nhà trường tiếp tục đào tạo chứ không thể đuổi hàng nghìn học sinh đi chỗ khác được.

Tuy nhiên, khi nhà trường xin cấp giấy phép để được đào tạo đủ 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở cơ sở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả các thủ tục giấy tờ mất rất nhiều thời gian hết làm việc ở sở này rồi lại sang sở khác. Hiện tại trường lại được yêu cầu phải quay về Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thay đổi quy hoạch vùng. Tức là trước kia mảnh đất đó được cấp phép đào tạo cấp trung học phổ thông thì cần quay lại xin cấp phép cho cả cấp tiểu học và trung học cơ sở”, thầy Thống thông tin.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống, nhà trường cũng rất muốn hoàn thiện các thủ tục này để hoàn thành giấy phép được đào tạo đủ các cấp học ở cùng một cơ sở. Tuy nhiên, nhà trường đã xin phép 4 năm rồi vẫn chưa thể hoàn thiện.

“Quy trình, thủ tục thay đổi như vậy vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian. Nhà trường chỉ đề nghị cho phép được thành lập trường liên cấp hoặc đồng ý cho trường tiểu học, trung học cơ sở có một bộ phận học cùng cơ sở trung học phổ thông thì cứ để cho học sinh học. Có thể coi như trường thuê đất của trung học phổ thông dạy trong cùng một hệ thống. Hiểu một cách đơn giản là như vậy nhưng đến nay đã 4 năm nhà trường vẫn chưa thể hoàn thiện giấy phép.

Thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hàng năm vẫn cấp cho trường chỉ tiêu để tuyển sinh đủ hết tất cả các cấp. Rất may trước đó nhà trường từng có văn bản được lãnh đạo thành phố đồng ý cho cấp tiểu học, trung học cơ sở được học ở Cổ Nhuế trong thời gian chờ trường hoàn tất các thủ tục để hợp thức hóa. May là có văn bản đó nếu không rất có thể trường phải từ chối để hàng nghìn học sinh đi chỗ khác.

Bản thân quận Bắc Từ Liêm cũng khẳng định trường cấp tiểu học, trung học cơ sở ở khu vực đó còn rất thiếu nên cho dù cấp tiểu học, trung học cơ sở của Đoàn Thị Điểm có học trên địa bàn cũng không có vấn đề gì cả. Hiện cả quận Bắc Từ Liêm và các sở khác nhà trường đều đã xin ý kiến hoàn thiện chỉ còn Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Mà muốn hoàn thiện ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thì phải qua Thường vụ Thành ủy Hà Nội ký để thay đổi quy hoạch nên mất khá nhiều thời gian. Nhà trường hiện tại cũng chỉ biết chờ đợi”, thầy Thống cho biết.

Trường phổ thông Đoàn Thị Điểm cơ sở Cổ Nhuế đã xin cấp phép đào tạo liên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông 4 năm vẫn chưa hoàn thiện. (Ảnh: website nhà trường)

Nên để các trường tư thục được hoạt động theo cơ chế thị trường

Theo nhà giáo Lê Thị Bích Dung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường liên cấp Newton, các trường tư thục nên được hoạt động theo cơ chế thị trường. Bởi các trường tư ngoài việc đảm bảo chương trình theo khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì còn xây dựng một chương trình nhà trường riêng. Trong đó có trường chú trọng vào dạy ngoại ngữ, có trường lại chú trọng đào tạo lãnh đạo trẻ, có trường lại đề cao các kỹ năng mềm. Và hơn hết, mỗi trường cần đảm bảo chất lượng của mình thì mới giữ chân được phụ huynh, nếu không sẽ tự đào thải.

Bởi đã học trường tư là hầu hết phụ huynh đều mong muốn con theo được trọn vẹn chương trình đào tạo đặc thù của hệ thống giáo dục. Khi tiểu học đã học chương trình như vậy thì cấp trung học cơ sở phụ huynh cũng mong muốn cho con được học tiếp chương trình đó. Nếu phải chuyển một môi trường khác sẽ lãng phí 4,5 năm trời. Như vậy khác nào “đem con bỏ chợ”, nhà trường không thể nói với phụ huynh rằng ở đây chỉ được dạy tiểu học thôi, trung học cơ sở phụ huynh cho con sang trường khác được”.

Cũng theo cô Dung, với các trường tư khi được hoạt động theo cơ chế thị trường, nhà trường đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực sẽ tự phân bổ trong các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chỉ khi hoạt động theo cơ chế thị trường, được tự điều tiết như vậy mới phù hợp với tình hình thực tế. Như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu của xã hội và bám sát nhu cầu của phụ huynh. Sở Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò chỉ đạo, kiểm tra giám sát chuyên môn, khảo thí theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhà giáo Lê Thị Bích Dung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường liên cấp Newton.

Cùng bàn về vấn đề này, bà Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi sao Việt Nam cho rằng: Nếu các trường tư thục được hoạt động theo cơ chế thị trường thì có thể hoạt động linh hoạt hơn. Đặc biệt, với các trường tư phụ huynh và xã hội đều có thể giám sát. Nếu chất lượng không đảm bảo chắc chắn sẽ không giữ chân được phụ huynh.

“Theo tôi việc các trường tư mong muốn được tự chủ tuyển sinh là hợp lý vì nếu được vận hành theo cơ chế thị trường thì sẽ rất linh hoạt, tốt hơn cho nhà trường. Xã hội cũng có thể giám sát các hoạt động này của nhà trường. Vì thực tế, hoạt động tuyển sinh, đào tạo này cũng không phải hoạt động riêng tư bảo mật, trường lớp dạy mà đông quá hay không đảm bảo an toàn thì phụ huynh cũng sẽ không thích và sẽ không chọn.

Khi phụ huynh đã chọn các trường tư thục là họ đã mong muốn con em mình được học một lớp có sĩ số vừa phải, được chăm sóc kỹ lưỡng. Nếu trường đưa ra mức chỉ tiêu quá đông, lớp không có người chăm sóc thì phụ huynh cũng sẽ bỏ đi. Chính vì thế, việc cân đối giữa phụ huynh và nhà trường chính là cơ chế tự động để cân bằng nhau.

Có thể Sở Giáo dục và Đào tạo lo lắng nếu nới lỏng cho các trường tự làm sẽ dẫn đến làm cẩu thả, lộn xộn nhưng có một vấn đề là nếu trường làm không tốt thì phụ huynh học sinh sẽ phản ánh ngay. Thậm chí nhiều phụ huynh kể cả đã đóng tiền rồi nhưng không hài lòng về chất lượng giáo dục họ sẵn sàng bỏ hết số tiền đã đóng để chuyển đi. Nhiều học sinh chuyển đến trường tôi, phụ huynh cũng chia sẻ đã đóng đến mấy chục triệu ở trường khác nhưng không hài lòng nên đã chuyển sang đây.

Ví dụ nếu nhà trường thông báo lúc đầu một lớp có 30 học sinh nhưng sau khi vào lớp có 31 học sinh, chỉ hơn 1 bạn thôi nhưng có thể phụ huynh cũng sẽ rút hồ sơ không cho con học nữa, không cần quan tâm là có mất tiền hay không”.

Cũng theo bà Bình, hiện tại tỷ lệ học sinh học tại trường hết một cấp và muốn chuyển lên cấp trên trong cùng một hệ thống tương đối cao. Bên cạnh chất lượng giáo dục thì sự thuận tiện, thói quen cũng là lý do để các gia đình tiếp tục lựa chọn học lên ở các trường liên cấp. Ngoài ra, nhiều học sinh học hết lớp 9 của trường cũng thi đỗ vào các trường chuyên nổi tiếng như Trường Trung học phổ thông Hà Nội - Amsterdam hay các trường chuyên của các trường đại học. Việc các bạn lựa chọn học tiếp liên cấp hay một môi trường khác cũng phụ thuộc vào lộ trình gia đình học sinh muốn con theo đuổi”.

Ngoài ra, theo bà Bình, đối với các trường tư thục, vấn đề về tài chính là vấn đề rất khó khăn. Trước mỗi năm học, nhà trường phải cân đối được tài chính để chăm lo cho học sinh. Mà tài chính thì cần chuẩn bị rất kỹ càng nên sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường là rất quan trọng thông quá phí nhập học.

Từ đó nhà trường cũng yên tâm là các con chắc chắn đi học, nhà trường sẽ chuẩn bị từ giáo viên, cơ sở vật chất, đồng phục, học liệu, bàn ghế, tất cả mọi thứ… Nếu không có sự gắn kết đó, nhà trường sẽ không thể biết được năm nay có bao nhiêu học sinh đi học để có sự chuẩn bị. Như vậy sẽ rất khó khăn cho các trường tư thục vì muốn phục vụ học sinh tốt nhất thì phải có sự chuẩn bị tốt nhất.

Bà Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi sao Việt Nam. (Ảnh: Nhật Lệ)

“Vấn đề phí giữ chỗ hiện nay cũng khiến nhiều người quan tâm. Quan điểm của tôi nếu dùng từ phí giữ chỗ thì hơi nặng nề, nên coi đó là một khoản phí thể hiện sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường.

Phía nhà trường cũng mong muốn làm sao từ phía sở giáo dục và đào tạo cũng như các ban ngành có thể hiểu hơn các trường tư thục để tạo điều kiện cho các trường tư thục vận hành một cách cơ bản. Vì với các trường tư thục để có thể tồn tại và phát triển tốt được cần có tài chính vững vàng. Nếu cứ lỗ triền miên nhiều năm thì không thể duy trì được”, bà Bình nêu quan điểm.

Mặt khác, theo bà Bình khi tài chính vững vàng thì nhà trường mới duy trì được chất lượng giáo dục tốt, phục vụ học sinh.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-tu-mot-cap-hoc-muon-chuyen-sang-truong-lien-cap-thu-tuc-qua-phuc-tap-post242031.gd