Trường THPT Bắc Yên Thành: Tự hào 40 năm vun đắp và xây dựng

40 năm trước, tại vùng Rú Đất, lễ khai giảng đầu tiên của phân hiệu 2, Trường cấp 3 Yên Thành I đã được tổ chức. Trường đóng trên vùng đất khó, mang theo ước vọng, mang theo hoài bão và niềm tin về 'Trường của ta như con sông mang nặng đất phù sa, đưa nước về tưới mát…'.

Ngôi trường của học sinh “vùng khó”

Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, toàn huyện Yên Thành có 3 trường cấp 3, nhưng riêng khu vực phía Bắc rộng lớn của huyện lại không có trường.

Lúc bấy giờ, dù nhiều con em trên địa bàn các xã như Phúc Thành, Hậu Thành, Hùng Thành, Lăng Thành, Mã Thành, Tiến Thành, Tân Thành, Đức Thành, Đô Thành, Thọ Thành, Hồng Thành và Phú Thành... học hết cấp 2 có nguyện vọng được tiếp tục học cao hơn, nhưng vì điều kiện khó khăn, đường sá đi lại xa xôi nên chỉ có một số ít con em gia đình khá giả mới có điều kiện vào xã Hoa Thành (Trường cấp 3 Yên Thành 1) để học.

Trường THPT Bắc Yên Thành. Ảnh: NT

Áp lực về học tập lúc bấy giờ là rất lớn, nên đến đầu những năm 80, UBND huyện Yên Thành đã ra chủ trương xây dựng phân hiệu 2 của Trường cấp 3 Yên Thành I ở khu vực phía Bắc huyện và cử một số cán bộ huyện và quần chúng nhân dân tâm huyết vào ban xây dựng trường.

Chủ trương ngay sau khi được đưa ra đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Những ngày đầu, sau khi đã khảo sát được địa điểm tại vùng Rú Đất, khu vực giáp ranh giữa 2 xã Lăng Thành và Hậu Thành (địa điểm của trường hiện nay), hàng nghìn học sinh, giáo viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn đã được điều động san lấp mặt bằng.

Học sinh Trường THPT Bắc Yên Thành trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: NT

Đến năm 1982, việc khởi công xây dựng trường bắt đầu được tiến hành. Trường mới khi đó đơn sơ, với 3 dãy nhà cấp 4 để làm phòng học và nhà làm việc. Ngoài ra, còn có nhà ở của giáo viên. Ngày 12/9/1983, lễ khai giảng đầu tiên Phân hiệu 2, Trường cấp 3 Yên Thành đã được tổ chức, với 9 lớp và gần 300 học sinh…

Thế hệ của những người đầu tiên đặt viên gạch xây dựng trường chưa quên được những ngày gian khó lúc “tất cả còn chưa có gì”.

Đó là những ngày ngoài giờ học, thầy và trò tự tay nấu gạch, nung vôi để lấy vật liệu xây dựng các công trình phục vụ cho dạy học; đào hào, rào trường.

Ngày ấy, nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền và phụ huynh thì khó có được một ngôi trường khang trang như hiện nay…

Nói đến quá trình phát triển của nhà trường, còn phải nói đến thời điểm năm 1991, khi đó, thực hiện chủ trương sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, huyện Yên Thành có quyết định sáp nhập Phân hiệu 2, Trường PTTH Phan Đăng Lưu với Trường PTCS Lăng Thành để thành lập Trường Phổ thông cấp 2+3 Bắc Yên Thành.

Đây cũng được xem là một trang sử mới của nhà trường, đánh dấu nhiều sự thay đổi khi trường sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, từ một trường cấp 3, chuyển thành trường 2 cấp, trong đó, ngoài 5 lớp PTTH còn có 4 lớp PTCS từ lớp 6 đến lớp 9. Thời điểm này, hình ảnh các thầy, cô giáo đạp xe đến từng địa phương để vận động học sinh đến trường đã trở nên thân thuộc, nhiều học sinh sau một thời gian nghỉ học đã xin quay trở lại trường.

Học sinh và giáo viên khóa học đầu tiên của Trường THPT Bắc Yên Thành trong ngày gặp mặt. Ảnh: NT

Điều đáng quý, đó là dù trong lịch sử 40 năm xây dựng và phát triển nhà trường, đây là giai đoạn nhà trường có số lớp bậc THPT ít nhất, nhưng không vì thế mà thiếu những gương mặt tiêu biểu.

Đặc biệt, từ năm học 1993-1994, trường bắt đầu có học sinh giỏi tỉnh và những năm tiếp theo học sinh giỏi tỉnh dần tăng cao về số lượng và giải thưởng.

Với quy mô ngày càng mở rộng, tháng 8/1996, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 2998/QĐ-UB tách Trường PTTH cấp 2+3 Bắc Yên Thành thành 2 trường là Trường PTCS Lăng Thành và Trường PTTH Bắc Yên Thành (sau này gọi là Trường THPT Bắc Yên Thành). Tên gọi Trường THPT Bắc Yên Thành chính thức có từ thời điểm này.

Dạy thật, học thật, chất lượng thật

Nhìn lại quá trình 40 năm xây dựng và trưởng thành, dù rất nhiều thời điểm, Trường THPT Bắc Yên Thành gặp khó khăn, nhưng chính từ trong gian khó lại càng thấy rõ hơn sự nỗ lực, quyết tâm, sự tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên nhà trường.

Giờ học của học sinh Trường THPT Bắc Yên Thành. Ảnh: NT

Chuyển biến rõ nhất chính là ở chất lượng giáo dục để từ đó xây nên uy tín của nhà trường, là nơi gửi gắm tin cậy của lớp lớp thế hệ phụ huynh, học sinh.
Là quyền Hiệu trưởng Trường PTTH Bắc Yên Thành từ những năm học 1992 – 1993 và sau này là Hiệu trưởng nhà trường đến năm 2002, thầy giáo Nguyễn Hoàng (sau này là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) có rất nhiều kỷ niệm trong những năm gắn bó với trường.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chúng tôi xác định muốn nâng cao chất lượng, phải xây dựng kỷ cương nề nếp, phải khắc phục tình trạng “vừa trường, vừa trại, vừa bãi chăn trâu”, thầy giáo phải đảm bảo giờ giấc dạy học, phải tuân thủ các quy định về giáo án, sinh hoạt tổ chuyên môn, dự giờ đồng nghiệp...

Đối với học sinh phải đi học chuyên cần, không bỏ học giữa giờ, về nhà phải ôn bài cũ, làm bài tập đã được thầy cô ra... Bên cạnh khép chặt nề nếp kỷ cương, nhà trường cũng đã chú trọng động viên, khuyến khích, có thưởng hàng tháng cho giáo viên, có khen thưởng cho học sinh giỏi dù quỹ trường ngày đó rất eo hẹp.

thầy giáo Nguyễn Hoàng

Thư viện Trường THPT Bắc Yên Thành được đầu tư khang trang để phục vụ việc dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường. Ảnh: NT

Ngay khi vừa triển khai, trong năm đầu tiên (năm học 1993-1994), trường có 4 học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh. Trong quá trình phát triển, nhà trường cũng đã chú trọng xây dựng đội ngũ. Thời điểm mới thành lập trường, có nhiều giai đoạn, lãnh đạo trường đã phải đến từng nhà để vận động giáo viên về công tác tại trường.

Nhà trường có sáng kiến tổ chức “Hội nghị xã hội hóa” nhằm mục đích làm cho các địa phương nắm bắt tình hình nhà trường; hỗ trợ nhà trường tăng cường cơ sở vật chất; động viên con em vào học ở trường; đảm bảo trị an, an ninh trường học. “Dạy thật – học thật – chất lượng thật” và xây dựng phong trào thi đua “Hai tốt” cũng là khẩu hiệu được nhà trường duy trì nhiều năm nay, đó vừa là phương châm, vừa là định hướng xuyên suốt cho các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Nhiều chủ trương, sáng kiến của nhà trường cho đến nay vẫn còn nhiều giá trị thiết thực.

Đó là “Bức tường riêng tư” – một sáng kiến của thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Hùng. Ở đó, học sinh có thể viết, vẽ bất kỳ điều gì, thể hiện bất kỳ quan điểm nào lên đó mà không bị kiểm soát!

Những năm qua, Trường THPT Bắc Yên Thành đã có hàng trăm học sinh giỏi, nhiều học sinh được đạt điểm cao được UBND tỉnh tuyên dương. Chất lượng giáo dục đại trà có sự tiến bộ vượt bậc. Ảnh: NT

Người thầy giáo này cũng từng đưa ra quan điểm “Mỗi học sinh là một vũ trụ riêng mà trong vũ trụ đó, nó là trung tâm, thầy giáo là một hành tinh; hãy tác động để vũ trụ đó phát triển tốt đẹp và đúng hướng”, để hưởng ứng phong trào xây dựng trường học thân thiện, đây cũng là một cách gọi khác để xây dựng trường học hạnh phúc – một chủ trương mà đến nay ngành Giáo dục mới phát động. Sự tận tụy, hết mình vì học trò của các thế hệ lãnh đạo, giáo viên đi trước đã trở thành truyền thống, tiếp thêm sức mạnh cho tập thể nhà trường trong giai đoạn sau này.

Ở từng thời điểm, tuy hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhà trường luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tạo mọi điều kiện để giáo viên trong trường được phát huy năng lực, sự sáng tạo trong dạy và học. Đặc biệt, từ năm 1996 đến nay, sau khi chính thức được đổi tên, nhà trường đã vươn mình mạnh mẽ, khẳng định chất lượng giáo dục; uy tín và thương hiệu.

Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành khen thưởng giáo viên bồi dưỡng và học sinh đạt Thủ khoa môn Sinh học tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm học 2023 - 2024. Ảnh: NT

Từ một ngôi trường vùng khó khăn, nhà trường đã từng bước đi lên xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, với 5 dãy nhà cao tầng làm phòng học, phòng thực hành và các phòng chức năng, trang thiết bị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu giảng dạy, học tập và đổi mới giáo dục.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng ngày càng được đầu tư với 100% chuẩn và trên chuẩn, nhiều giáo viên đạt giải cao tại các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.

40 năm qua, Trường THPT Bắc Yên Thành đã tuyển sinh hơn 16.000 học sinh vào học và tốt nghiệp ra trường; có hàng ngàn học sinh đậu đại học; hơn 600 lượt học sinh giỏi tỉnh, nhiều học sinh đã trở thành những người lao động giỏi, giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Số học sinh đậu đại học có điểm cao được UBND tỉnh vinh danh thuộc tốp đầu các trường THPT trong tỉnh với 18 em. Gần đây nhất, tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm học 2023-2024, trường có 30 học sinh đạt giải, trong đó, có 1 em Thủ khoa môn Sinh học, với 19/20 điểm.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành. Ảnh: NT

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, thầy giáo Nguyễn Bá Thủy – Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Trường THPT Bắc Yên Thành có được những thành tựu như ngày hôm nay, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền qua các thời kỳ; sự chỉ đạo sâu sát trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo; sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp; sự quan tâm phối hợp của cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội; sự đoàn kết nhất trí, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể sư phạm nhà trường.

Đặc biệt, đó là sự nỗ lực cố gắng, cần cù, sáng tạo trong học tập, phấn đấu của các thế hệ học sinh trong suốt 40 năm qua. Chúng tôi trân trọng những kết quả đã đạt được và sẽ tiếp tục cố gắng vươn lên để ngôi trường mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ học sinh, niềm tin yêu của Đảng bộ và Nhân dân huyện Yên Thành./.

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/truong-thpt-bac-yen-thanh-tu-hao-40-nam-vun-dap-va-xay-dung-post279752.html