Trường THPT Chu Văn An cần làm gì khi chuyển đổi sang mô hình trường chuyên?

Ngày 28/10, tại Hội thảo Xây dựng Trường THPT chuyên Chu Văn An, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết để xây dựng và phát triển Trường THPT Chu Văn An lên tầm cao mới.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Bộ GD&ĐT có Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.

Sự cần thiết chuyển đổi mô hình

Báo cáo tại hội thảo, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An nêu dự thảo đề án xây dựng Trường THPT chuyên Chu Văn An.

Quang cảnh Hội thảo xây dựng đề án Trường THPT chuyên Chu Văn An

Theo đó, Trường THPT Chu Văn An (Trường Bưởi) thành lập từ năm 1908, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi đào tạo nhiều thế hệ chính trị gia, nhà khoa học, nhà giáo dục… nổi tiếng. Tính đến trước năm 1986, Chu Văn An là trường có lớp chuyên Toán duy nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Năm 1995, Trường THPT Chu Văn An là một trong ba trường được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định xây dựng thành trường THPT chất lượng cao, tiêu biểu cả nước (Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 17/2/1995).

Từ năm 2010, Trường được phép mở rộng mô hình đào tạo lớp 10 chuyên với 10 môn chuyên. Ngoài 10 lớp chuyên, nhà trường còn có các lớp phổ thông, các lớp song ngữ tiếng Pháp và các lớp song bằng quốc tế.

Với thành tích giáo dục nổi bật, trường luôn nằm trong tốp 40 trường có tỷ lệ đỗ đại học cao nhất cả nước và đứng tốp 10 các trường có chất lượng giáo dục cao nhất Thủ đô.

Tuy nhiên, do vẫn là Trường THPT công lập có lớp chuyên nên trường không được hưởng các chính sách đầu tư; các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, các chính sách ưu đãi dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh như các trường THPT chuyên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh, giáo viên của nhà trường mà còn không phát huy được các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước.

Mặc khác, tuy có nhiều tiến bộ về thành tích mũi nhọn nhưng chất lượng đào tạo mũi nhọn của trường chưa thực sự bền vững. Thành tích của trường vẫn chưa thể sánh bằng các trường chuyên lớn trên cả nước như THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT chuyên Trần Phú - Hải Phòng, THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An… Để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, vươn đến chất lượng mang tầm khu vực và quốc tế, trường cần tiếp tục được quan tâm đầu tư thích đáng.

Phát huy chất lượng, nâng tầm vị thế

Góp ý tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc chuyển đổi mô hình từ Trường THPT Chu Văn An thành Trường THPT chuyên Chu Văn An sẽ giúp nhà trường tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống của ngôi trường hơn 100 năm tuổi, đưa trường lên tầm cao mới, góp phần làm giáo dục Thủ đô rực rỡ hơn; cùng với đó đưa hoạt động và hướng phát triển của nhà trường đúng Luật và quy chế của Bộ.

Các đại biểu tham dự hội thảo

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo (nay là Học viện Quản lý giáo dục) bày tỏ, dù chuyển thành mô hình trường gì thì Trường THPT Chu Văn An cần lưu ý tới 5 tư duy nền tảng trong giáo dục gồm: Tư duy logic, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy ngôn ngữ, tư duy algorit.

Nhấn mạnh niềm tự hào về truyền thống của ngôi trường 115 năm tuổi, Nhà Sử học Dương Trung Quốc – cựu học sinh Trường THPT Chu Văn An cho hay: Trường THPT Chu Văn An chuyển đổi thành mô hình trường chuyên là sự chuyển hóa sáng suốt, phù hơp với thực tiễn phát triển để nhận được sự đầu tư chính thức của Nhà nước. Ông mong trường tìm con đường chuyển đổi đúng mức, chuyển đổi từng bước một; quá trình chuyển đổi cố gắng, mạnh dạn đưa vào cái mới và nhấn mạnh việc sau khi rời ghế nhà trường, học sinh thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ và cuộc sống như thế nào.

Tại hội thảo, các giáo viên Trường THPT Chu Văn An bày tỏ sự nhất trí cao khi xây dựng thành trường chuyên và cho rằng, đây là cơ hội tốt để nâng cao vị thế nhà trường. Giáo viên sẽ có thêm cơ hội được học tập, phát triển chuyên môn và kỹ năng; học sinh cũng được hưởng lợi nhiều hơn khi có các chính sách về học bổng, có ngân sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi…

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, cơ sở xây dựng đề án chưa rõ ràng; đồng thời đề nghị nhà trường phân tích kỹ về ưu, nhược điểm, thách thức, cơ hội để đưa ra mô hình tối ưu.

Khẳng định trường THPT Chu Văn An là một ngôi trường nổi tiếng trên cả nước, đại diện Sở GD&ĐT thông tin: Hiện nay Trường THPT Chu Văn An là một trong 121 trường công lập của TP Hà Nội, không nằm trong hệ thống trường chuyên, trường hoạt động theo quy chế của trường công lập bình thường.

Ở đây chúng ta không phải bàn thảo việc thành lập mới Trường THPT chuyên Chu Văn An mà chỉ là tổ chức lại và đổi tên từ Trường THPT Chu Văn An thành Trường THPT chuyên Chu Văn An. Đây là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, vừa là bám chắc thực tiễn, vừa thực hiện đúng các quy định của pháp luật; từ đó sẽ có một Trường THPT Chu Văn An trên 100 năm tuổi những đi kịp xu thế của thời đại. Việc chuyển đổi thành Trường THPT chuyên Chu Văn An sẽ mở ra hướng phát triển cho giáo dục Thủ đô, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trên địa bàn.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, từ hội thảo này, Sở sẽ nghiên cứu, tập hợp đầy đủ ý kiến, phối hợp chuyên gia để tham mưu TP trong việc xây dựng, sắp xếp hệ thống trường lớp trên địa bàn Thủ đô.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/truong-thpt-chuyen-chu-van-an-can-lam-gi-khi-chuyen-doi-sang-mo-hinh-chuyen.html