Trường tồn hội lễ dân gian

Nghĩ về lễ hội ở xứ Quảng và liên tưởng đến các khía cạnh xã hội của nó, mới nhận ra rằng các nghi thức tín ngưỡng dân gian tồn tại nhiều đời nay, đều chứa những giá trị tâm linh khởi từ ước muốn cộng đồng...

Cộ Bà Chợ Được vừa tổ chức thu hút hàng ngàn người dân tham dự. Ảnh: HỒ QUÂN

Nghi thức dân gian

Lễ tế tại lăng cá Ông (phường Mân Thái, TP. Đà Nẵng) nhiều năm qua được thể chế hóa bằng một hương ước trong lịch sử. Câu chữ trong Hương Lệ viết: “Hiệp toàn dân xã nội” nhằm chỉ một nghi lễ mang tính cộng đồng mà các tầng lớp ngư dân đều tham gia.

Vào ngày 26 tháng Giêng hằng năm, lễ cúng Nghinh Ông ngày nay là lễ hội cầu ngư, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tâm linh của vùng biển Đà Nẵng.

Trong lễ hội, người dân hát bả trạo - một hình thái phi vật thể mang tính nhân văn và nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia.

Sau lễ cúng cá ông, người dân sử dụng các điệu hò hát dân ca với nội dung kể công ơn của cá ông đã giúp đỡ các ngư phủ vượt qua nhiều thử thách, dông bão để vào bờ bình an.

Vở diễn có nhiều lớp, phỏng theo các làn điệu dân ca và múa hát, mô tả cảnh sóng to gió lớn qua nhiều canh trong đêm, nhờ cá ông dìu vào bờ an toàn…

Hầu như các hội làng đầu xuân của người làng biển với lễ cúng và hát bả trạo, vai trò của quần chúng - ngư dân là vai chính. Từ người chánh tế, các thầy tư lễ đến các trạo tử và cả người xem đều là cư dân sở tại. Năng lực sáng tạo tại chỗ vô cùng xúc động và thu hút…

Sắc thái cộng đồng

Người vùng Đông xứ Quảng vừa mới dự cuộc hội làng lớn nhất đầu xuân tại đây, là lễ hội Cộ Bà Chợ Được. Đây là lễ hội dân gian đã có từ hơn thế kỷ nay, quy tụ hàng ngàn người dân đến cầu lộc cho một năm mới an khang.

Cộ Bà Chợ Được vừa tổ chức thu hút hàng ngàn người dân tham dự. Ảnh: HỒ QUÂN

Lễ rước cộ Bà là một hình thức nghệ thuật thông qua các trò diễn xướng dân gian mang tính cộng đồng. Đồng thời chứa nhiều giá trị tâm linh, văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc, tạo hình, sân khấu, luật tục, lễ nghi.

“Cộ” có nghĩa là “kiệu”, các nghệ nhân trang trí một bàn cộ để khiêng đi trong buổi lễ. Rước cộ Bà là dùng kiệu để nghinh Bà, nghinh sắc phong của Bà đi quanh chợ và khu vực lân cận.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương còn gọi chợ Được có nghĩa là “Đắc thị”. Ngoài là một vị thần hiển linh, người dân vùng Đông Thăng Bình từ xưa đã coi Bà là vị sáng lập ra chợ Được, hay còn gọi là chợ Bà - một trong ba chợ lớn nhất ở xứ Quảng từ xưa…

Điều độc đáo nữa ở hội làng, là sự chung lưng của hàng ngàn người dân. Trước ngày diễn ra Lệ Bà, có khi cả tháng, tùy theo chủ đề mỗi năm, người dân các làng trong vùng đã góp tiền của, công sức thực hiện các mô hình xe hoa, diễn tấu cho đêm chính lễ. Nhờ tính cộng đồng ấy, những đêm rước Cộ thường thu hút hàng chục ngàn người dân tham dự.

Hội làng luôn cuốn hút

Điểm lại hai cuộc hội làng tháng Giêng, chính sắc thái văn hóa dân gian của xứ Quảng đã tạo nên tính cộng đồng từ sự tham gia của quần chúng.

Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người dân, cuộc hội làng vì thế chưa bao giờ thôi cuốn hút. Lễ hội mang trong lòng nó niềm tự hào về làng quê, rộng hơn là quê hương đất nước. Đây chính là điều nuôi sống tâm hồn của cả cộng đồng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nói, những làng không có lễ hội, có thể họ giàu có nhưng chưa chắc đã vững bền. Cả nước có khoảng 7.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là hội làng. “Hệ giá trị lễ hội” có nhiều phương diện, nhưng trên hết, lễ hội vẫn mang giá trị cố kết cộng đồng lớn nhất.

Tính chất văn hóa cộng đồng ở xứ Quảng còn có thể tìm thấy trong các lễ hội Cầu Bông ở Trà Quế, lễ hội Mục đồng ở các làng quê khắp Quảng Nam và các lễ tế Kỳ Yên ở các đình làng…

“Cái gì thuộc về nhân dân thường sẽ trường tồn”. Câu nói ấy có lẽ phù hợp với các lễ hội đầu năm mới ở xứ Quảng!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/truong-ton-hoi-le-dan-gian-3130625.html